Gặp “bậc thầy kung fu” xoay nhiều vòng trên ngọn giáo nhọn hoắt
Người này có thể nằm úp trên không trung và xoay vòng như... chơi xích đu, với ngọn giáo nhọn chĩa vào cổ.
Ông Nguyễn Quang Hiển (34 tuổi, ngụ tại TP.HCM) là nhân vật từng được nhiều người biết đến với nhữngmàn biểu diễn khí công cực nguy hiểm. Tính tới hiện tại, ông đã theo đuổi con đường võ thuật tròn 25 năm với nhiều thăng trầm và cả những tàn tích để đời trên cơ thể.
Những màn biểu diễn của ông Hiển còn liên tục xác lập kỷ lục Việt Nam vào năm 2008 (dùng đầu đập 30 viên gạch trong thời gian gắn nhất), 2011 (dùng đầu đẩy xe 5 tấn đi đoạn đường xa nhất) và 2013(người đầu tiên dùng móc móc vào mắt để kéo xe xích lô). Chưa dừng lại ở đó, ông Hiển tiếp tục phá kỷ lục châu Á vào năm 2015 với nội dung dùng đầu đập nhiều gạch tàu trong thời gian ngắn nhất.
Ông Nguyễn Quang Hiển đang tựa cổ vào mũi giáo nhọn và xoay nhiều vòng.
Theo chia sẻ của ông Hiển, ông có thể biểu diễn tới 32 tiết mục kung fu liên hoàn. Ngoài những tiết mục đã xác lập kỷ lục, ông còn có thể móc móc inox vào mắt để nâng xô nước, xoay vòng trên mũi giáo nhọn hoắt, dùng khoan điện khoan vào đầu, mắt,... Để hoàn thành các tiết mục nguy hiểm này, ông phải sử dụng mũi giáo nhọn hay móc sắt, và ông xem chúng như những người bạn đồng hành.
Ông Hiển đang miêu tả lại cách móc inox vào mắt.
Với tiết mục dùng mắt nâng xô nước, ông Hiển khẳng định, cách ông dùng móc inox để móc vào mí dưới của mắt là độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Chiếc móc ông sử dụng có hình dạng như lưỡi câu, trong khi những người khác biểu diễn tiết mục này thường dùng đồng tiền để tản lực ra cả mí trên và mí dưới.
“Do là tiết mục nguy hiểm nên tôi luôn chuẩn bị rất kỹ. Chiếc móc tôi sử dụng luôn được sát trùng trước khi biểu diễn. Trong quá trình biểu diễn, tôi luôn sẵn sàng tư thế chụp lại ngay hai xô nước nếu cảm thấy mí mắt không chịu được nữa. Chỉ cần một sai sót nhỏ, chiếc móc sẽ xé rách mí mắt ngay!”, ông Hiển vừa nói vừa mô tả bằng hành động.
Không kém phần nguy hiểm, tiết mục xoay vòng trên mũi giáo cũng có thể khiến ông bị thương bất kỳ lúc nào. Theo ông Hiển, ông thường chọn hai vị trí trên cơ thể để làm điểm tựa trên mũi giáo là cổ hoặc bụng. Với cách chọn điểm tựa ở cổ, ông sẽ nằm úp mặt song song với mặt đất; trong khi với điểm tựa ở bụng thì ông sẽ biểu diễn ở tư thế ngồi xổm.
Riêng màn dùng đầu đập gạch, kỷ lục mới nhất ông đạt được là đập 150 viên gạch trong 2 phút 6 giây. Đây cũng là tiết mục chính mà ông thường dùng để biểu diễn trước công chúng. Cùng với những vết sẹo trên cổ và bụng do mũi giáo nhọn gây ra, đỉnh đầu của ông cũng đã sưng lên một ụ thấy rõ do quá trình đập gạch nhiều năm qua.
Chiếc móc được móc vào mí dưới của mắt.
Hiện tại, biểu diễn kung fu không còn là công việc chính của ông Hiển, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn có những buổi biểu diễn đó đây. Ông Hiển đang là trưởng đoàn của đội lân sư rồng “Kung fu Quang Hiển” và quản lý một số dự án kinh doanh riêng.
Biểu diễn 32 tiết mục kung fu liên quan để xác lập kỷ lục thế giới Trao đổi với PV về trường hợp của ông Nguyễn Quang Hiển, Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) - ông Lê Trần Trường An cho biết: “Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao đổi với anh Hiển về việc xác lập kỷ lục thế giới. Anh Hiển đảm bảo đủ sức để biểu diễn liên hoàn 32 tiết mục kung fu, tuy nhiên vẫn còn một chút vấn đề ở chi phí xác lập kỷ lục, rất tốn kém”. Theo ông An, nếu tổ chức buổi biểu diễn xác lập kỷ lục thế giới thì dự kiến ông Hiển sẽ biểu diễn ở chùa Đại Tòng Lâm (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngay trong năm 2017. Và ông Hiển phải chi trả các chi phí mời đại diện Liên minh Kỷ lục Thế giới sang Việt Nam giám sát buổi biểu diễn cũng như nhiều chi phí khác liên quan. “Chúng tôi đang làm việc lại với Liên minh Kỷ lục Thế giới để giảm chi phí xác lập kỷ lục. Ngoài ra chúng tôi cũng đang huy động nguồn tài trợ từ nhà chùa để giúp anh Hiển sớm có cơ hội được biểu diễn, xác lập kỷ lục thế giới”, ông An nói. |
------------------------
Kỷ lục gia kung fu này từng rất nhiều lần gặp nạn khi biểu diễn, nhưng ông quyết không bỏ nghề. Ông đã khổ luyện như thế nào vượt qua mọi đau đớn, sợ hãi theo đúng cách hiểu về từ “kung fu”. Đón xem bài tiếp theo """Bậc thầy kung fu”của Việt Nam đã khổ luyện ra sao?" vào lúc 19h ngày 30/4/2017.
Với bộ móng dài ngoằng, đôi tay người đàn ông ấy vẫn thoăn thoắt tô vẽ những hình rồng, phượng...