Gặp lão nông xây dựng 300 ngôi nhà gỗ lim bạc tỷ
Làm nhà gỗ không đơn giản như xây nhà tầng, nó đòi hỏi sự am hiểu về phong thủy và sự tỉ mỉ, khéo tay của người thợ dựng nhà. Bởi vậy, nhiều người dân ở Hải Phòng khi dựng nhà gỗ đều nhờ đến bàn tay người thợ mộc từng dựng 300 ngôi nhà gỗ lim ở khắp các vùng Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình…
Đến xã Thủy Triều, nhắc đến tên “Ca nhà lim” hay “Ca thợ mộc” ở thôn 6 không ai là không biết. Dường như cái tên của ông đã quá đỗi quen thuộc với người dân trong vùng. Cả xã có hơn 150 nhà dựng bằng gỗ lim thì có tới vài chục nhà do bàn tay ông Ca góp công xây dựng.
Ông Trần Văn Ca, 62 tuổi, người “thổi hồn” cho gần 300 nhà gỗ lim bạc tỷ.
Dựng hơn 300 nhà gỗ ở khắp các tỉnh thành
Chúng tôi gặp ông Ca đúng lúc ông đang cùng nhóm thợ cấp tốc đục hoa văn trên thân gỗ lim để kịp hoàn thiện ngôi nhà mới ở trong vùng. Khu xưởng mộc của ông Ca rộng hàng ngàn mét vuông nằm ngay cạnh con đường nhựa lớn. Ở đây, hơn 30 công nhân đang miệt mài đục đẽo hoa văn trên thanh gỗ.
Mái tóc nhuốm bạc, khuôn mặt gầy guộc, ông Ca rít mạnh hơi thuốc lá rồi kể, nhà ông có truyền thống làm nghề mộc từ nhiều đời. Học hết cấp 3, ông ở nhà nối nghiệp nghề mộc của cha ông để lại. Năm 20 tuổi, ông Ca bắt đầu đi dựng chiếc nhà gỗ lim đầu tiên cho một người dân ở trong làng.
“Sau khoảng 3-4 tháng xây dựng, chiếc nhà gỗ đầu tiên do tôi làm rộng khoảng 100m2 đã hoàn thành. Chi phí thời đó hết khoảng 5.000 đồng (tương đương khoảng 700-800 triệu đồng bây giờ). Cũng từ sau lần dựng đó, tôi thấy thích thú với nghề và tìm tòi học đục những hoa văn khó hơn”, ông Ca kể lại.
Sau lần dựng nhà gỗ lim thành công, danh tiếng của ông Ca vang xa hơn. Dần dần, người dân ở các vùng lân cận như: Hải Dương,Thái Bình cũng lặn lội sang Hải Phòng tìm gặp và nhờ ông dựng nhà giúp. Từ năm 2000 trở lại đây, kinh tế phát triển, nhu cầu của người dân về nhà gỗ lim tăng lên, mỗi năm ông Ca duy trì dựng 10 hoặc 20 chiếc nhà gỗ cho người dân. Thậm chí, có thời điểm nhiều người thuê đặt dựng nhà ông Ca phải từ chối vì không có thời gian và thợ làm.
Ngôi nhà của ông Ca được dựng theo kiến trúc cung đình Huế, trị giá trên 3 tỷ đồng. Nhà 2 tầng đồ sộ, với nhiều lầu nhỏ nhấp nhô. Tầng dưới làm xưởng gỗ, tầng trên có 3 gian với 4 cột trụ, 3 cửa chính, trên nóc khắc cảnh vật 4 mùa trong năm.
Năm 2012, ông Ca cùng với nhóm thợ 30 người xuống dựng nhà gỗ cho một người dân kinh TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi nhà có diện tích 300m2, dựng trong 6 tháng hết 7 tỷ đồng. Năm 2014, ông Ca cũng dựng nhà gỗ cho một đại gia ở huyện Thủy Nguyên ngôi nhà gỗ lim trị 5 tỷ đồng.
“Qua hơn 40 năm làm nghề mộc, tính đến nay tôi đã dựng được gần 300 nhà gỗ cho người dân trong vùng và các tỉnh lân cận. Người ít tiền thì dựng nhà gỗ lim khoảng 700 triệu đồng. Còn những người khá giả thì dựng ngôi nhà có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhà gỗ bằng lim có đồ sộ, tráng lệ hay không đều do túi tiền của chủ nhân ngôi nhà”, ông Ca chia sẻ.
