Gần 100 người nghi nhiễm MERS ở VN được cách ly ra sao?
“Người bệnh nghi nhiễm MERS – CoV được cách ly tại bệnh viện. Sau 1, 2 ngày, bệnh nhân có kết quả âm tính sẽ được trở về với gia đình”.
Trao đổi với phóng viên ngày 4.7, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 4.7, Việt Nam đã cách ly 96 trường hợp nghi nhiễm MERS – CoV. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus chết người này.
Ông Phu cho biết, sau khi người nghi nhiễm MERS – CoV có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp, đội chống dịch cơ động tại các trung tâm y tế được lệnh tới cộng đồng. Đội chống dịch sẽ điều tra, xử lý và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị.
Tại đây, các bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm và chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Pasteur (TP.HCM) để xét nghiệm chẩn đoán. Các chuyên gia cũng hỗ trợ các trung tâm y tế mở rộng phạm vi điều tra dịch tễ.
“Lúc này người bệnh sẽ được cách ly trong một phòng tại bệnh viện. Sau 1, 2 ngày, bệnh nhân có kết quả âm tính sẽ được trở về với gia đình”, ông Phu cho hay.
Cũng theo ông Phu, trong trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV được gia đình chuyển đến bệnh viện với những triệu chứng viêm đường hô hấp cấp (sốt, ho…) cũng được khai báo nghi nhiễm MERS-CoV.
Ngay khi khai báo, bệnh nhân và người nhà sẽ được đeo khẩu trang và được hướng dẫn đi vào lối riêng đến khu vực phòng lọc bệnh MERS-CoV để được bác sĩ khám, tư vấn…
Trường hợp khác, bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV chuyển đến từ một bệnh viện tuyến dưới sẽ được nhân viên y tế báo cho đội ngũ y bác sĩ trực thay trang phục phòng chống dịch, sẵn sàng cấp cứu.
Ông Phu cho biết, sau khi khám, xác định tình trạng sức khỏe, các bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân đến khu vực cách ly để xét nghiệm. Tất cả những người nghi nhiễm MERS-CoV sẽ được ngừng cách ly sau khi có kết quả âm tính.
“Sau khi có kết quả âm tính, người bệnh sẽ ngừng cách ly và đi điều trị bệnh khác có triệu chứng giống MERS-CoV”, ông Phu nói.
Cục trưởng Cục y tế Dự phòng cũng cho biết, vừa qua có thông tin bệnh nhân nhiễm MERS – CoV ở Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn, người dân không nên hoang mang.
Trước ý kiến cho rằng “ngành y tế có vẻ lo lắng thái quá về dịch MERS – CoV", PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, tất cả các biện pháp của ngành y tế thời gian qua đều nhằm mục đích ngăn chặn, không để dịch xâm nhập. Nếu có dịch, Bộ Y tế sẽ phát hiện, quản lý, cách ly ngay, không để lây lan ra cộng đồng.
“Các hoạt động phòng chống dịch cực kỳ quan trọng, không thể để dịch xảy ra mới chống", ông Phu cho hay.
Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế lo ngại, dịch MERS-CoV có thể xâm nhập nước ta từ các hành khách đi về từ vùng dịch. Bởi trong bối cảnh gia tăng giao lưu đi lại giữa các nước, trong thời gian ủ bệnh, MERS-CoV không có triệu chứng nên khó phát hiện. Do đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động giám sát và sẵn sàng đáp ứng khi có ca bệnh xâm nhập.