Gặp “kỹ sư vườn” chế tạo tàu ngầm
Chủ tàu ngầm mini Trường Sa nói ông bị nhiều người chế giễu lắm, nhưng ông không quan tâm đến điều đó. Ông tin tưởng vào việc mình làm và sẽ chứng minh khi con tàu thử nghiệm trong thực tế.
Thời gian gần đây, thông tin về một doanh nhân tại tỉnh Thái Bình tự chế tạo tàu ngầm mini mang tên Trường Sa và sắp cho thử nghiệm khiến dư luận xôn xao, bán tín bán nghi. Chúng tôi đã có mặt tại doanh nghiệp này và gặp vị giám đốc để tìm hiểu sự việc. |
Chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Quốc Hòa 56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình tỉnh Thái Bình, đúng lúc ông cùng nhóm thợ đang loay hoay bên chiếc tàu ngầm tự chế mang tên Trường Sa.
Con tàu sơn màu đỏ nằm chình ình ngay cửa ra vào khuôn xưởng hàng nghìn m2. Tàu đã hoàn thiện phần vỏ, phía sau con tàu đã lắp đặt sẵn 2 chân vịt. Bên trong con tàu, hai công nhân đang lắp đặt phần trục bánh lái của con tàu.
Tàu ngầm mini mang tên Trường Sa
Bị chế giễu vì làm việc khó
Công ty cơ khí Quốc Hòa với 40 công nhân, 6 kỹ sư hoạt động. Công ty chuyên sản xuất các loại máy tự động hoá dùng trong các ngành in, giấy, vật liệu xây dựng. |
Ông Hoà dẫn chúng tôi đi xem một vòng con tàu và nói: “Kể từ khi đóng con tàu với chi phí hơn 1 tỷ đồng này có nhiều người khen, chê bai, nhận xét đủ điều nhưng tôi không quan tâm nhiều. Tôi tin tưởng vào việc mình đang làm và điều đó sẽ được chứng minh khi con tàu đi vào thí nghiệm”.
Khuôn mặt thanh thoát, ông Hoà cười tươi kể, đầu năm 2013, ông bắt tay vào việc hoàn thiện tàu ngầm mini mang tên Trường Sa. Hiện tại, công nhân đang hoàn thiện thiết bị lắp trong con tàu như bảng điều khiển, hệ thống điện, các loại trục, hệ thống tuần hoàn khí…
Ông Nguyễn Quốc Hoà, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa
Theo thiết kế, tàu ngầm mini Trường sa có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động 800km. Tàu lặn sâu 50m có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp.
Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP, thời gian lặn 15h. Thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày. Tốc độ trung bình khoảng 20 hải lý (tương đương 40 km/h). Ông Hòa nói mục đích chế tạo tàu là hướng đến bảo vệ chủ quyền biển đảo, thăm dò đáy biển, đánh bắt hải sản. Khu vực tàu hoạt động ông mong muốn là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Toàn bộ thân tàu đã hoàn thành với chiều dài 8,8m, cao 3m, chiều rộng nơi phình to nhất là 2,8m. Vỏ tàu là loại thép đặc biệt nhập khẩu nước ngoài có độ dày 15mm.
Khi nhắc đến những thông số này, ông Hoà nói có nhiều người giễu cợt lắm, đặc biệt là thông tin về công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập) sử dụng trên tàu. Một số người cho rằng ông là “kỹ sư vườn” và không tin ông có được công nghệ tiên tiến nhất mà các tàu ngầm trên thế giới đang sử dụng.
"Công nghệ AIP tức là động cơ nổ (tàu có 2 máy nổ diesel chạy cùng lúc) phải có không khí, nếu không có không khí thì động cơ sẽ chết. Khi tôi áp dụng công nghệ này, không khí sẽ do máy nổ xả ra chạy qua bộ lọc để lọc hết tạp chất, đưa vào làm sạch, rồi bơm thêm ô xy, quay trở lại máy nổ và bắt đầu một vòng tuần hoàn mới", ông Hoà giải thích về công nghệ AIP sử dụng cho con tàu.
