Gặp lãnh đạo Trung - Nhật: Obama nói gì?
Hôm nay, trong cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo Trung Quốc từ khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói, Washington và đối thủ kinh tế chính của họ phải làm việc cùng nhau để "thiết lập những quy tắc rõ ràng về con đường" cho thương mại và đầu tư.
Bình luận của ông Obama được đưa ra trong chặng dừng chân cuối cùng chuyến công du Đông Nam Á diễn ra sau một chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ mà vấn đề Trung Quốc được coi như một tâm điểm.
Khi đó, Trung Quốc bị các ứng viên tranh cử cáo buộc về các hoạt động thương mại bất công bằng cũng như trách nhiệm trong những căng thẳng khu vực xung quanh vấn đề lãnh thổ liên quan tới Bắc Kinh.
Tạo lập quy tắc
"Điều rất quan trọng với hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới là, chúng ta phải làm việc để tạo lập những quy tắc rõ ràng trong con đường quốc tế cho thương mại và đầu tư", Tổng thống Mỹ nói với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Phnom Penh, Campuchia.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Obama đã bị đối thủ Mitt Romney chỉ trích vì "không cứng rắn với Bắc Kinh" trong các vấn đề thương mại, nhân quyền và an ninh. Ngược lại, Obama cáo buộc Romney "chuyển" việc làm Mỹ sang Trung Quốc trong vai trò doanh nhân.
"Tôi cam kết làm việc với Trung Quốc và tôi cam kết làm việc với châu Á", ông Obama tuyên bố. Theo ông, Mỹ và Trung Quốc có một "trách nhiệm đặc biệt" trong việc dẫn đầu con đường tăng trưởng toàn cầu bền vững.
Lãnh đạo Nhật, Mỹ, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh "sự khác biệt và bất đồng giữa hai nước" nhưng nói có thể giải quyết thông qua thương mại và đầu tư.
Chuyến thăm Campuchia của ông Obama - chuyến công du đầu tiên tới nước này của một tổng thống Mỹ - nhằm khẳng định sự mở rộng các lợi ích quân sự và kinh tế Mỹ tại châu Á sau khi Washington tuyên bố chiến lược "xoay trục" chuyển về châu Á từ các xung đột tại Trung Đông và Afghanistan.
Philippines, Australia và một số nơi khác trong khu vực đã chứng kiến "sự xuất hiện trở lại" của các tàu chiến, máy bay và lính Mỹ kể từ khi ông Obama đưa ra chính sách thay đổi về ngoại giao, kinh tế và an ninh hướng tới châu Á cuối năm ngoái. Giới phân tích cho rằng, chiến lược của Mỹ khiến Bắc Kinh lo ngại.
Liên minh Mỹ - Nhật
Trong cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết, các vấn đề an ninh gia tăng ở châu Á đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật. "Với mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn của môi trường an ninh ở Đông Á, tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật càng gia tăng", ông nói.
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ đã trở thành điểm nóng trong khu vực năm nay. Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông và nhiều chuyên gia phân tích lo ngại rằng, căng thẳng trong vùng biển này có nguy cơ dẫn tới xung đột vũ trang lớn.
Quan hệ Trung - Nhật cũng không thuận lợi sau khi Tokyo mua một số đảo trong nhóm đảo tranh chấp mà họ gọi là Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Động thái từ Tokyo đã làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo lực ở Trung Quốc và kêu gọi thực hiện phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật khắp nước này.
Trung Quốc khẳng định, tranh chấp ở cả hai vùng biển có liên quan tới những tuyến vận chuyển sống còn với hoạt động kinh tế của họ và thiên về cách giải quyết song phương với từng bên trực tiếp liên quan. Tuy nhiên, vấn đề có thể được đặt ra vào cuối ngày nay tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á có sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
ASEAN vào hôm chủ nhật đã nhất trí chính thức yêu cầu Trung Quốc khởi động đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử nhằm mục tiêu tháo gỡ nguy cơ đụng độ trên biển.
Cuối ngày hôm qua, Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã đưa ra sáng kiến thương mại có tên Cam kết kinh tế mở rộng My ̃- ASEAN có những chương trình hành động hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia châu Á kết nối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận do Mỹ khởi xướng và đang đàm phán với 10 nước châu Á và Tây bán cầu. TPP hiện không bao gồm Trung Quốc.