Sau nhiều lần lỗi hẹn với người dân Thủ đô, đường sắt Cát Linh-Hà Đông đến nay vẫn chưa hẹn ngày đi vào vận hành chính thức. Trong khi đó, dọc công trường thi công tuyến đường này đã xuất hiện nhiều lộn xộn, một số đoạn bị chiếm dụng để ô tô, xe máy và bán hàng...
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên 18.000 tỉ đồng (tương đương hơn 868 triệu USD).
Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị hơn 669 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam hơn 198 triệu USD.
Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng nhưng vẫn chưa được bàn giao.
Mới đây, tại một cuộc họp, Tổng thầu Trung Quốc tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đề nghị thanh toán toàn bộ số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao dự án cho Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ GTVT không chấp thuận do trái hợp đồng.
Các hạng mục như nhà ga, hệ thống thang bộ, thang máy... đã thi công hoàn thiện.
Sau rất nhiều lần lỡ hẹn, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa biết khi nào mới được đưa vào vận hành chính thức.
Hạng mục cầu thang bộ, thang cuốn, mái che, tay vịn đã thi công hoàn thiện nhưng chỉ để... ngắm.
Các lối đi dẫn lên nhà ga phủ bụi, ngập đầy rác bẩn.
Nhiều chân trụ của đường sắt trở thành “nhà vệ sinh công cộng” cho nhiều người qua đường.
Còn tại khu vực gầm cầu đường sắt trên cao ở đối diện bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), người dân tự ý mở quán trà đá dưới gầm cầu, ngang nhiên kê bàn ghế tràn lan.
Cũng tại khu vực bến xe Yên Nghĩa, nhiều điểm gầm cầu thành điểm đỗ xe ô tô.