Gần 700 nhân sự vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông nhiều hay ít?
681 nhân sự để vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông là bao gồm cả các nhân viên văn phòng, kỹ thuật, vận hành dự án. Ngoài ra, còn chưa kể đến việc khi đưa dự án vào vận hành khai thác..
Trong buổi tọa đàm về vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đầu tiên của Hà Nội, ngày 10-8, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), cho biết để vận hành được toàn tuyến, cần đến 681 nhân viên.
Người dân tham quan tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VIẾT LONG
Thông tin này ngay lập tức có nhiều người cho rằng với chiều dài 13km số nhân viên trên là quá nhiều. Tuy nhiên cũng có người cho rằng số nhân viên trên còn ít.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông được chỉ định nhà thầu từ việc thiết kế, thi công đến chuyển giao công nghệ, do nhà thầu công trình này là củaTrung Quốc và sử dụng tiêu chuẩn, quy phạm Metro của Trung Quốc để xây dựng, đây là công nghệ Trung Quốc và theo hợp đồng nhà thầu phải đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Quá trình lập kế hoạch vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tính toán kỹ và tham khảo các công nghệ vận hành đường sắt đô thị của các nước trên thế giới. Việc vận hành tuyến đường sắt hiện đại giữa đô thị với cường độ cao không chỉ cần đến những người lái tàu, những nhân viên nhà ga mà cần phải có những bộ phận khác để đảm bảo an toàn cho tuyến.
Các nhân viên sẽ chia nhau làm từng ca để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Ảnh: VIẾT LONG
Hiện tại, theo quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc GB 50157 – 2003, ban hành ngày 1-8-2013, về quy phạm thiết kế Metro thì việc bố trí cơ cấu vận doanh của tuyến đầu tiên bình quân số lượng nhân viên quản lý nên khống chế trong khoảng 100 người/km.
Theo đó, để vận hành dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông cần 681 nhân sự. Trong đó, số nhân viên quản lý điều hành chung thuộc 12 Phòng chức năng là 87 người. Gồm: Trung tâm điều độ, Phòng quản lý lái tàu, Phòng quản lý nhà ga, Phòng sửa chữa công trình, Phòng vật tư, Phòng thiết bị nhà ga, Phòng điện lực, Phòng thông tin tín hiệu, Phòng đường ray, Phòng đầu máy toa xe, Phòng an toàn, Văn phòng tổng hợp và 4 phó tổng giám đốc quản lý cấp cao.
Số nhân viên cơ sở vận hành thuộc 8 Trung tâm, 594 người, gồm Trung tâm tàu khách, Trung tâm vận tải hành khách, Trung tâm kiểm tra sửa chữa công trình, Trung tâm kiểm tra sửa chữa thiết bị nhà ga, Trung tâm kiểm tra sửa chữa điện lực, Trung tâm kiểm tra sửa chữa thông tin tín hiệu, Trung tâm kiểm tra sửa chữa đường ray, Trung tâm kiểm tra sửa chữa toa xe.
Hiện nay dự án mới chạy thử từng chặng, đến cuối tháng 8 sẽ chạy thử toàn tuyến.
Theo một nguồn tin, số nhân viên trên được tuyển dụng trực tiếp (không phải đào tạo) là 30 người (bao gồm 4 Phó Tổng giám đốc và 26 nhân viên thuộc phòng Tổ chức, Vật tư, Quản lý hành chính).
Số nhân viên cần phải đào tạo là 651 người thuộc các phòng chức năng và các trung tâm. Trong đó đào tạo tại Trung Quốc 201 người, đào tạo tại Việt Nam 450 người.
“Như vậy, 681 nhân sự trên là bao gồm cả các nhân viên văn phòng, kỹ thuật, vận hành dự án. Ngoài ra, còn chưa kể đến việc khi đưa dự án vào vận hành khai thác, Công ty vận hành khai thác cần phải tuyển dụng thêm các nhân viên bảo vệ, nhân viên dọn vệ sinh… để hoàn chỉnh chu trình vận hành khai thác, bảo vệ, đảm bảo vệ sinh các hạng mục công trình của dự án.
Cũng xin lưu ý rằng tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào khai thác sẽ phục vụ hành khách tới 18 tiếng/ngày tương đương khoảng 2,5 ca, như vậy phải đổi ca chứ không phải chỉ 1 ca như các công việc hành chính thông thường...”, một nguồn tin cho biết.
Cũng theo nguồn tin này, dự án Cát Linh – Hà Đông gồm có 55 lái tàu (Trong đó, lái tàu chính tuyến 46 người; lái thử tàu, dồn tàu trong Depot 9 người). Hiện tại, toàn bộ 55 lái tàu đã được tuyển dụng đầy đủ, đã hoàn thành công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu.
Được biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 13 đoàn tàu, do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo.
Mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79m, trong đó toa đầu dài 20m, toa giữa dài 19,5m. Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/giờ, sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người. Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.
Dự án có chiều dài 13km, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Sau khi dự án hoàn thành Bộ GTVT sẽ chuyển giao cho TP Hà Nội để khai thác thương mại.
Tại sao thẻ lên tàu Cát Linh – Hà Đông lại in chữ Trung Quốc Ngày 11-8, Tổng thầu EPC (Trung Quốc) tổ chức chuyến tham quan tàu Cát Linh - Hà Đông cho cán bộ, công nhân và người dân xung quanh dự án. Theo đó, những người lên tàu được phát thẻ in chữ Trung Quốc trước dòng chữ tiếng Việt. Giải thích về điều này, đại diện Tổng thầu, cho biết dự án đang trong giai đoạn thi công, chưa bàn giao chính thức cho phía Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ghi như trên để lái tàu, công nhân kỹ thuật Trung Quốc tiện kiểm soát, vận hành.
Thẻ lên tàu trong ngày chạy thử tải của Tổng thầu. Trước đó, Ban quản lý dự án Đường sắt, cho biết giai đoạn vận hành kỹ thuật sẽ do lực lượng của Tổng thầu thực hiện. Nhằm kiểm soát người lên tàu, Tổng thầu Trung Quốc phát thẻ cho công nhân, cán bộ kỹ thuật của dự án lên tàu để kiểm tra kỹ thuật hàng ngày hoặc những người có liên quan đi tham quan. Do có nhiều công nhân, kỹ thuật Trung Quốc làm việc nên phải in thẻ có tiếng Trung và thẻ không phát hành ra bên ngoài. Ban quản lý dự án đường sắt cũng khẳng định đang kiểm soát các nội dung trên. |
Nhiều người dân vừa có chia sẻ sau khi đi tàu đường sắt trên cao, tuyến Cát Linh- Hà Đông.