Khu bể đang được xây dựng dùng để thí nghiệm tàu ngầm khi hoàn thành
Theo ông Hoà, trong tàu cũng có hệ thống tái tạo ô-xy, khử các-bon để người trong tàu hô hấp, có hệ thống khử hơi nước để đảm bảo an toàn cho trang thiết bị máy móc trong tàu khi tàu lặn…
“Công nghệ AIP tôi tìm hiểu trên mạng, còn việc làm cụ thể hay chi tiết như thế nào thì đây là bí quyết về công nghệ, không ai chỉ dạy hay tiết lộ cho mình cả”, ông Hòa nói.
Trong nhóm 6 kỹ sư được ông Hoà giao nhiệm vụ lắp ráp con tàu ngầm, anh Điệp, kỹ sư của công ty là người đặt niềm tin vào mức độ khả thi của con tàu ngầm nhất. Anh Điệp cho hay, ông Hoà là người khá điềm đạm, dễ gần. Ông từng theo học tại trường Đại học Bách Khoa, có khá nhiều kinh nghiệm về ngành cơ khí.
“Khi ông Hoà mới đưa ra ý tưởng đóng tàu chúng tôi cũng thấy lo, nhưng qua nhiều lần ông phân tích, chia sẻ về công nghệ sử dụng trên con tàu tôi thấy an tâm. Mặt khác, ông Hoà cũng từng chế tạo một vài loại máy móc được nhiều doanh nghiệp đón nhận nên anh em công nhân đều ủng hộ, tin tưởng”, anh Điệp bộc bạch.
Hệ thống chân vịt của con tàu
Cơ chế giúp tàu di chuyển lòng biển
Ngoài công nghệ AIP, ông Hoà còn tin tưởng vào hệ thống bạc và trục ở chân vịt của tàu ngầm. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp tàu di chuyển trong lòng biển.
Ông Hoà cho hay, chân vịt con tàu ngầm sử dụng đều làm bằng đồng, nó giống như bao con tàu khác, chỉ có điều khác là hệ thống bạc và trục. Đó là ở tầu ngầm, người ta sẽ sử dụng hệ thống ống bao trục kín, bên trong là dầu và sử dụng bạc cứng còn ở các con tàu thuỷ sử dụng bạc nhựa.
Tàu thuỷ sử dụng hệ thống bạc nhựa làm mát bằng nước bởi nó cho phép một lượng nước nhất định có thể vào bên trong tàu và khi nước vào bao nhiêu sẽ bơm đi bấy nhiêu. Còn tàu ngầm thì không thể cho nước vào trong được, tàu ngầm phải kín, phải sử dụng hệ thống bôi trơn bằng dầu và cũng làm mát bằng dầu. Đây chính là sự khác biệt cực kỳ lớn ở tàu ngầm và tàu thuỷ.
“Nếu tàu ngầm mà cho nước đi qua hệ thống bạc trục thì sẽ chìm tàu. Do đó, tàu ngầm phải làm ống bao trục có bạc kín và bơm dầu vào. Áp suất của dầu sẽ tương đương với áp suất của nước ở bên ngoài. Nếu áp suất bên ngoài tăng thì áp suất bên trong tăng theo. Nguyên lý này sẽ giúp con tàu di chuyển dưới lòng biển”, ông Hoà phân tích.
Theo kế hoạch đề ra, việc lắp đặt thiết bị cho con tàu sẽ hoàn thành trong tháng 11 năm nay. Hiện tại, ông Hòa đang cho xây dựng bể nước 200 m3, có kích thước rộng 4m, dài 10m và cao 5m để đưa tàu ngầm mini vào kiểm tra hệ thống không khí, nổi lặn, thẩm thấu của nước…Sau khi thí nghiệm thành công, con tàu được đưa ra cảng biển Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Thái Bình) để thử nghiệm.
“Do diện tích bên trong tàu hẹp, lại phải để thêm nhiều các thiết bị máy móc nên tàu chỉ chở được 1 người. Tôi sẽ là người duy nhất vận hành con tàu khi thí nghiệm bởi tôi là người hiểu nó hơn ai hết”, ông Hoà tâm sự.
Thiết kế bên trong của chiếc tàu ngầm mini Trường Sa tự chế khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Mời độc giả đón đọc bài 2: “Cận cảnh bên trong tầu ngầm Trường Sa” vào 19h00 ngày 1/9. |