Ông Ca cho hay, gần chục năm trở lại đây, người dân trong vùng nở rộ phong trào dựng nhà gỗ lim. Kiến trúc nhà mái bằng không được nhiều người ưa chuộng. Người dân thích dựng nhà gỗ lim bởi gỗ lim mịn, chịu mưa nắng, không mọt, không bong vênh, vân gỗ đẹp. Đặc biệt, kiến trúc cửa thùng khung khách, hoa văn thông, mai, cúc, trúc tạo nét cổ kính, gần gũi với làng quê.
Nhìn chân cột đoán nhà vuông hay méo
Làm nhà gỗ không đơn giản như xây nhà mái bằng, nó đòi hỏi sự am hiểu phong thủy và sự tỉ mỉ, khéo tay của người thợ dựng nhà. Bởi vậy, mà khi có ý định nhà gỗ lim, người dân đều tìm đến ông Ca. Họ ví ông giống như người “thổi hồn” cho ngôi nhà gỗ trên đất Thủy Triều.
“Người dựng nhà kiến trúc cổ phải là người có trình độ, biết cách tạo hình, kỹ thuật. Quan trọng hơn vẫn phải là người thợ có tâm. Khi tâm trong sáng sẽ làm mọi việc cẩn thận, từ khâu chọn gỗ đến lúc dựng nhà. Người thợ không có tâm thường đưa loại gỗ không tốt như xà leo, song ngà vào dựng nhà và chủ nhân của ngôi nhà thường gặp rủi ro. Còn người có tâm, đưa loại gỗ lim tốt, tạo may mắn cho gia chủ”, ông Ca nói.
Nói về kỹ thuật dựng nhà gỗ lim, ông Ca nói thêm: “Khi dựng nhà phải tính toán kỹ làm sao để các chân cột rơi đúng vào tim của cột đá đặt sẵn trước đó, các cột, xà ghép với nhau cũng phải khớp. Đặc biệt, muốn biết ngôi nhà méo hay vuông thì phải nhìn vào 4 chân cột. Nếu góc vuông ở 4 chân cột vuông 90 độ thì nhà không méo, còn góc mà vuông khoảng 95 độ, nhà sẽ bị lệch”.
Bên trong ngôi nhà gỗ kê bộ sập gụ, tủ chè tạo nét uy nghi, cổ kính.
Theo ông Ca, ngôi nhà gỗ lim thường được thiết kế theo lối kiến trúc cổ. Cổng vào cũng được làm bằng gỗ lim, bên trên cổng lợp mái che, ngói vảy. Ngôi nhà gỗ thường có 3 gian, cửa thùng khung, lợp ngói vảy. Gian giữa là bộ hương án, hai gian bên cạnh kê sập gụ, tủ chè và bàn ghế cũng bằng gỗ dùng để tiếp khách. Nhà giàu dựng nhà rộng, cột trụ lim to.
Người dân kỹ tính thường chọn người thợ có kinh nghiệm, nghiên cứu rất kỹ, ngũ hành âm dương và nghề nghiệp của từng gia chủ để tạo dựng ra ngôi nhà mang lại sự thịnh vượng cho gia chủ.
“Nhà gỗ là cả một công trình nghệ thuật, kết hợp kiến trúc điêu khắc và hội họa, cả phong thủy học cho nên nhiều người thích thú làm để chiêm ngưỡng, tiếp khách. Đồng thời, bày những món đồ quý ở trong ngôi nhà”, ông Ca nói.
Hiện tại, ông Ca cũng đang sở hữu ngôi nhà gỗ lim theo kiến trúc cung đình Huế, trị giá trên 3 tỷ đồng. Đó là một ngôi nhà 2 tầng đồ sộ, với nhiều lầu nhỏ nhấp nhô. Tầng dưới làm xưởng gỗ, tầng trên có 3 gian với 4 cột trụ, 3 cửa chính, trên nóc khắc cảnh vật 4 mùa trong năm. Gian giữa bày bộ hương án, bên dưới là bộ sập gụ màu nâu, hai gian bên cạnh là phòng nghỉ. Trước cửa gian giữa kê bộ bàn ghế dùng để uống trà, đọc sách...