Gặp “dị nhân không xương” ở Hà Nội
Chàng trai 18 tuổi có thể bẻ xương, vặn khớp vai, tay 360 độ kết hợp với sườn, lưng, bụng, chân và cổ họng thành nhiều hình lượn sóng.
18 tuổi trở thành “quái vật” bẻ xương, khớp
Vương Hữu Thịnh (18 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội), đang là sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Việt Hàn ở Hà Nội, gây ấn tượng với khả năng bẻ xương, khớp, vặn vai, tay 360 độ và được nhiều người biết đến với tên gọi “dị nhân không xương”.
Hữu Thịnh chia sẻ về đam mê bộ môn nhảy bẻ xương, khớp.
Để tìm hiểu thực hư thông tin này ra sao, phóng viên đã tìm đến nhà Hữu Thịnh xác minh.
Chia sẻ với PV, Thịnh cho biết, mấy năm trước cậu là người bình thường, đến năm học lớp 10 vì yêu thích bộ môn bone breaking (nhảy bẻ xương, khớp) nên mới lên youtube tìm hiểu.
“Mình bắt đầu theo đuổi bộ môn nhảy bẻ xương, khớp được 3 năm nay. Lúc mới tập, có một anh theo bộ môn này đã hướng dẫn các động tác. Sau đó, sau khi tự mày mò tập thử ở khớp vai và biết có thể tập luyện được nên mình theo đuổi”, Hữu Thịnh nói.
Kể từ đó, song song với việc học, hằng ngày Hữu Thịnh dành thời gian 2 tiếng để tập luyện nhảy bẻ xương, khớp bằng cách nghiên cứu từ những clip nhảy trên mạng.
Từ việc tự tập nhảy bẻ xương, khớp theo nguyên mẫu, Hữu Thịnh sáng tạo các động tác mới theo ý tưởng của bản thân và đi học thêm popping để kết hợp với cơ thể thành những màn trình diễn hấp dẫn.
Sau thời gian kiên trì tập luyện, chàng trai 18 tuổi cao 1m65, dáng người nhỏ nhắn có thể vặn khớp vai, tay 360 độ kết hợp với sườn, lưng, bụng, chân và cổ họng thành nhiều hình lượn sóng.
Để chứng minh những lời Thịnh nói, phóng viên đã xoay cổ tay, cầm tay Thịnh đi một vòng. Sau khi hoàn tất, các khớp vai, tay của Thịnh hoàn toàn bình thường.
Những ngày đầu, việc Thịnh tập luyện bộ môn mạo hiểm khiến bố mẹ cậu lo lắng cấm đoán quyết liệt và cậu thường phải trốn để tập luyện. Thịnh vẫn đang cố chứng minh cho bố mẹ thấy việc tập luyện bộ môn này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Thịnh có thể vặn khớp vai, tay 360 độ kết hợp với sườn, lưng, bụng, chân và cổ họng.
Hữu Thịnh cho hay, việc theo đuổi niềm đam mê giúp cậu học hỏi được nhiều điều, dần dần nó trở thành thói quen, không thể dứt ra được.
“Mỗi lần tập luyện xong mình cảm thấy cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn, người dẻo, uyển chuyển hơn”, Thịnh kể.
Hiện tại, Hữu Thịnh nhận được nhiều lời mời đi biểu diễn ở Quảng Ninh và Hà Nội. Thịnh nói: “Mình coi nhảy là đam mê, là thú vui, sở thích nên về lâu về dài mình vẫn gắn bó. Mình không quan tâm đến việc nổi tiếng, không cần ra đường người ta phải trầm trồ ngưỡng mộ. Tuy nhiên, khi đi giao lưu nhiều được mọi người biết đến và gọi với cái tên ‘dị nhân không xương’ mình cũng thấy vui và thích thú”.
Quá trình khổ luyện để trở thành “dị nhân không xương”
Để có thể thực hiện được những động tác khó như bây giờ, ít người biết rằng Thịnh đã phải mất nhiều năm tập luyện, khổ cực.
