Gặp lại những người từng “chạm tay” vào lịch sử

Sự kiện: Thái Bình

Vùng đất Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) chính là quê hương của ông Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập và ông Nguyễn Duy Đông - người cắm cờ trên trụ sở bộ tổng tham mưu ngụy quân, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn...

Gặp lại những người từng “chạm tay” vào lịch sử - 1

Ông Nguyễn Duy Đông nâng niu những tấm hình lịch sử.

“Dù có hy sinh cũng quyết không để mất lá cờ”

Nơi đến đầu tiên của chúng tôi là vùng quê Thụy Văn, huyện Thái Thụy để gặp người đã cắm lá cờ giải phóng lên cột cờ của Bộ Tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn ngày 30/4/1975. Câu chuyện đi tìm chủ nhân thực sự cắm cờ giải phóng tuy không quá mới lạ nhưng cũng đủ để hâm nóng sự quan tâm của nhiều người. Sau hàng chục năm ròng rã đi tìm, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 đã cấp giấy chứng nhận số 251/CN - TĐ do Chính ủy Trung đoàn Thượng tá Phạm Văn Đạo ký tặng ông Nguyễn Duy Đông - người đã cắm lá cờ quân giải phóng lên nóc nhà ngụy quân Sài Gòn năm 1975.

Trong ngôi nhà nhỏ treo đầy những tấm hình đen trắng một thời binh lửa, người cựu chiến binh Nguyễn Duy Đông năm nay ngoài 65 tuổi nhưng toát lên sự rắn rỏi, cương nghị của một người lính trinh sát. Ông hào hứng kể về những năm tháng không thể nào quên, vẫn hiện hữu trên gương mặt đã xếp tầng những nếp thời gian. Nhớ lại câu chuyện năm xưa, ông Nguyễn Duy Đông vẫn không dấu được sự xúc động: “Hôm đó, tôi là người được giao trách nhiệm mang theo lá cờ rộng 3,4m, dài 4,8m để sau khi quân ta giành chiến thắng sẽ cắm lên nóc trụ sở Bộ Tham mưu ngụy quân Sài Gòn, báo hiệu chiến thắng hoàn toàn. Tôi vừa hãnh diện vừa lo lắng, lá cờ được tôi cất giữ cẩn thận trong ba lô, lúc đó tôi chỉ nghĩ dù có hy sinh cũng quyết không để mất lá cờ này”.

Ông Đông nhớ lại: Sáng 30/4/1975, tổ trinh sát dẫn đường của ông và các đồng chí khác cùng ngồi trên xe tăng đồng loạt đánh thẳng vào căn cứ địch. Tổ trinh sát tiếp tục tiến qua địa phận Lái Thiêu và tiến thẳng vào cầu Bình Triệu. Thời gian này, địch dồn quân chốt chặt, bảo vệ các ngả đường vào Sài Gòn. Pháo tăng, hỏa lực bộ binh của ta dồn dập bắn thẳng vào đoàn xe của giặc.

Cùng lúc này, trong thời khắc quyết định, chiến sĩ Nguyễn Duy Đông từ trên xe tăng lao xuống đường, chĩa súng AK bắn liên tiếp vào xe bọc thép của địch và hét to: “Hàng thì sống, chống thì chết”, rồi leo lên xe. Cả tổ lao theo leo lên xe khống chế giặc. Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông dùng báng AK nện mạnh lắp xe bắt địch đầu hàng. Ông lệnh cho người lái phải quay đầu, dẫn quân giải phóng đánh vào Bộ Tham mưu. Xe bọc thép giặc được cắm cờ giải phóng chở chỉ huy cùng tổ thọc sâu hướng ngã tư Phú Nhuận tiến đánh bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Gần trưa, Tiểu đoàn do Thiều Quang Nông chỉ huy tiến đánh vào cổng Bộ Tổng tham mưu ngụy. Súng máy 12,8 li tiêu diệt lô cốt án ngữ bên phải. Chiến sỹ Nguyễn Duy Đông lúc này ném liền 2 quả lựu đạn diệt lô cốt bên trái. Xe bọc thép húc tung cánh cổng tấn công vào bộ tổng. Địch hoảng loạn co cụm chống trả. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho xe tăng hạ thấp pháo bắn thẳng diệt 2 lô cốt. Khi đã khống chế hoàn toàn quân địch, ông Đông lưng giắt lá cờ, tay cầm AK chạy trước xông vào trụ sở Bộ tham mưu ngụy quân Sài Gòn. Phía sau hai đồng đội Đỗ Xuân Hương và Phạm Bá Uẩn chạy theo yểm trợ.

“Trong nhà bộ tổng còn rất nhiều giặc, tôi áp sát, bắt một tên phải dẫn theo lối cầu thang bộ gần nhất lên nóc nhà. Những chiến sỹ khác vừa chiến đấu bảo vệ, vừa theo lối cầu thang tiến lên. Lên tới nóc nhà đã lâu mà chưa thấy đồng đội lên cùng, ngó xuống thấy đồng đội vẫn loay hoay không sao đưa cán cờ lên được do cầu thang gấp khúc mà cán cờ lại quá dài. Từ trên tôi hét to: “Hương, cầm ngọn cây kéo ngược lên”. Cả tổ lên đủ 5 người, tôi mở balo. Anh Lưu tung cờ, Hương lồng cờ vào cán. Vẫn nguyên giầy cao cổ, tôi hạ súng AK leo lên cột thép, Uẩn ném dây buộc balo cho tôi. Khi tôi buộc xong cờ vào cột thép, Hương ở dưới nổ tràng AK báo tin chiến thắng, lúc này là 11h30”, ông Đông hồi tưởng.

