Gần 6.000 người đánh nhau dịp Tết: Do áp lực cuộc sống!?
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, sức ép cuộc sống khiến nhiều người hiện nay chạy theo giá trị ảo, chạy theo đồng tiền từ đó trở nên vô cảm, ích kỷ, bạc ác, lạnh lùng hơn.
Nhiều người bất chấp pháp luật sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. (Ảnh minh họa)
Áp lực chạy theo đồng tiền làm con người vô cảm hơn
Vừa qua, sau đợt nghỉ lễ Tết Đinh Dậu 2017, Bộ Y tế cho biết, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong 7 ngày nghỉ Tết là 5.675 trường hợp, trong đó có 619 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu bia.
Năm trước, theo thống kê 9 ngày nghỉ Tết năm 2016, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong.
Con số thống kê hàng nghìn trường hợp đánh nhau trong dịp Tết khiến nhiều người phạt “giật mình” và đặt câu hỏi “vì sao có nhiều người hung hãn đến vậy?”
Trao đổi với PV về câu hỏi trên, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, khả năng kiềm chế một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
“Nhìn ở góc độ tội phạm học, tình trạng nhiều người đánh nhau có nguyên nhân dẫn xuất phát từ những áp lực trong đời sống như việc làm, thu nhập, những tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh trong sinh hoạt, tình cảm, kinh tế…
Ngày nay, dưới tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường khiến nhiều người chạy theo đồng tiền, chạy theo lợi nhuận hoặc lợi ích cá nhân một cách quyết liệt hơn. Chính những điều này khiến con người ít có thời gian để “tĩnh tại” tìm hiểu, suy ngẫm và tiếp nhận những giá trị cốt lõi của con người như đạo đức, truyền thống, hiếu nghĩa, nhân ái…
Sức ép của đồng tiền, của sự mưu sinh, làm giàu bằng mọi giá khiến nhiều người chạy theo giá trị ảo nên có xu hướng tranh đoạt, bạc ác và trở nên vô cảm, lạnh lùng, ích kỷ hơn. Đây là nguy cơ dẫn tới nhiều xung đột, mâu thuẫn”- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn nói.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, môi trường sống cũng có tác động lớn đến hành vi ứng xử của con người. Dư luận xã hội điều chỉnh hành vi nhưng hiện nay những yếu tố tiêu cực xã hội làm cho tính kiềm chế, tính răn đe từ dư luận đối với con người không mạnh mẽ như trước đây.
“Trước đây, dư luận xã hội như thái độ của hàng xóm láng giềng, thiết chế gia đình, họ tộc, cộng đồng làng xã… chi phối và điều chỉnh hành vi con người khá mạnh mẽ. Vì vậy, người ta rất sợ dư luận mà tự điều chỉnh, hạn chế những hành vi tiêu cực.
Nhưng hiện nay, trong một xã hội “mở”, mối quan hệ con người trong cộng đồng bị rời rạc, phai nhạt. Dù mạng xã hội rất phát triển rất mạnh nhưng dư luận trên mạng vẫn không có tác động mạnh bằng dư luận thực tiễn, từ chính những người sống xung quanh. Điều này dẫn đến nhiều người hành động tự do, tự phát hơn mà không còn phải e ngại đến sự lên án, tác động từ những người xung quanh như trước đây.
Ngoài ra, nhiều người chưa chú trọng rèn luyện, giáo dục kỹ năng xử lý tác động tâm lý, tác động hành vi trong môi trường sống.
Kỹ năng ứng xử của một bộ phận giới trẻ hiện nay rất hạn chế, nhất là trong môi trường mở, có nhiều yếu tố ngoại lai tác động về mặt nhận thức, tình cảm, hành vi, lối sống, văn hóa.
Việc giáo dục, chuẩn bị cho mình những kỹ năng xử lý, ứng xử các vấn đề trong môi trường gia đình, cộng đồng chưa được đầy đủ. Vì vậy, trong môi trường phức tạp, khi có người ứng xử không đúng đắn hoặc những yếu tố bất lợi nó dễ dẫn đến việc giải quyết mâu thuẫn, bức xúc bằng bạo lực”, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn phân tích.
Nhậu nhẹt dịp Tết làm bùng nổ mâu thuẫn
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cũng cho rằng, Tết là dịp để gia đình, bạn bè sum họp, gặp gỡ. Tuy nhiên, đây cũng là dịp nhiều người tụ tập ăn nhậu, sử dụng rượu bia nhiều hoặc tổ chức bài bạc. Chất kích thích khiến con người thiếu kiềm chế và sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
“Gia đình anh em, bạn bè lâu ngày gặp nhau nên thường tổ chức uống rượu. Trong cuộc rượu đó, nhiều khi chỉ vì một lời nói, một hành vi không phù hợp cũng rất dễ dẫn đến việc khích bác, xung đột, đánh nhau.
Ngoài ra, có những mâu thuẫn đã có từ trước nhưng khi có chất kích thích vào người ta dễ mất kiểm soát rồi giải quyết bằng bạo lực.
Vừa rồi, khi tôi về quê, có trường hợp mấy anh em ở xa về chúc thọ cha nhưng vì có những mâu thuẫn từ trước chưa được giải tỏa, nay chỉ vài câu nói khó nghe, lại có sự kích thích từ rượu bia nên đã vác dao chém nhau”, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn nói.