Gặp đội săn bắt cướp ở Sài Gòn
Ngoài lực lượng chức năng, tại TP.HCM, có một nhóm “hiệp sĩ đường phố” đã và đang âm thầm theo dõi, tóm gọn nhiều kẻ cướp trong suốt 5 năm qua.
Một thành viên trong đội Săn bắt cướp TP.HCM bắt quả tang một đối tượng trộm xe.
Đội Săn bắt cướp lên... Facebook
Đó là 6 thành viên trong đội Săn bắt cướp TP.HCM, đang ngày qua ngày tự nguyện đảo quanh từng con phố, ngõ ngách để kịp thời bắt quả tang những kẻ cướp giật. Hiện, đội đang hoạt động trên tinh thần “không ai nhờ nhưng cứ hành động” thông qua trang Facebook “Đội săn bắt cướp TPHCM”.
Trang Facebook này đã có trên 100.000 người theo dõi. Trên fanpage, đội thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ cướp giật. Trường hợp chưa bắt được kẻ gian, đội sẽ chia sẻ đặc điểm nhận dạng để kêu gọi mọi người chú ý. Kèm theo đó, đội còn đăng tải những thước phim thực tế thể hiện từng hành động, lời nhận tội cũng như diễn biến tâm lý của kẻ cướp.
“Đội đã bắt đầu hoạt động từ năm 2010 nhưng tới năm 2013 mới chính thức tạo trang Facebook riêng. Trang này để nhận thông báo mất cắp từ các nạn nhân đồng thời chia sẻ thông tin cảnh báo giúp người dân cảnh giác hơn khi đi đường”, anh Lâm Hiếu Long, một thành viên trong đội chia sẻ.
Anh Long cho biết, 6 người trong đội ở những độ tuổi khác nhau và có những công việc khác nhau, như anh Trường là tài xế, anh Bình là nhân viên sân bay... Riêng anh Long là cộng tác viên bán xe ô tô. Đặc biệt, thành viên mới nhất gia nhập đội cách đây 2 năm từng là một “độc giả” của fanpage.
Phi vụ nhớ đời
Khi được hỏi về chiến công đáng nhớ nhất của đội, anh Long nói: “Nói thật, các anh em trong đội hành động không vì danh lợi gì cả nên kể nhiều về chiến công cũng không hay. Nhưng tôi nhớ nhất là thời gian theo đuổi vụ “nữ quái” Phan Ngọc Phượng”.
“Nữ quái” Phan Ngọc Phượng tại cơ quan công an sau khi bị đội Săn bắt cuớp TP.HCM bắt quả tang.
“Bà Phượng là một người cực kỳ ma mãnh. Để bắt quả tang được người này, cả 6 thành viên trong đội đều phải vào cuộc, bàn tính kỹ lưỡng, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới pháp lý. Qua nhiều ngày quan sát, đội đã nắm được lịch trình của bà Phượng: Khoảng 6h xuất phát từ Bến Tre, và tới TP.HCM lúc 9h - 9h30. Sau đó, bà Phượng thực hiện hành vi lừa đảo ở các cửa hàng, từ điện máy cho tới tạp hóa tới khoảng 11h30, sau đó trở về Bến Tre để tiêu thụ các sản phẩm trộm cắp được”, anh Long kể.
Trong ngày bắt quả tang bà Phượng, đội của anh Long đã theo sát nhất cử nhất động của bà từ Bến Tre lên tới TP.HCM. Khi bà Phượng đang lừa gạt bằng chiêu thức cũ là “mua hàng không trả tiền” thì bị bắt quả tang. Cũng nhờ đã chuẩn bị từ trước, mọi lời phản biện của bà Phượng đều được đội đưa ra bằng chứng đanh thép.
Hoàn thành vụ việc, đội Săn bắt cướp TP.HCM đã giao bà Phượng cho Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) kèm đầy đủ chứng cứ. Đại tá Trà Văn Lào - Trưởng Công an Q.Gò Vấp cho biết, sau vụ việc này, UBND quận đã có hình thức khen thưởng nhóm săn bắt cướp của anh Long.
“Trong vụ việc trên, điều đội lo lắng nhất là tính pháp lý. Chúng tôi không có quyền hạn di lý một người từ Bến Tre lên TP.HCM, do đó phải chọn cách theo dõi và tóm gọn tại trận tại TP.HCM”, anh Long nói.
Trước đó, ngày 28.5.2015, đội Săn bắt cướp TP.HCM từng phối hợp với anh Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để giải cứu, đòi lại CMND giúp chị N.T.A (SN 1996, ngụ Cà Mau) khỏi một quán cà phê trá hình. Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều chiến công mà mỗi thành viên trong đội đều sẽ nhớ mãi trong cuộc đời của mình.
Thông tin cảnh báo về một hành vi trộm cắp được chia sẻ trên fanpage.
Mô hình hoạt động cần kiểm soát
Suốt 5 năm qua, các thành viên trong đội Săn bắt cướp TP.HCM vẫn đang hoạt động dưới vai trò những người dân bình thường. Song theo quan điểm của anh Long, "ai cũng có thể bắt cướp. Mọi người dân cùng bảo vệ trật tự an ninh, trật tự xã hội".
Thượng tá Nguyễn Nhật Thành - Phó trưởng Công an Q.1 (TP.HCM), đánh giá: Đây là một mô hình tự phát đang phát huy hiệu quả tương đối tốt. Tuy nhiên, các thành viên của các câu lạc bộ mà người dân hay gọi vui là “hiệp sĩ” nên được tổ chức một cách quy củ, có người hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng bắt giữ tội phạm, cũng như cách thức mời người bị hại, nhân chứng và đặc biệt là thu thập tang, vật chứng theo đúng quy định của pháp luật.
“Điều này rất quan trọng vì có thể họ bắt được đối tượng phạm tội nhưng không tìm được người bị hại, người làm chứng. Thậm chí, nếu thu thập tang, vật chứng không đúng quy định của pháp luật sẽ khiến quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn”, thượng tá Thành nói.
Một cán bộ thuộc Phòng tham mưu (Công an TP.HCM) cho biết: “Thực tế mọi người dân đều có thể tham gia vào việc bắt trộm, cướp trong khuôn khổ của pháp luật; nhưng nếu không có nghiệp vụ thì dễ dẫn tới sai phạm. Do đó, mô hình săn bắt cướp tự phát cần được kiểm soát”. Cũng theo vị cán bộ này, những việc mà các đội, câu lạc bộ săn bắt cướp đang làm chính là nhiệm vụ của đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm (Công an TP.HCM).
____________________
Đón đọc kỳ sau: “Hiệp sĩ” bắt cướp ở Sài Gòn: “Chắc không ai dám cưới tôi”