Bắt đầu tập, cậu khởi động tay, chân, ép người, ép tay, cho thoải mái. Sau đó, sử dụng dụng cụ hỗ trợ bằng dây vải hoặc quần áo để bẻ người theo dây cho quen cảm giác, rồi mới tự cầm tay để bẻ.
Động tác đầu tiên cậu tập là bẻ khớp vai 360 độ. Đối với động tác này Thịnh phải mất 3 tháng tập luyện để thuần thục.
Thịnh khá thích thú với tên gọi “dị nhân không xương”.
“Mình hay đứng trước gương để tập, quá trình tập luyện, cơ thể mình rất đau, không nhấc được tay. Mình phải nghỉ mất 2 tháng mới dám tập động tác tiếp theo”, Thịnh kể.
Tiếp đó, Thịnh tập đến động tác vặn tay 360 độ kết hợp với nhiều động tác như sườn, lưng, chân và cổ họng. Mỗi ngày Thịnh dành ra 2 tiếng để tập luyện.
Theo lời của Hữu Thịnh, mọi người nhìn cậu biểu diễn đơn giản, tưởng chừng như không mất sức nhưng thực tế lại ngược lại.
“Khi tập mất rất nhiều sức vì mình phải dồn hết sức để biểu diễn nên khá là mỏi người. Nếu không tập cẩn thật rất dễ bị chấn thương, nhẹ thì rách cơ, trật khớp, nặng thì gãy tay”, Thịnh kể.
Thịnh cũng cho rằng, với bộ môn này nếu ai yêu thích hãy tìm hiểu thật kỹ vì khi mới tập sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến xương khớp.
Đã có lúc Thịnh từng có ý định từ bỏ vì toàn thân đau nhức. Tuy nhiên, mỗi lần đi giao lưu, Thịnh được mọi người động viên, an ủi nên cậu lấy đó làm động lực tập tiếp.
Nhớ lại lần đi biểu diễn đầu tiên Thịnh nói: “Đứng trước đám đông mình hồi hộp lắm, lo sợ xảy ra sai sót. Sau khi hoàn thành bài biểu diễn, thấy mọi người vỗ tay khiến mình rất vui”.
Từ lúc được mời đi biểu diễn, Thịnh cũng bỏ túi được một khoản nho nho. Tuy nhiên, Thịnh cho rằng, cậu tập vì đam mê, vì yêu thích còn không quan trọng tiền bạc.
Khi hỏi về dự định tiếp theo của mình, Thịnh cho hay: “Mình sẽ học tập và tiếp tục tập các động tác chuyên sâu hơn như xoay khớp cổ 360 độ, chân sẽ vắt qua đầu, tay sẽ biểu diễn được nhiều động tác hơn. Động tác xoay khớp cổ là động tác khó nhất vì khi xoay yết hầu xoắn theo dẫn đến khó thở. Hiện tại, xoay khớp cổ mình tập gần hoàn thiện rồi”.
------------------------
Việc “dị nhân không xương” Vương Hữu Thịnh có khả năng bẻ xương, vặn khớp vai, tay 360 độ kết hợp với sườn, lưng, bụng, chân và cổ họng thành nhiều hình lượn sóng trở nên quen thuộc đối với bản thân, gia đình và bạn bè. Thế nhưng với nhiều người khác, mỗi khi xem “dị nhân không xương” biểu diễn họ vẫn không khỏi rùng mình vì những kỹ thuật quá khó và ấn tượng.
Mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo "Clip: Khiếp sợ màn trình diễn của dị nhân “không xương" bẻ xương khớp, xoay vai 360 độ” vào lúc 10h ngày 14/2.
Đối với nhiều người, gián là loài động vật đáng sợ nhưng đối với ông Hồ Hoàng Khanh, 62 tuổi, loài vật này gắn...
Nguồn: [Link nguồn]