Gắn “sao” chấm điểm công chức

Đà Nẵng đang bước đầu tiến hành chấm điểm công chức bằng cách niêm yết công khai toàn bộ hình ảnh, tên tuổi của công chức tại: http://cchc.danang.gov.vn để người dân có thể nhận xét từng công bộc của dân.

Chỉ cần vào máy tính là mọi người có thể đánh giá thái độ, cung cách làm việc của công chức bằng cách “gắn” sao.

Đây là bộ công cụ nhằm cung cấp công khai toàn bộ kết quả cải cách hành chính TP đến với người dân, cũng là phương tiện để công dân bày tỏ mức độ hài lòng đối với người giải quyết thủ tục hành chính. Khi truy cập vào địa chỉ trên, tổ chức và công dân có thể tra cứu trạng thái hồ sơ của mình (đã giao dịch qua các tổ một cửa), có thể góp ý chất lượng phục vụ của công chức, viên chức đã tiếp nhận hồ sơ của mình hoặc có ý kiến về cơ quan công quyền mà mình đến liên hệ.

Tạo bước ngoặt

Ông Trần Trung Sơn, trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết việc ra đời chương trình “chấm điểm công chức” đã tạo một bước ngoặt trong đánh giá hiệu quả làm việc, thái độ của công chức. Bất kỳ một thái độ, cách ứng xử của công chức lập tức sẽ bị người dân “gắn” sao.

Gắn “sao” chấm điểm công chức - 1

Cán bộ công an quận Thanh Khê giải quyết thủ tục đăng ký hộ khẩu cho người dân - Ảnh: Hữu Khá

Theo ông Sơn, đến nay hầu hết các sở ban ngành đều đã niêm yết hình ảnh, tên tuổi công chức trên trang http://cchc.danang.gov.vn. Tất cả hoạt động chấm điểm công chức trên trang điện tử này được Sở Nội vụ quản lý và theo dõi độc lập nên việc đánh giá rất khách quan. Trường hợp công chức không hoàn thành công việc hay có thái độ không tốt khi giải quyết công việc thì khó lòng “thoát” được.

Điều chuyển 2 cán bộ nhờ máy “chấm điểm”

Ông Phạm Thành Kiên - phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM - cho biết từ khi đặt máy “chấm điểm” tại UBND quận để người dân góp ý, đánh giá cán bộ, mỗi tháng quận nhận 1.000-3.000 lượt đóng góp của người dân. Từ những ý kiến đóng góp này, hằng tháng UBND quận 1 đều có tổng kết, đánh giá và xem xét các ý kiến đóng góp cho từng cán bộ.

Đến nay đã có hai cán bộ tại UBND quận 1 bị điều chuyển công việc sau những ý kiến đánh giá của người dân qua máy “chấm điểm”. Đồng thời quận cũng ghi nhận, tuyên dương những cán bộ được người dân bày tỏ sự hài lòng cao qua máy “chấm điểm”.

Viễn Sự

Ông Sơn cho biết phần mềm có khung điểm đối với phần đánh giá chung công chức, viên chức (gồm: thái độ, cách hướng dẫn, tác phong giải quyết công việc). Người dân khi đến giải quyết hồ sơ, giấy tờ sẽ được cung cấp một mã số. Họ có thể vào máy tính ở bất cứ chỗ nào, gõ mã số bộ hồ sơ của mình vào là có thể đăng nhập chấm điểm công chức. Ông Sơn nói kết quả khảo sát cũng là kênh thông tin phục vụ công tác đánh giá, khen thưởng, kỷ luật công chức hằng năm.

“Việc người dân gắn “sao” chấm điểm cán bộ công chức có ý nghĩa tham khảo, nhưng với công chức bị đánh giá thấp chắc chắn sẽ bị xem xét. Tới nay chúng tôi chưa thống kê hết các phản ánh của người dân trên website. Đến hết ngày 30-12, chúng tôi sẽ có kết quả chính thức” - ông Sơn nói.

Dân hài lòng

Sáng 26/12, qua quan sát tại các phường Thanh Khê Đông, Thạc Gián, Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) và một số phường khác cho thấy những nơi này đã thực hiện giải quyết ngay những việc như xác nhận tình trạng nhà đất, xác nhận nguồn gốc đất, chứng thực bản sao, chữ ký, xác nhận lý lịch, đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi hay đăng ký khai tử... “Trước đây chúng tôi phải mất một ngày và hai lần đến phường để làm hồ sơ thì bây giờ chỉ cần đến nộp hồ sơ và đợi tí là được giải quyết” - bà Hoàng Thị Bích Ngọc, một người dân ở quận Thanh Khê, cho biết.

Ông Lê Ngọc Mai, một người dân đến làm giấy khai sinh cho con ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), cũng nói: “Hồi trước ra phường làm việc thấy cán bộ là mình cứ khép nép, ít dám hỏi. Còn bây giờ cán bộ ở bộ phận giải quyết hồ sơ, giấy khai sinh cởi mở, thân thiện, nhiều vấn đề tôi thắc mắc khi hỏi được trả lời, vui vẻ hướng dẫn cặn kẽ. Hồi đứa con đầu tiên tôi đi làm giấy khai sinh thì cán bộ hẹn mấy ngày mới tới lấy nhưng hiện nay thì họ bảo ngồi đó chờ rồi lấy luôn nên mình cũng bất ngờ”.

Cũng sáng 26-12, tại phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), các công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” có thái độ phục vụ thân thiện đối với người dân. Mỗi khi người dân đến công chức phải đứng dậy chào, mời dân ngồi vào ghế, sau đó công chức mới được ngồi và thực hiện công việc tiếp dân. Ở quận Ngũ Hành Sơn, nếu trường hợp người dân thuộc diện già yếu, khuyết tật, khó khăn trong việc đi lại thì quận cử cán bộ đến tận nhà giúp dân lập thủ tục, kê khai hồ sơ, biểu mẫu.

Ông Lê Phú Nguyện - trưởng phòng công tác thanh niên Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - cho biết từ tháng 9/2012, công chức trẻ Đà Nẵng đã thực hiện cuộc vận động “3 hơn” để “nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn” trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Ông Nguyện còn nói tất cả sở ngành ở Đà Nẵng đều có mạng nội bộ để quản lý công chức. “Khi anh đang làm việc ở cơ quan thì anh sẽ được hiển thị trên trang điện tử nội bộ. Anh mà bỏ công sở ra ngoài là “chết” liền, bởi khi đó lãnh đạo đối chiếu vào lịch làm việc của sở mà anh không phải đối tượng đang đi công tác là lộ ra việc trốn công sở ngay” - ông Nguyện nói.

Huyện miền núi “nói không với rượu”

Ông Nguyễn Thiên - chánh văn phòng Huyện ủy Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk - cho biết Đảng bộ huyện đã có chỉ thị về việc “nói không với rượu”, nhằm chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ công chức, thực hiện văn hóa công sở và ngăn chặn tình trạng bớt xén giờ làm việc.

Theo ông Nguyễn Thiên, quan điểm của huyện là thực hiện từ trên xuống dưới. “Ở huyện chúng tôi, cả bí thư huyện cũng kiên quyết từ chối nhậu nhẹt vào buổi trưa. Tất cả cuộc họp diễn ra tại huyện dù có cán bộ tỉnh tham dự thì chúng tôi cũng chỉ tổ chức ăn cơm trưa, nhất định không nhậu. Khi mới thực hiện, chúng tôi công bố trên loa đài cho dân giám sát. Nhiều cán bộ lắm lúc được dân mời xuống cơ sở, nể nang uống vài chén cũng không được” - ông Thiên nói.

Ông Thiên cho biết cán bộ huyện Cư M’Gar chấp hành rất nghiêm chỉ thị “nói không với rượu”. “Từ khi thực hiện chỉ thị đến nay chỉ có hai cán bộ bị kỷ luật. Một người do mắc chứng bệnh thần kinh yếu, thiếu rượu bia là chân tay run rẩy nên “lỡ uống” và bị phát hiện. Một trường hợp khác là cán bộ ở cấp xã “nể nang” làm vài ly” - ông Thiên nói.

Hái Bá Dũng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Khá (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN