Gặp lại hai đứa trẻ của vợ chồng gặp nạn trong vụ cháy ở Đê La Thành
Trước nỗi đau quá lớn của cuộc đời nhưng hai đứa trẻ là con của cặp vợ chồng gặp nạn trong vụ cháy ở phố Đê La Thành (Hà Nội) đang ngày đêm vượt qua nghịch cảnh. Dù còn bé nhưng cậu anh cả đã nói với chúng tôi rằng, hai anh em sẽ sống tốt để không hoang phí cuộc đời của bố mẹ.
Hai anh em Tạ Thành Công và Tạ Công Minh. Ảnh: P Bình
Chuyến đi định mệnh
6h chiều 17/9/2018, dòng người tan tầm khiến đường Đê La Thành và con ngõ đi vào Bệnh viện Nhi Trung ương tắc nghẽn. Một ngọn lửa bùng phát sau nhà số 889 đường Đê La Thành và nhanh chóng lan ra 8 căn nhà liền kề ở khu vực dốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Cách hiện trường thảm khốc đó không xa, nằm một mình trong chiếc giường bệnh bé xíu, cậu bé Tạ Công Minh đang được các y tá, bác sĩ ở khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương chăm sóc cẩn trọng.
Tạ Công Minh sinh ngày 1/7/2018 khi đó mới được 28 tuần tuổi và là con anh Tạ Văn Tính (SN 1976) và chị Hà Thị Lành (SN 1977, ở phố Khánh, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Các bác sĩ cho biết, bé Minh nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, có khả năng nhiễm khuẩn huyết do đẻ non.
Trong hai ngày 15 - 16/9/2018, bố mẹ Minh thay nhau đưa sữa, bỉm vào cho con nhưng từ ngày 17/9, sau thời điểm xảy ra đám cháy, khoa Hồi sức cấp cứu không liên lạc được với bố mẹ cậu bé nữa. Cách đó gần 100 cây số, ở khu phố Khánh, ông bà Hoàng Thị Ngọ và Tạ Đình Tụng (là ông bà nội của bé Minh) và những người thân cũng không hề liên lạc được với anh Tính và chị Lành.
Về phía bệnh viện, sau khi không liên lạc được với bố mẹ bé Tạ Công Minh, đã nhờ cơ quan chức năng liên hệ và kết nối được với ông Tụng, bà Ngọ. Trong thời gian chờ tin tức của con trai và con dâu, ông Tụng, bà Ngọ nghe về đám cháy xảy ra gần Bệnh viện Nhi Trung ương - nơi anh Tính, chị Lành đưa con trai sinh non xuống điều trị cách đó vài ngày. Đến khi nhận được thông tin từ cơ quan chức năng phát hiện hai thi thể cháy đen ở khu nhà trọ cùng hai chiếc vòng bạc nằm bên cạnh, ông bà đã ngờ ngợ đến điều chẳng lành.
Sự rắn rỏi của cậu bé 14 tuổi
Em Tạ Thành Công, con trai đầu của anh Tạ Văn Tính và chị Hà Thị Lành.
Cậu bé Tạ Thành Công (14 tuổi), con trai đầu của anh Tính và chị Lành đang học lớp 9, Trường THCS Chu Văn An tại địa phương. Nhà cách trường khá gần nên Công thỉnh thoảng đi xe đạp, thỉnh thoảng đi bộ tới trường. Cuộc sống em là những ngày sống với ông bà nội nhiều hơn cả bố mẹ. “Bố mẹ em khổ lắm, lúc mất cũng khổ”, câu nói ở cậu bé mới 14 tuổi tỏ ra rất trưởng thành.
Bà Ngọ nhớ lại thời điểm khi cơ quan chức năng phát hiện hai chiếc vòng bạc nằm gần thi thể xấu số và mời xuống nhận dạng thân nhân, Công đã động viên bà. Đằng sau sự cứng cỏi của cậu bé mới 14 tuổi là ánh mắt buồn và chỉ trực khóc khi chúng tôi trò chuyện với em, nghe em kể về ông bà nội, về cậu em Tạ Công Minh và những kỉ niệm với bố mẹ.
“Khi đi bố mẹ dặn ở nhà phải biết chăm sóc ông bà nội và chăm sóc bản thân. Bao nhiêu lần rồi, từ khi em còn nhỏ đến giờ bố mẹ đi làm xa đều dặn em như thế. Trước khi đưa em Minh đi chữa bệnh dưới Hà Nội, em hỏi khi nào bố mẹ về, bố bảo chưa biết khi nào về cả. Đến bây giờ, bố mẹ không về nữa. Em không còn buồn nhiều nhưng em rất nhớ bố mẹ”, Công nói trong nước mắt.
Ông Tụng kể, từ ngày bố mẹ mất, em trai còn ở viện, đi học về, Công hay đứng thẫn thờ trước di ảnh bố mẹ. Sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt nên từ nhỏ, Công đã phải ở nhà một mình, tự chăm sóc bản thân. Cũng vì thế, Công trở nên rắn rỏi, trưởng thành, độc lập hơn những người bạn cùng trang lứa.
