Gần 2 tháng, dự án nâng cấp Quốc lộ 1A chưa thi công km nào: Thứ trưởng Bộ GTVT nói gì?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác vừa có chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương về dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A (QL1A) đoạn qua tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng và dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn qua tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng dài gần 20km (qua địa phận Hậu Giang gần 9km, qua Sóc Trăng gần 11km). Trong đó, đoạn qua Hậu Giang có diện tích thu hồi hơn 5,3ha với 442 hộ dân bị ảnh hưởng. Còn đoạn qua Sóc Trăng, diện tích đất thu hồi hơn 1,9ha với 988 hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, khởi công ngày 30/12/2021, dự kiến hoàn thành trong 12 tháng. Sau gần hai tháng khởi công, dự án mới triển khai được các công việc cơ bản như rà phá bom mìn, vật nổ, thành lập văn phòng hiện trường...
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đơn vị thi công gần như chưa được bàn giao km nào. Tỉnh Hậu Giang dự kiến sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng thi công trong quý 1/2022 và sẽ bàn giao phần còn lại trong quý 2. Còn tỉnh Sóc Trăng mới bắt đầu dự kiến chi trả tiền bồi thường cho 187 hộ dân và sẽ bàn giao khoảng 1,8km cuối tuyến. Tỉnh này sẽ chi trả tiếp cho các hộ dân còn lại và bàn giao mặt bằng trong đầu quý 2/2022…
QL1A đoạn Sóc Trăng - Hậu Giang
Khảo sát thực tế tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu phải đảm bảo công tác GPMB liên tục để thi công đúng tiến độ và chất lượng như đã cam kết.
“Hứa tháng 2, tháng 3 bàn giao cái này bàn giao cái kia, nhưng bây giờ hồ sơ đến đâu? Đã có 200 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng đã bàn giao mặt bằng chưa, rồi khu tái định đã làm chưa, làm đến đâu rồi, bao giờ xong để giao cho người dân…?” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm băn khoăn đặt vấn đề.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, dự án nào cũng quan trọng, cao tốc cũng quan trọng và mở rộng quốc lộ cũng quan trọng, không nên quá tập trung cho cao tốc mà xem nhẹ đi dự án này. Chủ đầu tư cần làm việc với hai địa phương để rà soát lại hồ sơ, xem xét những vấn đề nào đang khó khăn để cùng nhau giải quyết để đẩy nhanh tiến độ…
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (ngoài cùng bên phải) khảo sát thực tế dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn qua tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng
Trước đó, tại Hậu Giang, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ về dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Đây là một trong 2 tuyến trục dọc ở ĐBSCL, kết nối 2 cao tốc trục ngang là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Dự án góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông từ TP Cần Thơ đến các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; giảm thiểu ùn tắc giao thông trên QL1A, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.
Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ chủ động thực hiện thu hồi đất, điều tra hộ dân bị ảnh hưởng, chỉ đạo xúc tiến GPMB. Hậu Giang cũng đề nghị quan tâm việc điều chỉnh tim tuyến tại vị trí giao với QL1A và đoạn giao cắt qua địa phận thị trấn Vĩnh Viễn cho phù hợp với quy hoạch… Các địa phương khác cũng kiến nghị đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu kỹ hơn vấn đề kết nối các tuyến đường hiện hữu trên địa bàn…
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, mục tiêu cuối cùng của cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là tạo điều kiện tối đa để kết nối giao thông. Đơn vị tư vấn, Ban QLDA Mỹ Thuận nghiên cứu đề xuất của các tỉnh để gia tăng hơn nữa tính kết nối của các địa phương, phát huy tiềm năng kinh tế vùng.
Riêng đoạn qua Cần Thơ, trong điều kiện cầu Cần Thơ 2 chưa đầu tư, Ban QLDA Mỹ Thuận có phương án tổ chức giao thông phù hợp. Quan tâm các nút giao phức tạp là nút IC4 (kết nối cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và nút IC6 (kết nối cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu). Trong khâu GPMB, đề nghị các địa phương tích cực hỗ trợ để dự án sớm được triển khai.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại công trường mở rộng toàn tuyến QL1A thần tốc về đích chỉ sau khoảng 2 năm, vượt tiến độ hơn 1 năm và tiết giảm hàng chục nghìn tỷ đồng.