Gặp gỡ “thầy phù thủy” trong làng điêu khắc tranh kính Việt Nam
Một tấm kính vô tri nhưng qua bàn tay tài hoa của “thầy phù thủy” đã trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh (SN 1961) là người đầu tiên nghiên cứu, tìm tòi, chinh phục thành công nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam. Hiện tại, xưởng tranh kính của ông ở Thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh chia sẻ, tranh kính do ông sản xuất vừa là tác phẩm điêu khắc, vừa là tác phẩm hội họa, lại được kế thừa công nghệ gia công mặt kính trên thế giới.
Năm 2008, ông Vinh hoàn thiện công nghệ chế tác tranh kính. Ông đăng ký bản quyền công nghệ và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2011. Đến năm 2021, ông Vinh mang tác phẩm sáng chế tranh kính đi tham dự Cuộc thi sáng chế Quốc tế ở Liên bang Nga và đã đạt Huy chương Vàng.
Theo nghệ nhân Phạm Hồng Vinh, tranh kính sử dụng men màu Ceramic. Mỗi bức tranh trước khi hoàn thiện đều được nung chảy ở 700 độ C và thủy tinh hóa.
Để hoàn thành một tác phẩm tranh kính phải trải qua rất nhiều công đoạn.
Ông Vinh cho biết, ngày xưa mài thủ công tốn rất nhiều thời gian, công sức, nên ông nghĩ đến việc chế tạo máy mài kính. Chiếc máy mài kính do ông tự chế không chỉ tăng công suất làm việc lên gấp nhiều lần, mà còn giúp mài được nhiều chi tiết phong phú, sinh động hơn...
Ông luôn phải nhớ toàn bộ bố cục bức tranh, từ những chi tiết nhỏ nhất trong quá trình hoàn thiện tác phẩm.
Nhiều tác phẩm được đưa vào bảo tàng, di tích, đình, chùa...
Tranh kính của ông Vinh thay thế nhiều loại kính nhập ngoại, với giá thành rẻ hơn gấp 10 lần.
Vừa qua, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam bảo trợ Nghề kính nghệ thuật Vinhcoba và chứng nhận nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã có nhiều cống hiến trong việc hình thành, phát triển lĩnh vực chế tác kính nghệ thuật, thiết thực đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa theo tiêu chí UNESCO.
Nguồn: https://arttimes.vn/xa-hoi/gap-go-thay-phu-thuy-trong-lang-dieu-khac-tranh-...