Gái mại dâm về cộng đồng: Thả gà ra đuổi

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời gian tới đây sẽ không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với những người bán dâm. Người có hành vi bán dâm sẽ chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Nhiều người nhìn nhận rằng đây là một quy định mang tính nhân văn, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến lo ngại khi điều luật này đi vào cuộc sống hoạt động mại dâm sẽ có nguy cơ bùng phát.

Khó quản lý người bán dâm

Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (từ ngày 1/7/2013) sẽ có khoảng gần 1.000 phụ nữ bán dâm đang được chữa trị tại các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội trên toàn quốc sẽ được trả tự do.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, một trong những địa phương có số lượng người bán dâm lớn nhất cả nước, hiện tại, Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 2 - Ba Vì) hiện đang quản lý, giáo dưỡng 208 gái bán dâm, trong đó có 165 đối tượng tái phạm nhiều lần phải thực thi giáo dưỡng 18 tháng, 40 đối tượng phải thi hành giáo dưỡng 12 tháng, chỉ có 3 đối tượng vi phạm lần đầu có thời gian phải thực thi giáo dưỡng 9 tháng.

Gái mại dâm về cộng đồng: Thả gà ra đuổi - 1

Gái mại dâm được trả tự do, số người quay trở lại con đường cũ rất cao

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, hầu hết gái mại dâm ở Hà Nội đều đến từ các tỉnh, thành khác, cụ thể có 142 người đến từ 33 tỉnh/ thành khác nhau, chỉ có 9 gái mại dâm hộ khẩu Hà Nội. Điều này đặt ra một thách thức đối với vấn đề quản lý người bán dâm sau khi được thả ra.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, trước khi thả, Trung tâm giáo dưỡng sẽ mời người nhà của họ đến làm cam kết sẽ quản lý và tiếp tục giáo dưỡng họ, đồng thời có thông báo về chính quyền địa phương yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ và quản lý những đối tượng này.

Thế nhưng, còn rất nhiều gái bán dâm không có gia đình hoặc bị gia đình ruồng bỏ, không chịu đến tiếp nhận. Với những trường hợp này theo Luật vẫn phải thả họ về, nhưng trong Luật lại không hề quy định việc di lý các đối tượng này về địa phương thế nào, cơ quan nào và ai là người trực tiếp đưa họ về. Khi về, cách thức phối hợp để giáo dục họ sẽ như thế nào, lý do gì để bàn giao đối tượng này cho địa phương và bàn giao cho ai, tất cả còn cần phải chờ Nghị định hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH cũng như chỉ đạo của thành phố.

Trong khi đó, về phía Bộ LĐ-TB&XH, trả lời câu hỏi khi quy định mới thực hiện, cơ quan quản lý sẽ tiếp cận và quản lý đối tượng bán dâm như thế nào, ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cho gái bán dâm tại cộng đồng thời điểm này mới chỉ dừng ở bước thí điểm, chưa được nhân rộng nên không thể đáp ứng được nhu cầu.

Mặt khác, một khi gái mại dâm được trả tự do, số người quay trở lại con đường cũ rất cao nguyên nhân là bởi họ phải chịu nhiều áp lực từ phía cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, một thực trạng rất đáng quan tâm là tỷ lệ mắc các bệnh xã hội trong các đối tượng tại các trung tâm rất cao. Chỉ tính riêng số 208 gái bán dâm được giáo dưỡng ở Hà Nội có tới 142 người bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và khoảng 8-10% bị nhiễm HIV. Những đối tượng này khi thả ra nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ là nguồn lây truyền bệnh rất nguy hiểm cho cộng đồng.

Hoạt động mại dâm sẽ tăng lên?

Kết quả điều tra gần đây của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho thấy, thu nhập của gái bán dâm rất cao, nếu tính bình quân, mỗi tháng có thể hơn 10 triệu đồng. Còn với những người mẫu, hoa khôi, diễn viên bán dâm, thu nhập còn cao hơn rất nhiều, có thể lên tới vài nghìn USD mỗi lần bán dâm.

Hoạt động mại dâm có tổ chức ngày càng gia tăng, đặc biệt có hiện tượng thông qua môi giới điều hành, sử dụng internet, phương tiện liên lạc để tiếp thị, mại dâm theo tour du lịch. Trong bối cảnh như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với những người bán dâm có thể sẽ tạo ra kẽ hở để hoạt động mại dâm có điều kiện phát triển.

Gái mại dâm về cộng đồng: Thả gà ra đuổi - 2

Thả gái bám dâm sẽ làm tăng hoạt động mại dâm

Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Hà Nội, thông thường lợi nhuận thu được từ việc bán dâm là khá cao trong khi đó, theo quy định mới, khi bị phát hiện lần đầu, người bán dâm sẽ chỉ bị phạt 300.000 đồng, nếu vi phạm tiếp mức phạt lần 2 là 5 triệu đồng. Đây là mức phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Vì vậy, việc xử phạt hành chính mới chỉ mang tính chất thủ tục chứ không thể giảm bớt hay thắt chặt quản lý trong công tác bài trừ tệ nạn mại dâm. Bên cạnh đó, khi quy định có hiệu lực, nếu cơ quan chức năng không kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, rất có thể nhiều hệ quả khác như nạn bảo kê, chăn dắt gái mại dâm sẽ lợi dụng sư nhẹ tay của pháp luật để bành trướng hoạt động và dẫn theo đó là số gái mại dâm tăng lên.

Theo nhận định của ông ông Nguyễn Kim Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, khó khăn hiện nay là những biện pháp hỗ trợ cho họ vẫn chưa đến nơi đến chốn, Nhà nước chỉ cấp chi phí hỗ trợ cho họ một khóa đào tạo nghề là 650.000 đồng, giới thiệu việc làm là 1 triệu đồng (được hỗ trợ duy nhất một lần)…

Với số tiền này thì rất khó để học nghề cho ra nghề, càng khó để tìm được một việc làm phù hợp và đáp ứng được cuộc sống sau khi trở về xã hội. Trong khi đó, mạng lưới dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng thời điểm này mới chỉ dừng ở bước thí điểm, chưa được nhân rộng nên sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu.

Trên cả nước mới chỉ xây dựng được hơn 50 mô hình tại hơn 50 xã, phường, con số này còn quá ít so với thực tế do phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn vốn, nhân lực... Việc sẽ này sẽ dẫn tỷ lệ gái bán dâm sau khi được thả quay lại hành nghề rất cao, làm tăng nguy cơ làm bùng phát lại tệ nạn mại dâm vốn đã được các cơ quan chức năng truy quét trong những năm qua.

Phải triệt tiêu nguyên nhân và điều kiện

Theo Thượng tá - Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân, mục đích của các nhà làm luật trong Luật xử lý vi phạm hành chính đó là muốn đặt ra trách nhiệm cho xã hội, làm sao cho mọi ngành, mọi cấp, mọi mắt xích và chủ thể phòng ngừa phải triệt tiêu được những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tệ nạn mại dâm. V

iệc đưa gái mại dâm vào cơ sở giáo dục như trước đây chỉ là hình thức quản lý chứ không triệt tiêu được các nguyên nhân, điều kiện phát sinh ra tệ nạn này. Chính vì vậy, Thượng tá Nguyễn Minh Đức cho rằng, sau khi Nghị định này có hiệu lực để hạn chế được hoạt động mại dâm, lực lượng công an cũng như những lực lượng chức năng khác cần phải làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đồng thời phải giải quyết được có hiệu quả các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vấn đề của tệ nạn mại dâm.

Quan trọng nhất vẫn là chính sách của Nhà nước phải đủ mạnh. Trước hết phải làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền giáo dục cho tất cả người dân để họ không đi mua dâm. Phải có các chế tài xử phạt rất nặng các đối tượng mua dâm, thậm chí xử phạt cao hơn rất nhiều lần so với đối tượng bán dâm.

Nếu còn người đi mua dâm thì gái mại dâm vẫn có cơ hội hành nghề. Bên cạnh đó, các dịch vụ khách sạn, quán trọ, nhà nghỉ bắt buộc phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, đồng thời phải xử lý thật mạnh các hành vi tổ chức, môi giới mại dâm. Một nguyên nhân nữa, gái bán dâm đa số xuất phát từ những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó. Triệt tiêu nguyên nhân điều kiện của người đi bán dâm là phải giáo dục tư duy cho họ và đồng thời tạo công ăn việc làm cho họ tốt nhất để cho họ có thể làm được.

Về phía Bộ LĐ-TB&XH, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng: Mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cần phải thay đổi cách hoạt động mang tính thiết thực, có mục đích rõ ràng về từng chuyên môn như: chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ dạy nghề, chứ không phải chỉ thành lập để cho có.

Có thể thấy, Luật Xử lý vi phạm hành chính là một sự thay đổi lớn về mặt quan điểm trong việc xử lý vấn đề mại dâm ở nước ta. Từ cách thức áp chế, bắt buộc đã chuyển theo hướng thúc đẩy, triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong cộng đồng và nhóm người bán dâm đồng thời giúp họ có được điều kiện tiếp cận dễ dàng và tự nguyện với các chế độ, chính sách và dịch vụ…

Tuy nhiên, với những bất cập còn tồn tại như đã nói trên, dư luận đang tỏ ra hết sức lo lắng về hiệu quả thi hành pháp luật. Để Luật đạt được hiệu quả như mong muốn rất cần phải có sự vào cuộc đồng bộ một cách nghiêm túc của tất cả các cơ quan chức năng, đồng thời phải có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt từ việc quản lý gái mại dâm tại địa phương cho đến các dịch vụ hỗ trợ về y tế và dạy nghề để tránh quay lại con đường cũ nếu không sẽ chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Minh (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN