Gặp lại cậu bé thoát chết kỳ diệu dưới gầm xe tải

Vụ TNGT kinh hoàng năm 2012 khiến bố mẹ Gia Bảo tử vong tại chỗ, bé may mắn sống sót nhưng bị liệt hai chân.

Gặp lại cậu bé thoát chết kỳ diệu dưới gầm xe tải - 1

Bé Hoàng Gia Bảo vui vẻ, khỏe mạnh trong gia đình mới tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn

Buổi sáng định mệnh

Phát hiện có tai nạn, người dân bên đường chạy đến kiểm tra thì thấy bố mẹ bé Hoàng Gia Bảo (SN 2011, ở xã Lý Nhân, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) bị bánh xe chèn qua người tử vong tại chỗ, bé Bảo lúc đó mới 14 tháng tuổi nằm giữa gầm xe tải khóc thét. Bảo được cứu sống nhưng vĩnh viễn liệt đôi chân...

Trưa 2/12, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, bé Gia Bảo với khuôn mặt sáng sủa nằm giữa chiếc đệm nhỏ, đôi tay thoăn thoắt xếp mô hình, chốc chốc lại quay sang chọc bạn cười khanh khách. “Vụ TNGT kinh hoàng năm 2012 khiến bố mẹ Gia Bảo tử vong tại chỗ, con may mắn sống sót nhưng bị thương nặng, đôi chân bị liệt đến giờ vẫn không thể cử động…”, cô Huyền xót xa nói.

Vừa bế Gia Bảo lên xe lăn ngồi, cô Huyền vừa kể, trước khi xảy ra tai nạn, anh Hoàng Văn Coắm (SN 1983, bố Gia Bảo) là cán bộ quản lý giáo dục của trung tâm. Mẹ Bảo là chị Vi Thị Éng (SN 1983), cán bộ công tác tại UBND huyện Chi Lăng.

“Năm 2012, Bảo lên 1 tuổi thì Éng được cơ quan cử lên tỉnh học, hai vợ chồng thuê phòng trọ rồi đón con về ở cùng để cả nhà được gần nhau, tiện bề chăm sóc. Sáng 16/10/2012, trên đường đưa vợ con về thăm nhà ở xã Lý Nhân, huyện Chi Lăng, khi đi đến xã Đồng Mỏ, cách nhà chỉ 2km, xe máy do Coắm điều khiển bị một chiếc xe tải đâm phải, kéo lê hàng chục mét. Phát hiện có tai nạn, người dân bên đường chạy đến kiểm tra thì thấy Coắm và vợ bị bánh xe chèn qua người tử vong tại chỗ, còn bé Bảo nằm giữa gầm xe tải khóc thét. Thấy thế, mọi người vội bế con đi bệnh viện cấp cứu”, cô Huyền nhớ lại.

Ông Hoàng Văn Chắp (60 tuổi, ông nội Bảo) cho biết, vụ tai nạn khiến Bảo bị đa chấn thương nguy kịch, ngày 17/10/2012, gia đình đưa bé lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) điều trị. Sau khi chụp CT, bác sĩ cho biết, Bảo bị chảy máu màng mềm lan tỏa. Sau 3 ngày điều trị trong trạng thái bất tỉnh, ngày 20/10/2012, Bảo bắt đầu mở mắt được nhưng bị liệt hai chân do đứt tủy nơi cột sống.

Nhìn cháu, ông Chắp cố ngăn dòng nước mắt. Nỗi đau mất cùng lúc con trai và con dâu còn nguyên đó, lại thêm nỗi lo cho đứa cháu nội tật nguyền khi gia cảnh vốn khó khăn đè nặng vai ông.

Ngôi nhà mới đầy yêu thương

Cô Lương Thị Chung, người chăm sóc Bảo tâm sự, chân Bảo bị liệt nhưng từ ngày vào trung tâm, chiều nào, các cô cũng dùng đèn hồng ngoại chiếu vào chân em rồi nhẹ nhàng xoa bóp để giữ nhiệt cho đôi chân. Nhờ thế, chân của con không bị khô cứng mà mềm, vẫn phát triển đều theo cơ thể. “Chúng tôi cũng muốn chạy chữa cho Bảo nhưng trung tâm chưa đủ điều kiện. Mỗi dịp có đoàn từ thiện tới thăm, chúng tôi lại mong ai đó có thể giúp con chạy chữa dù chỉ còn một chút hy vọng nhỏ…”, cô Chung tâm sự.

Điều trị tại Bệnh viện Việt Đức 2 tháng, Bảo được ông bà nội đón về nhà chăm sóc. Vợ chồng ông Chắp làm nương rẫy, chăm được mấy con lợn đều bán cả đi để lo cho cháu. Những ngày đầu xuất viện, cháu liên tục kêu đau rồi khóc, ông bà nội cũng cả đêm thức dỗ cháu, nhiều khi cùng bật khóc theo.

Suốt 1 năm sau đó, hễ nghe ai mách có loại lá, loại thuốc đắp nào giúp cháu bớt đau là ông bà lại lên núi tìm hái. Rồi đều đặn hàng tháng, ông bà ngược xuôi vay tiền đưa cháu lên bệnh viện tỉnh khám định kỳ và điều trị phục hồi chức năng đôi chân cho Bảo nhưng không tiến triển.

“Năm ấy mất mùa, khó khăn chồng chất, vợ chồng, ông cháu chỉ đủ rau cháo qua ngày. Thương cháu còn nhỏ lại bệnh tật mà không đủ ăn, vợ chồng tôi dứt ruột, bàn với nhau đưa cháu lên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, nơi bố cháu công tác khi còn sống, nhờ trung tâm chăm sóc. Ngày đi, nó bé tý, khóc ngặt đòi về cùng ông bà. Mất con rồi phải xa cháu, vợ chồng tôi đau lắm nhưng chẳng còn cách nào khác”, ông Chắp trào nước mắt kể.

Vừa nắn bóp đôi chân bị liệt của Bảo, cô Huyền vừa nhớ lại, trước khi gặp tai nạn, Bảo thường xuyên được bố đưa đến trung tâm chơi. “Ngày đó, con trắng trẻo, bụ bẫm, đáng yêu lắm. Vậy mà, chỉ hơn 1 năm sau, con trở lại trung tâm với đôi chân bị liệt, trí nhớ bị ảnh hưởng. Con không nhớ gì về bố mẹ cũng như các cô chú ở trung tâm trước đây ít nói và sống khép kín”, cô Huyền kể.

Được cán bộ, nhân viên tại trung tâm thương yêu, quan tâm, lại được tiếp xúc với nhiều bạn, chừng một tháng sau, Bảo mở lòng hơn. “Con biết nũng nịu với các cô, các chú, biết kêu khi đói, chủ động nói chuyện với mọi người và chơi cùng các bạn. Nhìn con như thế, chúng tôi cũng nhẹ lòng hơn khi nghĩ tới bố con, người đồng nghiệp hiền lành, tốt bụng”, cô Huyền xúc động.

Vì ảnh hưởng của vụ tai nạn, trí nhớ Bảo giảm sút, không còn khả năng tự kiểm soát việc đi vệ sinh, phải đóng bỉm 24/24h. Mọi sinh hoạt khác như tắm, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân đều cần đến sự hỗ trợ từ cán bộ, nhân viên của trung tâm. Nhưng con có thể tự ăn, tự chơi cùng bạn bè, biết hát nghêu ngao. Năm nay Bảo lên 6 tuổi, không được đến trường nhưng Bảo có một lớp học riêng ở trung tâm. Đều đặn 8h sáng, cô giáo tình nguyện sẽ đến kèm em học.

“Dù tiếp thu hơi chậm do não bị ảnh hưởng nhưng con chăm học lắm. Sáng học 2 tiếng trên lớp, tối về con lại lấy bảng chữ cái ra tập đọc. Vì tủy ở xương cột sống bị đứt nên con không ngồi lâu được, trung tâm đã thiết kế cho con một bàn học riêng gắn liền với giường. Phòng học chỉ 1 cô, 1 trò ngồi đối diện nhau, hễ thấy con chống tay lên bàn vẻ mặt mệt, biết con mỏi người vì ngồi lâu, cô giáo lại đỡ con nằm xuống giường nghe cô giảng. Từ ngày đi học, con chưa bỏ buổi nào”, cô Huyền kể.

Phút gặp gỡ của cha con bé trai văng ra khỏi bụng mẹ

Sau hơn 20 ngày năm viện, chiều 14/11, anh Nguyễn Văn Nam, cha của bé trai văng ra khỏi bụng mẹ - Nguyễn Quốc Huy đã được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi - Hữu Tuấn ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN