Gặp lại “dị nhân” ngậm dây điện làm sáng bóng đèn ở Bắc Giang
Có thông tin cho rằng, “dị nhân” ngậm dây điện 220V làm sáng bóng đèn ở Bắc Giang đã mất khả năng miễn nhiễm với điện. Vậy thực hư của thông tin này ra sao?
Nghỉ công tác trong ngành điện, ông Thắng về nhà phụ giúp vợ con và đi sửa điện thuê.
Cách đây 6 năm, khả năng miễn nhiễm với điện của ông Dương Đình Thắng (SN 1955, ở Đức Nghiêm, Ngọc Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang) khiến dư luận xôn xao. Ngoài ông Thắng, con trai cả của ông là anh Dương Minh Lợi và cháu nội Dương Tiến Mạnh (con trai anh Lợi) cũng có khả năng này.
Ba thế hệ nhà ông Thắng có thể cho dòng điện 220V chạy qua người, biến mình thành vật truyền tải điện năng làm sáng bóng đèn. Bất cứ bộ phận nào trên cơ thể họ cũng có thể chạm trực tiếp vào dây diện, dùng bút thử điện dí vào người sẽ thấy sáng đèn bút thử điện.
Năm 2015, một số thông tin cho rằng ông Thắng đã mất khả năng miễn nhiễm với điện. Thực hư của việc này ra sao, những ngày đầu năm 2017, phóng viên đã tìm về nhà ông Thắng để xác minh.
Kiếm sống bằng nghề sửa điện
Ngay từ đầu làng Đức Nghiêm, phóng viên hỏi thăm một người phụ nữ luống tuổi đường vào nhà ông Thắng. Người này nhanh nhảu đáp: “Nhà ông Thắng điện à. Đi đến nhà văn hóa thôn rẽ trái là ngõ dẫn vào nhà ông ấy”.
Theo lời chỉ dẫn của người phụ nữ, phóng viên tìm vào nhà ông Thắng. Lúc này, trời đã xế chiều. Ngôi nhà cấp 4, ba gian, mái ngói vắng lặng. Vợ ông Thắng từ trong buồng đi ra cho biết, ông đang đi làm nên không có nhà.
Phóng viên ngồi đợi đến khoảng 19 giờ tối, có tiếng xe máy đỗ ngoài sân. Ông Thắng về nhà với lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay.
Vào nhà, nhấp ngụm nước chè, ông Thắng cho biết, từ khi nghỉ làm ở chi nhánh điện Bắc Giang (năm 2010), ông về nhà làm thợ xây và có ngề tay trái là sửa điện thuê.
“Ai hỏng điện, gọi thì tôi đến sửa. Mình cũng có cái nghề làm vốn nên kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống”, ông Thắng nói.
Ông Thắng tay trần cầm vào dây điện để sửa điện.
Ông Thắng cho biết thêm, kể từ khi mọi người biết đến khả năng của ông, nhiều người đến nhà tò mò hỏi chuyện, có ngày ông tiếp đến 3-4 đoàn khách. Thậm chí, có người từ tận Mỹ về quay ông để làm phim tài liệu.
Về thông tin mình không còn khả năng miễn nhiễm với điện, ông Thắng nói: “Thông tin đó là không đúng. Tất cả vẫn bình thường, chỉ là do tuổi cao, vợ con lo lắng nên tôi không thể hiện khả năng đặc biệt đó”.
Theo chân ông Thắng đi sửa điện
Gần 20 giờ, câu chuyện đang dang dở thì điện thoại ông Thắng vang lên. Nhà một người dân mất điện gọi ông đến sửa. Không ngần ngại, ông Thắng vào buồng lấy đồ nghề và nổ xe đi.
Đến nơi, ông Thắng phỏng đoán, điện mất do hỏng cầu giao tổng. Ông Thắng lần ra đồng hồ tổng ngoài cột điện, tay trần, ông cầm vào 2 dây điện đánh lửa xẹt xẹt để kiểm tra. Chỉ mất khoảng 5 phút, điện đã sáng trở lại.
Anh Nguyễn Trọng Tạo – chủ nhà nói: “Ở làng này, ai hỏng điện cũng gọi ông ấy đến sửa. Nhưng sợ lắm, ông ý chả cần kìm hay kéo gì mà cứ tay trần cầm vào dây điện. Mình đứng soi đèn cũng thấy run”.
Phóng viên làm thí nghiệm dí bút thử điện vào người ông Thắng trong lúc làm việc, bóng đèn bút thử điện vẫn sáng đỏ.
Để chứng minh mình vẫn còn khả năng cho điện chạy qua người, ông Thắng một tay cầm đầu dây điện, một tay đưa cho phóng viên bút thử điện bảo dí vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể.
Ông không quên nhắc phóng viên đừng động vào người ông không điện giật. Phóng viên dí bút thử điện vào tay và chân ông Thắng, quả nhiên bóng đèn bút thử điện vẫn sáng đỏ.
Trở về nhà, ông Thắng nhớ lại, ngày trước khi đi sửa điện, chưa có băng dính nên ông hay nhờ người đi lấy túi bóng và bật lửa để nối dây. Nhiều lúc quên, ông một tay cầm dây điện, một tay đưa ra khiến người kia bị giật.
“Nhiều người ngã lăn quay ra đất, cũng may chưa ai bị làm sao chứ không thì mình mang tội to”, ông Thắng cười khà khà.
Ông Thắng cho biết thêm, cơ thể ông chỉ chịu được dòng điện gia dụng 220V. Có lần ông thử cầm vào điện 380V và điện 500Kv nhưng ông cũng bị giật, thậm chí chảy cả máu tay. Những ngày mưa, ông nghỉ làm bởi trời mưa người ông bị nhiễm điện, cảm giác ngứa ngáy khó chịu không làm được.
Hiện cả 3 thế hệ nhà ông Thắng vẫn có khả năng miễn nhiễm với điện nhưng chỉ có ông Thắng theo nghề sửa điện. Người con trai cả sau một thời gian làm trong ngành điện về nhà mở xưởng cơ khí riêng, cháu nội đang tuổi đi học.