Gặp lại “người rừng”: Không bỏ làng vào rừng nữa
“Ở làng vui hơn. Sẽ không bỏ làng vào rừng sống nữa” – Lang đối đáp lại người em trai Hồ Văn Tri của mình bằng vài câu tiếng Cor trước khi đeo gùi cùng người em của mình lội bộ lên khu rẫy trồng trọt của gia đình giữa đỉnh núi cao. 7 năm ở làng, sống cùng người thân, láng giềng, “người rừng” Hồ Văn Lang đã có những cảm nhận về một cuộc sống tốt đẹp hơn…
Cuộc sống mới!
Một cuộc sống mới đã thật sự mang lại những đổi thay cho cuộc đời của “người rừng” Hồ Văn Lang. Từ chỗ như một đứa bé lúc rời rừng ở tuổi 44 thì giờ, khi Lang bước sang tuổi 51 đã trở thành một công dân bình thường của địa phương.
Ngồi bên trong ngôi nhà tình thương được các nhà hảo tâm hỗ trợ, ông Trương Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Trà Phong, huyện Trà Bồng bảo rằng, “người rừng” Hồ Văn Lang giờ không gọi là người rừng nữa vì Lang bây giờ đã là người bình thường, có chứng minh nhân dân, có hộ khẩu và đã lao động, giao tiếp như bất kỳ ai ở làng này. “Khi Lang về làng thì địa phương rồi gia đình và bà con ở đây rất quan tâm hỗ trợ anh. Nhờ vậy nên anh đã có sự hòa nhập rất tích cực” – ông Đông nói.
Ngày lên rừng làm rẫy của “người rừng” Hồ Văn Lang
4 năm từ rừng trở về thì vào năm 2017, cha của “người rừng” Hồ Văn Lang đã qua đời sau cơn bạo bệnh. Lang rất buồn nhưng đã tâm sự với người em trai của mình là sẽ ở lại làng, không bỏ làng vào lại rừng sâu.
Ngày mới từ rừng trở về, ngôn ngữ của Lang là những tiếng ú ớ không tròn vành rõ tiếng thì nay Lang đã rành rọt về giao tiếp bằng tiếng đồng bào Cor. “Anh Lang giờ có thể nói được tiếng đồng bào Cor như bất kỳ ai, hiểu được gần như toàn bộ. Tuy nhiên tiếng Kinh thì anh Lang chưa có rành, chỉ miết mà anh ấy vẫn chưa biết được. Hiện giờ anh ấy chỉ biết nói tiếng Kinh đối với tên món ăn như cơm, cá, trứng, muối hoặc biết nói và nhận dạng được các loại cây ăn quả như mít, ổi, trầu, cau,… Bây giờ anh Lang cũng biết đi chặt củi, biết mang củi đi bán và làm được nhiều việc khác. Gia đình thấy rất là mừng”, anh Hồ Văn Tri - em ruột của Lang nói.
Miệt mài lao động
Trưa nắng chang chang. Lang lọ mọ leo núi, băng qua 2 con suối để đến rẫy trồng trọt của mình, bắt đầu một ngày lao động trên nương cao. “Toàn bộ chuối, bắp ở khu đất này là do một tay anh Lang trồng. Mùa mưa thì anh Lang sẽ trồng thêm lúa rẫy” – anh Tri kể.
Lang vẫn miệt mài lao động
Dường như “người rừng” Lang không biết mệt. Cuộc sống khắc nghiệt suốt mấy chục năm ở rừng sâu đã “mài giũa” ra một Hồ Văn Lang đặc biệt, có sức lao động bền bỉ. Chặt buồng chuối vác trên vai đưa xuống túp lều trên rẫy, Lang ngồi bệt xuống đất đưa tay tính từng nải chuối. Lang quay sang nói với người em trai của mình bằng những câu tiếng Cor mà theo anh Tri dịch lại thì là: Đất ở đây trồng chuối không tốt bằng chỗ rừng sâu hồi cha con anh Lang sống. Trong đó chuối trái to, nải nhiều. Mai mốt sẽ lấy phân tươi đem lên đây bón cho tốt cây to trái!
Buồng chuối do Lang trồng nay đã được anh thu hoạch
Nói vừa dứt lời, Lang đưa tay lôi trong giỏ gùi ra một túi trầu. Đây là món “khoái khẩu” của “người rừng” Lang. Đưa tay quấn trầu cho vào miệng, Lang đứng lên đeo gùi rời rẫy trở về. Bên trong gùi là 2 buồng chuối. Lúc băng qua con suối, anh Tri bảo: “Về đến nhà, anh Lang sẽ mang 2 buồng chuối này đi bán. Anh ấy giờ biết lao động để kiếm tiền”. “Phải không anh Lang?” – anh Tri hỏi bằng tiếng Cor. Nghe xong, “người rừng” Hồ Văn Lang cười tươi, đầu gật gật liên hồi.
Cuộc sống mới vẫn đang tiếp diễn với những đều tốt đẹp đến với Hồ Văn Lang ở làng…
Xem clip Người rừng Hồ Văn Lang đi “chợ làng”, đếm tiền, nấu món lá mì tại đây.
(Hết)
Đi chợ. Nấu ăn. Chuyện nghe có vẻ đơn giản với nhiều người nhưng đối với “người rừng” Hồ Văn Lang lại là một...
Nguồn: [Link nguồn]