"Gai bê tông" ở đỉnh Mã Pí Lèng: "Phượt thủ" chia 2 phe tranh cãi

Người phản đối, người ủng hộ khách sạn trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng đã tạo nên những cuộc tranh cãi trong dư luận.

Công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng. Ảnh NLĐ.

Công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng. Ảnh NLĐ.


Ủng hộ vì phù hợp với phát triển du lịch

Mới đây, sự xuất hiện của khách sạn Panorama trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đang gây tranh cãi trong dư luận. Đặc biệt là giới phượt thủ, những người thường xuyên thích xê dịch, khám phá những địa điểm đẹp.

Được biết, khách sạn Panorama trên đèo Mã Pí Lèng được khởi công xây dựng từ năm 2018, với quy mô 7 tầng và hoàn thành vào đầu năm 2019. Dù đã đi vào hoạt động được gần 1 năm nhưng đến nay khách sạn này vẫn chưa có giấy phép xây dựng.

Trên mạng xã hội, có không ít người vẫn đồng tình và ủng hộ công trình Panorama vì cho rằng, Hà Giang cần phát triển du lịch nên việc xây thêm các tiện ích, dịch vụ lưu trú sẽ tạo công ăn việc làm cho dân bản địa, đồng thời dân phượt đến đây sẽ có chỗ nghỉ chân và ngắm phong cảnh.

Anh Nguyễn Thành Dũng đặt câu hỏi: “Nếu Paronama không thiết thực, vậy tại sao nó vẫn thu hút khách du lịch tới vậy?”

Anh cho rằng, xây dựng trạm nghỉ chân trên con đèo dài mấy chục km là phù hợp. Nếu không có trạm dừng chân nào, các phượt thủ, du khách lại bạ đâu vệ sinh đấy gây ảnh hưởng đến du lịch, môi trường. Mặt khác, công trình không vi phạm vào đất của di sản nên không cần đập bỏ.

Nhiều người phản đối nhưng cũng có không ít người ủng hộ công trình này. Ảnh NLĐ.

Nhiều người phản đối nhưng cũng có không ít người ủng hộ công trình này. Ảnh NLĐ.

Cũng ủng hộ công trình, anh Dương Tuấn Phương bày tỏ quan điểm: “Nhìn thực tế, công trình không ảnh hưởng gì cảnh quan mà lại còn đẹp và tiện lợi là khác”.

Anh Hoàng Thanh Tùng cũng ủng hộ công trình vì cho rằng, đã có tiềm năng du lịch thì phải có dịch vụ đi kèm, mà muốn phát triển thì phải đầu tư. Cá nhân anh thấy khách sạn Panorama không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan.

Khách quan hơn, anh Tiến Thanh (Phú Thọ) cho biết, anh đã đi qua nhiều đèo ở Việt Nam nhưng Mã Pí Lèng là nơi anh có cảm tình nhất bởi nó đẹp, hùng vĩ và hoang sơ. Việc xây khách sạn để phục vụ du khách là tốt thế nhưng, xây làm sao để không ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và phải đầy đủ các thủ tục pháp lý.

Phản đối vì phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ

Đối với chị Lê Thu Hà – một người từng có nhiều lần đi qua Mã Pí Lèng, chị cho hay sẽ tẩy chay quán cà phê, nhà hàng, khách sạn Panorama xây tại Mã Pí Lèng.

“Chỉ vì cái vụ lợi trước mắt của người xây dựng lên cái quán coffee, khách sạn kia đã làm phá nát cái hùng vĩ, trùng điệp của vùng đất kỳ quan này. Nếu không lên tiếng, rồi mai kia sẽ có hàng chục cái quán như thế và na ná thế sẽ mọc lên, rồi nhếch nhác, rồi rác, ô nhiễm... phá nát Mã Pí Lèng. Rồi chả còn ai muốn lên đây nữa, bởi những người yêu Hà Giang là những người yêu sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự độc đáo của văn hóa bản địa”, chị Hà chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Hoàng Định cho rằng, liệu với vài ba cái nhà nghỉ thế này thì phát triển cho ai? Dân ở đấy được đồng tiền nào từ cái nhà nghỉ ấy không? Đánh đổi cả một thiên nhiên hùng vĩ chỉ để đổi lại sự phát triển túi tiền của chủ nhà nghỉ thì có đáng?

Đứng từ trên đỉnh Mã Pí Lèng có thể ngắm dòng sông Nho Quế xanh biếc cùng núi non trùng điệp.

Đứng từ trên đỉnh Mã Pí Lèng có thể ngắm dòng sông Nho Quế xanh biếc cùng núi non trùng điệp.

“Nếu người ta có lòng muốn phát triển cho người dân ở đây thì làm dịch vụ tại các bản làng và tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa, chứ không phải xây ở chỗ này để phát triển”, anh Định nói.

Anh Trường Sơn (Hà Nội) chia sẻ, khi anh lên Hà Giang sẽ lựa chọn các thị trấn Đồng Văn hoặc Mèo Vạc để nghỉ chân, còn khu vực đèo Mã Pí Lèng chỉ là điểm dừng chân tạm thời ngắm khung cảnh núi non, thiên nhiên hùng vĩ.

“Khu vực đèo Mã Pì Lèng nằm giữa 2 thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, khoảng cách không quá xa mà lại nhiều dịch vụ hơn nên du khách hoàn toàn có thể nghỉ chân tại 2 thị trấn này.

Việc xây dựng một công trình là ngay trên Mã Pí Lèng như vậy là không cần thiết, nó phục vụ cho mục đích cá nhân hơn là phát triển du lịch. Và nếu nó phá vỡ cảnh quan, làm xấu hình ảnh của Mã Pí Lèng thì tôi không ủng hộ”, anh Sơn chia sẻ.

Cũng liên quan đến vụ việc, ông Hoàng A Chinh - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, đoàn liên ngành của tỉnh Hà Giang đã đo đạc, kiểm tra sai phạm tại công trình Panorama.

Các sở, ban, ngành thống nhất không giải quyết theo hướng "phạt cho tồn tại", nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy tờ, thủ tục cần thiết thì cơ quan chức năng sẽ xem xét tháo dỡ hoặc tháo dỡ một phần của công trình. Còn những phần không ảnh hưởng đến danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng và cảnh quan thiên nhiên, môi trường xung quanh có thể được giữ lại. Sau đó, công trình sẽ được chỉnh trang lại chỉ là điểm để du khách nghỉ chân, phù hợp với danh thắng Mã Pí Lèng.

Nhà nghỉ Mã Pí Lèng Panorama mọc lên giữa lòng di sản
Theo bạn, có nên phá bỏ nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng không?

Chủ công trình sai phạm ở Mã Pí Lèng không lấy sinh mệnh của mình để tạo áp lực với luật pháp

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong sáng 8-10, đã có những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Xây khách sạn trên đỉnh Mã Pí Lèng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN