Ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội: Vì sao nhà thầu nước ngoài dừng thi công?
Theo tiến độ, dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội) sẽ vận hành toàn tuyến vào năm 2022. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, đơn vị trúng thầu thi công hệ thống ga ngầm của dự án này là liên danh hai nhà thầu gồm Hyundai (Hàn Quốc) và Ghella (Ý) đã bất ngờ dừng thi công một số ga ngầm.
Ga ngầm S12 trước ga Trần Hưng Đạo thi công dở dang. Ảnh: A.Trọng
Chưa dám chắc hoàn thành tiến độ
Ngày 24/9, PV Tiền Phong ghi nhận trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), hiện hạng mục đào ga ngầm tại ga S12 trước ga Hà Nội vẫn đang ngổn ngang. Với phần trái tuyến trên đường Trần Hưng Đạo, công trường ga ngầm tại đây đang thực hiện việc ép cọc, dựng tường chắn dẫn xuống ga ngầm. Phần hầm chính đang triển khai dở dang, đặc biệt là nhiều đoạn vỉa hè thuộc diện tích dự án vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Tuy là một trong những công trình được thi công trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nhưng 15h chiều 24/9 - thời điểm phóng viên có mặt, công trường ga ngầm S12 chỉ có bảo vệ, vắng bóng công nhân thi công.
Ga ngầm S11 đang vướng mặt bằng thi công
Tại nhà công trình ga ngầm S11 trên phố Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), phóng viên ghi nhận, sau khi thi công được nửa phần hầm ở trái tuyến, nhiều người dân ở đây cho biết, từ tháng 7 đến nay, nhà thầu không thi công gì nữa. Toàn bộ phạm vi công trường bị quây rào. Tình trạng này cũng bắt gặp ở một số công trường ga ngầm khác, trong đó có ga S10 trên phố Cát Linh.
Trước việc một số ga ngầm tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội bị nhà thầu ngừng thi công, UBND thành phố Hà Nội vừa có thông tin về việc này. Theo đó, tại ga ngầm S11 (phố Quốc Tử Giám), đại diện UBND thành phố cho biết, hiện mặt bằng tại đây còn vướng chưa giải phóng được, vị trí còn vướng là công trình nhà số nhà 23, phố Quốc Tử Giám. Đây là công trình nhà của người dân thuộc diện di dời để phục vụ thi công ga ngầm S11 nhưng đến nay các đơn vị liên quan là quận Đống Đa và Sở TN&MT chưa tổ chức thực hiện được việc này. “Lấy lý do chưa có mặt bằng theo hợp đồng, liên danh nhà thầu là Hyundai - Ghella đã tạm dừng thi công trên toàn bộ gói thầu (bao gồm cả ga S12 - đường Trần Hưng Đạo) từ tháng 7/2021 đến nay”, đại diện UBND thành phố Hà Nội thông tin.
Trước thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố đã chủ trì nhiều cuộc họp với chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), các sở, ngành, nhà tài trợ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, đưa ra các biện pháp thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội nói chung và hạng mục nhà ga S11, S12 nói riêng.
Sẽ bồi thường thiệt hại cho người tạm di dời
Đề cập tiến độ tổng thể dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội - MRB (đại diện chủ đầu tư) cho biết, tính đến tháng 8/2021, tiến độ tổng thể của dự án đạt 74%, trong đó tiến độ đoạn trên cao (đoạn từ khu Depot - Nhổn tới ga S8 - Cầu Giấy đạt 89,4%). Với khối lượng thi công này, đại diện MRB cho biết, chưa thể khẳng định chắc chắn tiến độ đưa vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và vận hành đoạn đi ngầm vào năm 2022. Nguyên nhân chính là do từ đầu năm đến nay, dự án bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc huy động nhân công, máy móc và chuyên gia nước ngoài gặp khó khăn.
Nhiều ga ngầm thi công chậm trễ khiến metro Nhổn - ga Hà Nội có nguy cơ khó kịp vận hành vào năm 2022
Liên quan đến liên danh nhà thầu dừng thi công tại một số ga ngầm, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban MRB cho biết, thực tế tại ga ngầm S11 đến tháng 7 còn vướng mỗi số nhà 23, phố Quốc Tử Giám chưa được các đơn vị có trách nhiệm giải phóng xong, do vậy cả gói thầu ga ngầm ở đây không thể thi công. Với ga S12 (đường Trần Hưng Đạo), lãnh đạo MRB cho biết, sau khi được quận Hoàn Kiếm bàn giao mặt bằng nổi phía trên, nhà thầu đã bắt tay thi công gói thầu. Tuy nhiên, trong quá trình đào thăm dò địa chất bên dưới, nhà thầu liên tục phát hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường ống cấp, thoát nước, cáp viễn thông, điện lực được chôn ngầm và rất khó để di dời, ảnh hưởng đến việc thi công cả gói thầu.
“Dù nhân lực, máy móc hiện đại được huy động sang Việt Nam nhưng không có mặt bằng để triển khai tiếp, việc nhà thầu chọn phương án dừng thi công là điều không thể tránh khỏi. Việc tạm dừng này còn giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên (cả nhà thầu nước ngoài và chủ đầu tư Việt Nam)”, ông Hiếu nói.
Trước thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu đại diện chủ đầu tư MRB phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý chuyên ngành như: điện lực Hoàn Kiếm, các công ty viễn thông, công ty quản lý cấp thoát nước để thống nhất phương án di dời hạ tầng kỹ thuật.
Với Sở TN&MT, quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, chủ đầu tư MRB và các đơn vị liên quan, thành phố Hà Nội yêu cầu giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng tại ga S11, S12 và đưa ra phương án, giải pháp để các hộ dân có nhà, công trình diện di dời tuân thủ bàn giao mặt bằng thi công.
Đề cập giải pháp đưa nhà thầu trở lại dự án, UBND thành phố Hà Nội đã giao MRB làm việc với các nhà thầu nước ngoài; củng cố năng lực, chủ động phối hợp với các đơn vị thi công để có hướng giải quyết các tồn tại; đàm phán với các nhà thầu để báo cáo UBND thành phố về chi phí bổ sung, hỗ trợ cho đơn vị thi công ga ngầm, sớm đưa nhà thầu trở lại công trường.
Ông Lê Trung Hiếu cho biết, hiện MRB đã phối hợp với các quận liên quan như Đống Đa, Hoàn Kiếm… đưa ra chính sách hỗ trợ linh động. Trong đó, với các hộ dân chỉ bị ảnh hưởng khi thực hiện thi công dự án ngầm, có thể chỉ di dời người dân đến nơi tạm cư, thành phố không phải bố trí nhà tái định cư. Khi dự án thi công xong, họ lại trở về nhà và nhận một khoản hỗ trợ tương ứng của thành phố.
Nguồn: [Link nguồn]
Đoàn tàu cuối cùng của dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang trên đường về Depot, khi khai thác sẽ vận hành 8 đoàn...