Gần 4 triệu ôtô cá nhân có thể phải lắp camera giám sát hành trình
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình.
Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất: Một trong những điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đó là có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.
Lắp camera giám sát hành trình cho xe ôtô (ảnh minh hoạ)
Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ xe ôtô kinh doanh vận tải, tới đây, ôtô cá nhân cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết theo quy định hiện hành, chỉ bắt buộc tất cả ôtô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, chỉ có xe chở hành khách hoặc xe chở hàng hoá hạng nặng (xe đầu kéo, xe container) mới bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát. Các đơn vị kinh doanh vận tải đều đã chấp hành nghiêm túc quy định này.
Dữ liệu camera giám sát cũng giúp quản chặt quá trình vận hành trên đường của lái xe, xử lý các tình huống của hành khách như để quên hành lý,…
"Việc sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải chỉ chiếm 30% tính năng của thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát; 70% còn lại phục vụ quản trị doanh nghiệp"- ông Quyền nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, thực hiện quy định lắp đặt các thiết bị trên phát sinh 2 nguồn chi phí cho mỗi doanh nghiệp. Trong đó, chi phí ban đầu phải bỏ ra để mua thiết bị lắp đặt trên các xe; chi phí thứ hai là chi phí duy trì hợp đồng dịch vụ với đơn vị cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, truyền dẫn, khai thác dữ liệu của thiết bị này theo từng tháng (dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/thiết bị/tháng).
Hiện nay, các thiết bị này đang phục vụ tương đối hiệu quả cho quản trị của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu của các thiết bị này để phục vụ công tác quản lý nhà nước mới chỉ đáp ứng được 50-60% yêu cầu, chưa thực sự khai thác đầy đủ, triệt để các tính năng, tác dụng do cơ sở phần mềm tích hợp dữ liệu chưa đủ thông minh để phục vụ hữu hiệu nhất, nhiều khi còn bị gián đoạn.
Về đề xuất mới của Bộ Công an tại dự thảo luật, ông Quyền cho rằng cả nước hiện có hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải, chiếm 1/4 tổng số xe ôtô hiện có. Với đề xuất tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gần 4 triệu ôtô cá nhân còn lại cũng sẽ phải lắp đặt thiết bị camera giám sát hành trình.
Đây là một đề xuất có tác động lớn đến người dân. Do vậy, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập.
Từ đó, ông Quyền kiến nghị cơ quan soạn thảo nên có nghiên cứu, khảo sát, trình bày rõ mục tiêu, ý tưởng quản lý để xem xét tính khả thi cũng như đánh giá tác động chi phí xã hội bỏ ra thực thi như thế nào so với ý nghĩa mang lại.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong Thông tư 32/2023/TT-BCA sẽ có hiệu lực từ 15/9 tới đây, lực lượng CSGT được yêu cầu trực hệ thống camera giám sát 24/24h.