Gặp đầu bếp năm xưa của Đại tướng: 103 tuổi vẫn lao động
Đến xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, hỏi cụ Lù Thị Đôi, dân tộc Thái, ở bản Phăng, xã Mường Phăng, không ai là không biết đến bà cụ năm nay đã 103 tuổi, năm xưa từng nấu cơm phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Căn cứ địa Mường Phăng.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ, ngôi nhà sàn nằm sát Căn cứ địa Mường Phăng, nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào, và được bà Lường Thị Ngoan, người cháu ruột của cụ chỉ về phía bãi đất trống phía trước. Tại đó, cụ Lù Thị Đôi đang ngồi nấu cơm cùng những người phụ nữ cũng đã ở tuổi bà và được giới thiệu “là cháu của cụ Đôi”.
Ở cái tuổi rất hiếm người đạt đến, nhưng cụ vẫn tỏ ra khá nhanh nhẹn và hoạt bát, biết chúng tôi là phóng viên từ Hà Nội lên, cụ liền tỏ vẻ tiếc nuối khi chưa một lần được xuống Hà Nội thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi người còn sống. Ngày Đại tướng ra đi, người ta mời cụ xuống Hà Nội viếng vị “vị thần” của núi rừng Mường Phăng, nhưng vì lý do sức khỏe và đường sá xa xôi nên cụ và bà con dân bản chỉ biết khóc thương Đại tướng từ căn cứ địa Mường Phăng. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi phải nhờ đến hai người phiên dịch là bà Lường Thị Ngoan và chắt rể của cụ là anh Lường Văn Xuyên, bởi cụ không nói được tiếng Kinh, cụ nói:
“Cháu đến hỏi thăm sức khỏe bà, bà cảm ơn, năm nay bà đã 103 tuổi rồi. Ngày xưa bà có nhiệm vụ nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.” Vừa nói, cụ Đôi vừa chỉ tay lên ngọn núi phía trước, nơi vẫn còn đó căn hầm, phòng làm việc của Đại tướng và cạnh đó là căn bếp Hoàng Cầm.
Cụ Lù Thị Đôi năm nay đã 103 tuổi.
Cụ nói rất nhiều, nhưng các cháu, chắt cụ lại chẳng dịch lại được bao nhiêu bởi cứ mỗi khi “phiên dịch” đang làm nhiệm vụ của mình thì cụ lại ngắt lời kể tiếp, như sợ những người cháu, chắt của mình bỏ sót ý nào của cụ. Theo lời cụ kể, năm xưa cụ từng huy động động bà con dân bản được 9 tấn thóc và 3 con trâu để góp phần nuôi bộ đội, cụ nhắc đi nhắc lại rằng: “Đấy là chỉ mới huy động riêng tại bản Phăng nơi bà ở thôi đấy nhé”. Dường như trong trí nhớ của cụ, tất cả những kỷ niệm về những ngày kháng chiến gian khổ như vừa mới hôm qua.
“Hồi xưa thu thóc làm gì có thóc khô như bây giờ đâu, bà và các anh chị em dân quân phải cho vào chảo lớn rang như rang lạc vậy, sau đó mới cho vào cối giã, rồi mới đem đi gửi cho các chú bộ đội của cụ Giáp. Hồi đó cả bản hăng hái tham gia góp gạo rồi giã gạo nuôi quân. Bà đi vận động bà con trong bản Phăng không ai được nghe theo lời quân Pháp. Cả bản Phăng khi đó đồng lòng đi theo Đại tướng, đàn ông, thanh niên thì tham gia chiến đấu, phụ nữ thì giã gạo nuôi quân,” Cụ Lù Thị Đôi hồi tưởng.
Cụ Lù Thị Đôi cùng người cháu Lường Thị Ngoan và chắt rể Lường Văn Xuyên.
Rồi cụ hồi tưởng lại kỷ niệm gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi Đại tướng thăm lại Mường Phăng: “Thôi bây giờ nhiều người cũng đã không còn, anh em mình phải cố gắng sống cho khỏe mạnh nhé,” cụ Lù Thị Đôi kể lại lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2004 khi Đại tướng lên thăm lại Mường Phăng.
Cụ Lù Thị Đôi hiện đang sống cùng với gia đình người con trai. Cụ có 6 người con, 4 gái và 2 trai. Các con cháu của cụ có 3 người được tạo điều kiện đang làm việc tại Khu di tích lịch sử Căn cứ địa Mường Phăng.
Theo bà Lường Thị Ngoan và anh Lường Văn Xuyên, cụ vẫn còn khỏe mạnh và ăn uống tốt. Hàng ngày cụ vẫn giành lấy việc quét sân và nhổ cỏ trong vườn.
“Bà bảo nếu không cho bà quét sân và nhổ cỏ thì tối không ngủ được. Phải làm việc thì chân tay mới thấy thoải mái trong người. Bà là người cao tuổi nhất trong bản Phăng hiện nay và vẫn đi lại bình thường. Cứ phải làm một việc gì đó để luôn chân luôn tay, ngồi một chỗ là bà lại thấy buồn,” bà Lường Thị Ngoan nói.
Ngôi nhà sàn nơi cụ Đôi đang sống cùng gia đình người con trai.
Theo anh Lường Văn Xuyên, có lẽ cuộc sống thanh bình, trong lành của núi rừng Mường Phăng đã giúp cho cụ có được sức khỏe và tuổi thọ hơn người.
Tại xã Mường Phăng, không chỉ những người già đã từng gắn bó mà ngay cả những đứa trẻ lớn lên trong thời đại hòa bình cũng một lòng tôn kính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng tài ba chỉ huy đội quân của mình với ý chí sắt đá đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Có rất nhiều đứa trẻ sẵn sàng kể cho du khách nghe những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Căn cứ địa Mường Phăng, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 2014, hệ thống các trường mầm non, tiểu học và THCS tại xã Mường Phăng vinh dự được đổi tên thành trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.