Những mảnh ghép cuộc đời của một con người đi vào lịch sử

Gặp lại những người từng “chạm tay” vào lịch sử - 2

Ông Bùi Quang Thận giơ cao ngọn cờ của quân giải phóng. Ảnh: TL

Trước khi kết thúc câu chuyện với ông Nguyễn Duy Đông, chúng tôi còn được nghe ông kể về ông Bùi Quang Thận - người chiến binh từng cắm cờ chiến thắng trên Dinh Độc lập. “Niềm tự hào của Thái Thụy phải nhắc đến ông Bùi Quang Thận, chính ông xông lên cắm lá cờ chiến thắng trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn lúc 11h30 ngày 30/4/1975, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng”, ông Đông kể.

Dứt lời, giọng ông Đông trùng xuống: “Ông Thận là người hiền lành chịu khó và quý người lắm. Về hưu mang hàm đại tá, ông vẫn vất vả nuôi 3 đứa con ăn học. Có thời gian, ông còn đi bán xăng để nuôi gia đình. Ấy vậy mà chẳng bao giờ ông kêu ca với anh em nửa lời. Ông qua đời vào tháng 6/2012 nhưng đến cuối năm 2013, ông mới được công nhận Anh hùng”.

Theo lời chỉ dẫn của ông Đông, chúng tôi tìm về xã Thụy Xuân (huyện Thái Thụy) thăm ngôi nhà người chiến binh nổi tiếng sinh sống những năm tháng cuối đời. Từ sau khi ông Thận mất, vợ ông là bà Nguyễn Thị Đót ngày đêm chăm chút hương nhang và duy trì cửa hàng tạp hóa nhỏ của gia đình.

Anh Bùi Văn Vo - Phó chủ tịch UBND xã Thụy Xuân (cháu ruột của ông Bùi Quang Thận) nói với chúng tôi: “Ở nhà, vợ chồng tôi thay phiên nhau ra hương nhang và trông quán cho bà yên tâm. Từ ngày bác tôi mất, cũng có nhiều khách đến thăm, nhất là những dịp lễ lịch sử trọng đại người đến thắp nhang nhiều lắm”.

“Từ một Đại tá nghỉ hưu, về quê bác Thận lại trở thành một ông nông dân thực sự. Ngoài làm ruộng, bác còn thuê ao nuôi tôm, thả cá. Tháng 6/2012, bác mở thêm cửa hàng bán gas ở quê. Nhà nào hết gas hay van gas hỏng là bác có mặt thay gas và bảo hành, sửa chữa. Được cái bác vui vẻ, xởi lởi, lại thoáng tính nên ai cũng quý mến”, anh Vo kể.

Dẫn chúng tôi lên thăm căn phòng ông Bùi Quang Thận ở lúc sinh thời, anh Bùi Văn Vo cho chúng tôi xem album ảnh của ông Thận được gia đình cất giữ cần thận. Có những tấm ảnh đen trắng hoen ố theo thời gian; có những tấm ảnh chụp buổi nói chuyện của ông Thận với các chiến sĩ, các cháu học sinh; lại có những tấm ảnh chụp ông giữa đời thường với bạn bè hay những khoảnh khắc yên ấm bên gia đình… Tất cả là những mảnh ghép cuộc đời về một con người đã đi vào lịch sử.

Chỉ vào tấm ảnh ông Bùi Quang Thận chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Vo nói thêm: “Hồi trước bác tôi quý tấm ảnh này lắm. Bác đóng khung ảnh cẩn thận, ngày nào cũng mang ra ngắm rồi lau chùi. Cứ đến những ngày kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hay ngày Giải phóng miền Nam là bác lại đem những kỷ vật, ảnh từ kháng chiến ra ngắm và kể chuyện cho con cháu nghe. Bác thường bảo, đây là niềm vinh dự lớn nhất trong suốt cuộc đời làm cách mạng của bác”.

Sau khi ông Bùi Quang Thận qua đời, căn phòng của ông ở được chuyển luôn thành gian thờ theo nguyện vọng của ông. Còn đồ đạc, kỷ vật kháng chiến trong phòng vẫn giữ nguyên. Đặc biệt là những tấm hình kỉ niệm của ông Thận được mọi người lưu giữ cẩn thận”.

Vùng đất tuyển quân cao nhất miền Bắc

Nếu như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thái Bình có gần 40 vạn con em gia nhập các đơn vị lực lượng vũ trang thì riêng chiến tranh chống Mỹ (từ 1959 - 1975) Thái Bình đã tiễn đưa gần 18 vạn con em lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam và được Chính phủ công nhận là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc, trong đó có hàng vạn cán bộ dân chính Đảng và quân nhân tái ngũ được điều động vào quân đội. Trong đoàn quân trùng điệp ấy có rất nhiều con em Thái Bình đã lập những chiến công xuất sắc, là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử trọng đại.

Những người tiếp quản kho vàng trong ngày giải phóng

Tiếp cận khối lượng vàng, tiền khổng lồ họ vui mừng nhưng mắt đỏ hoe, mong muốn hòa bình, thống nhất đã thành hiện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Thái Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN