Gần 900 trường hợp 'đã chết vẫn khám bệnh' hết 7,58 tỷ: Lỗi do đâu?
Bộ Y tế cho biết đã có 826 trường hợp sau chết vẫn phát sinh 1.780 lượt KBCB bằng BHYT, với số tiền lên đến 7,58 tỷ đồng.
BHXH Đắk Lắk từng bị yêu cầu kiểm tra dấu hiệu gian lận trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với 51 trường hợp đã chết nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh, với tổng số tiền hơn 276 triệu đồng.
Trong văn bản phúc đáp Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam về thông tin phát sinh chi phí khám bệnh chữa bệnh (KBCB) bảo hiểm y tế (BHYT) sau khi chết, Bộ Y tế cho biết đã có 826 trường hợp sau chết vẫn phát sinh 1780 lượt KBCB bằng BHYT, với số tiền lên đến 7,58 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong công văn số 4043/BHXN-CSYT ngày 28/10/2019 báo cáo tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, BHXH Việt Nam cho biết sau khi kiểm tra, xác minh có thêm 58 trường hợp vi phạm, phát sinh 67 lượt KBCB sau khi tử vong với tổng chi phí từ BHYT hơn 59 triệu đồng.
Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của 53/59 Sở Y tế, 12 cơ sở y tế trực thuộc các bộ, ngành. Trong đó có thông tin của 650/826 trường hợp, 176 trường hợp còn lại chưa có thông tin.
Theo Bộ Y tế, tổng hợp kết quả kiểm tra, xác minh thông tin của 650 trường hợp có phát sinh chi phí KBCB BHYT sau khi chết, Bộ nhận thấy, lỗi của nhân viên cơ quan BHXH hoặc bưu điện (đại lý của BHXH) là 575/650 trường hợp, chiếm 88,46%.
Cụ thể, nhân viên nhập sai dữ liệu thông tin hoặc phần mềm tự động “nhảy” về ngày đầu tiên (ngày 1) của tháng về ngày chết của bệnh nhân, dẫn đến khi thống kê trên phần mềm cho thấy phát sinh chi phí KBCB BHYT sau chết, hoặc lỗi do cơ quan BHXH đồng bộ sai mã số BHXH của người còn sống với người đã chết.
Trong bảng danh sách 826 trường hợp nói trên có thể thấy rất nhiều trường hợp sau khi chết vẫn tiếp tục được KBCB vài chục lần và thanh toán BHYT với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tại tỉnh Bắc Giang có tới 89 trường hợp có dấu hiệu gian lận. Hà Nội có 70 trường hợp, trong đó có bệnh nhân mất ngày 12/12/2017 vẫn tiếp tục được KBCB 8 lần với chi phí gần 45 triệu đồng.
Thanh Hóa là tỉnh có đông bệnh nhân nhất với 145 trường hợp đã chết vẫn được thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT, trong đó bệnh nhân B.V.Th, mất ngày 1/12/2018 nhưng vẫn trong danh sách KBCB 3 lần với số tiền được BHYT thanh toán gần 140 triệu đồng.
Hay như bệnh nhân Đ.H.N mất ngày 23/7/2016 lại có tới 25 lần KBCB bằng BHYT hết hơn 73 triệu đồng. Một trường hợp khác là bệnh nhân H.T.TH ở tỉnh Vĩnh Phúc có 18 lần phát sinh chi phí KBCB với tổng số tiền hơn 155 triệu đồng…
Bộ Y tế cho hay, khi kiểm tra danh sách, trong 89 trường hợp có 86 bệnh nhân có ngày mất là ngày đầu tháng, sai thông tin so với trích lục khai tử. Bộ Y tế cho rằng có sai sót này là do lỗi nhân viên y tế thao tác sai phần mềm HIS hoặc lỗi trong quá trình trích chuyển dữ liệu dẫn đến sai thông tin KBCB của bệnh nhân là 16/650 trường hợp, chiếm tỷ lệ 2,46%.
Ngoài ra, một lý do nữa được ngành Y tế nhận định là lỗi do BHXH Việt Nam đã thống kê nhầm dữ liệu BHXH của tỉnh khác 11/650 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1,69%. Bộ Y tế dẫn chứng: “Theo báo cáo số 2905/BC/SYT của sở y tế Bến Tre ngày 24/10/2019 cho biết: Sở Y tế kiểm trá xác minh thông tin KBCB của 36 trường hợp theo danh sách, trong đó có 31 lượt điều trị tại cơ sở KBCB BHYT với thời gian điều trị, kết quả điều trị chi phí phát sinh cụ thể theo danh sách đính kèm. Các trường hợp còn lại không có trên hệ thống của cơ sở KBCB của tỉnh Bến Tre”.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng chục người đã khai tử nhưng vẫn còn khám chữa bệnh, cấp phát thuốc. Sau khi kiểm tra thì phát hiện là khai tử......