Ngày trước, dù bố mẹ có đi làm xa lâu ngày nhưng thỉnh thoảng Công vẫn được quây quần bên gia đình để được bố mẹ động viên trong học tập. Nhưng từ nay, cả Công và em trai mãi mãi không bao giờ có được tình yêu thương, chăm sóc của bố mẹ nữa. 14 tuổi, cái tuổi đủ để Công đã nhận thức được nhiều điều, biết được cuộc sống của một đứa trẻ thiệt thòi như thế nào khi không có bố mẹ.
Nhưng với cậu em trai của Công, đến cả khuôn mặt bố mẹ cũng không thể lưu lại được điều gì. “Lúc đó, em sẽ kể những câu chuyện về bố mẹ cho Minh nghe để em ấy biết rằng, bố mẹ thương yêu em như thế nào”, Công nói.
“Hai anh em sẽ sống cho cuộc đời của bố mẹ”
Bà Hoàng Thị Ngọ và cháu trai Tạ Công Minh.
Căn nhà của hai anh em Công nằm lọt thỏm bên cánh đồng cuối khu phố Khánh. Trong căn nhà đã xây 4 năm qua không có bất cứ thứ vật dụng gì đáng giá, chỉ có cái bàn uống nước đã cũ và cái bàn thờ mới mua đặt di ảnh, bát hương anh Tính, chị Lành. Trên tường, có 4 - 5 tấm giấy khen về thành tích học tập của Công và những vết nước vàng úa còn đọng lại sau đợt mưa lũ cuối tháng 7/2018. Bà Ngọ nói, nếu gia đình không nghèo khó thì chưa chắc gia đình bà đã mất con, các cháu mất cha mẹ.
“Ngày mới đưa con lên viện, Tính điện thoại về thông báo là thuê được căn phòng 1,5 triệu đồng/tháng. Hôm sau, con dâu gọi về bảo có dãy nhà trọ 15.000 đồng/ngày còn chỗ trống nên hai vợ chồng chuyển qua ở cho rẻ. Đâu ngờ, các con tôi gặp nạn. Nếu không chuyển chỗ trọ thì chắc chúng tôi không mất con”, bà Ngọ đau đớn.
Với bé Tạ Công Minh, sau 3 tháng nằm viện và hơn 1 tháng điều trị đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chiều 17/10/2018, bé Minh đã được gia đình đón về trong tình trạng sức khỏe ổn định với nhiều chuyển biến tích cực. Ngày chúng tôi lên thăm, bé Minh đang được em gái anh Tính chăm bế.
“Từ ngày về nhà, cháu ngoan lắm. Ngày thì chơi, tối thì ngủ, không khóc hay quấy rối gì cả. Chỉ thương cháu lớn lên đã không còn bố mẹ. Bây giờ cả nhà dành tất cả tình thương cho hai anh em. Chỉ mong các cháu đừng bệnh tật gì, ngoan ngoãn và sớm trưởng thành để anh chị được mỉm cười nơi suối vàng”, chị Giang, em gái anh Tính tâm sự.
Vụng về khi bế em, Công trêu đùa với em rồi kể lại giây phút được gặp em trong bệnh viện sau khi bố mẹ mất. Cuộc gặp gỡ giữa Công với Minh đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả trong chương trình Điều ước thứ bảy của VTV. “Anh đây, anh đây! Không khóc, không khóc. Em cố gắng mạnh khỏe nhé, về với anh, về với gia đình”… Công đón lấy đôi tay bé bỏng đang chìa ra của Minh rồi vỗ về. Và dường như cảm nhận được anh trai qua sợ dây vô hình nào đó, Minh nhoẻn cười với anh, mắt Công cũng tít lại, cười hạnh phúc với em qua lớp khẩu trang.
Giờ đây, hàng ngày, mỗi khi đi học về, Công lại quanh quẩn chơi đùa cùng em. Bố mẹ không còn nữa, sẽ có nhiều điều thiệt thòi nhưng Công phải tự lập hơn để còn chăm lo cho em trai thay bố mẹ. Nói về tương lai, Công chưa biết mình sẽ phải như thế nào. Công cũng không ước mơ sẽ đi đâu, làm gì hay một ngành nghề gì đó như các bạn cùng trang lứa vẫn ước. Bây giờ, điều Công mong nhất là cố gắng học thật giỏi và “em phải mạnh mẽ và hai anh em phải sống cho cuộc đời của bố mẹ”.
“Cháu Công suy nghĩ khá chín chăn. Bố mẹ mất, Công cũng xác định được tư tưởng. Giờ không có bố mẹ thì còn ông bà, cô chú nên Công phải tự lập, tự chăm sóc bản thân. Con trai, con dâu tôi đoản mệnh, điều tôi lo nhất là làm sao dạy các cháu thành người”, ông Tạ Đình Tụng tâm sự. |