Ga metro đặt sát Hồ Gươm có gây hậu họa?

Theo PGS. TS Hà Đình Đức, đây là một sai lầm lớn, bởi ngoài khu vực hồ Gươm còn có Tứ Trấn là địa linh, các tuyến đường tàu điện ngầm xuyên qua thì khó lường hậu quả về tâm linh, môi trường cho Hà Nội.

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận kiến nghị từ Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc đặt địa điểm xây dựng ga metro C9 (thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng thuận với cách đặt địa điểm xây dựng như vậy vì lo ngại có thể xâm phạm đến các di tích lịch sử nơi đây.

Ga metro đặt sát Hồ Gươm có gây hậu họa? - 1

Khu vực hồ Gươm vốn được coi trọng bởi các giá trị lịch sử, văn hóa

Đối với ga metro C9, theo quy hoạch sẽ được đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn (gần đền Bà Kiệu). Tuy nhiên, sau đó ga metro C9 đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chuyển địa điểm sang trước khu đất của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội để giảm thiểu những tác động có thể xảy ra cho cảnh quan hồ Gươm.

PGS. TS Hà Đình Đức, người được Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường & Phát triển Bền vững, trường ĐH KHTN (Hà Nội) mời kiểm kê các di tích văn hóa - lịch sử mà tuyến tàu điện ngầm sẽ đi qua, chia sẻ: “Tôi đã từng gửi ý kiến đến Chủ tịch UBNDTP Hà Nội, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam trước việc Hà Nội triển khai dự án tàu điện ngầm. Nếu ga C9 được xây dựng tại đây, bên cạnh việc tác động đến môi trường, tôi thấy dự án này tác động lớn đến các di tích văn hóa – lịch sử của Hà Nội. Đây là một sai lầm lớn, bởi ngoài khu vực hồ Gươm còn có Tứ Trấn (đền Quán Thánh, đền Bạch Mã, đền Voi Phục và đình Kim Liên) là khu vực địa linh của Thăng Long – Hà Nội, các tuyến đường tàu điện ngầm nếu xuyên qua các khu vực thì hậu quả về tâm linh cho Hà Nội là khó lường, không thể cân đong đo đếm được”.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 là dự án đầu tư trọng điểm của quốc gia có sử dụng vốn vay ODA của Nhật. Toàn tuyến sẽ có 10 ga, gồm 7 ga đi ngầm ngang qua phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, 3 ga trên cao, tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5km. Dự án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2012-2017.

Trước đây, dư luận đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về việc xây tòa nhà “Hàm cá mập” cạnh hồ Gươm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan. Đến nay, trước dự án xây dựng ga metro C9 nhiều người lại dấy lên lo ngại những ảnh hưởng có thể có đến khu vực này. Ví như việc cửa ga metro C9 mở trên đường sẽ có nhiều người lên xuống gây lộn xộn, vấn đề đảm bảo an ninh cho người dân xung quanh ga sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Dương Đức Tuấn (PGĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), xây dựng ga C9 (có chiều dài khoảng 150m nằm sâu khoảng 15-20m, tháp làm lạnh, ống thông hơi có diện tích khoảng 2-3m2, cao 3 – 4m), sẽ giúp giảm lượng phương tiện tham gia giao thông, người đi bộ có được làn đường thông thoáng hơn. Ngoài ra còn có thể thu hút được lượng lớn du khách tới thăm quan các di tích lịch sử nơi đây. Bên cạnh đó, nhà ga C9 sẽ không gây ảnh đến bất kỳ cảnh quan cũng như kiến trúc nào xung quanh khu vực hồ Gươm. Ga C9 sẽ có ít nhất 2 cửa lên xuống, các cửa này được đặt ở vị trí cách xa di tích lịch sử rồi từ cửa sẽ đi theo một hành lang (ngầm) dẫn thẳng xuống đường sắt, vấn đề an ninh trật tự sẽ đảm bảo thực hiện một cách tốt nhất.

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Sở Quy hoạch Kiến trúc xây dựng dự án, đồng nghĩa với việc chấp thuận xây dựng ga metro C9 ngầm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Theo đó, các cơ quan, công sở đã được quy hoạch sẽ phải di dời để nhường đất cho dự án (trong đó có EVN).

PGS.TS Hà Đình Đức băn khoăn về việc xây dựng ga C9: “Tôi hy vọng Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đồng thuận với đề xuất của tôi và tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội, rồi sau đó định hướng cho chủ đầu tư xây dựng và thực hiện dự án vừa đảm bảo cho sự Phát triển của Thủ đô vừa Bảo tồn được các Di sản Văn hóa – Lịch sử của Hà Nội, tránh được những hậu họa”.

Ga metro đặt sát Hồ Gươm có gây hậu họa? - 2

Ga metro C9 sẽ nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội

KTS Trương Anh Hai (Công ty xây dựng Samill, Hà Nội) nói: “Dự án này có tầm quan trọng rất lớn, nếu cho xây dựng ngầm đi bên dưới tôi thấy khả thi hơn, nhưng còn theo phương án cho ga C9 nổi lên thì không nên, bởi sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới mỹ quan của đô thị, đồng thời những hộ dân sống quanh đó phải gánh chịu những tác động rất lớn.

Nếu dự án này đi ngầm xuống dưới sẽ không gây tác động lớn lắm đối với những di tích văn hóa – lịch sử đang tồn tại xung quanh, bởi nếu ga C9 nằm sâu khoảng từ 15 – 20m xuống dưới thì khoảng cách từ điểm dừng đến các di tích cũng là khá xa rồi”.

Không đồng tình với việc xây dựng ga metro C9 trong khu vực quy hoạch, KTS Nguyễn Thế Anh cho rằng: “Những tác động từ ga C9 đến cảnh quan, kiến trúc xung quanh khu vực hồ Gươm sẽ không phải là nhỏ, nét cổ kính nơi đây sẽ không còn giữ được phần nguyên vẹn, đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới không gian linh thiêng nơi đây. Tại sao không lựa chọn một địa điểm khác mà lại là phố Đinh Tiên Hoàng? Cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ càng trước khi xây dựng ga C9, bởi ngoài những lợi ích của cộng động, đặc biệt là lợi ích trong nền kinh tế, nơi đây đang còn tồn tại những di tích lịch sử văn hóa lâu đời”.

Ga metro C9 có thể coi là một trọng điểm vì sẽ kết nối một cách hoàn chỉnh, đồng bộ tuyến đường sắt số 2 với một số tuyến đường sắt quan trọng khác của Thủ đô. Theo dự kiến đến giai đoạn 2017, tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ hoàn thành. Nhưng ga metro C9 có thể sẽ tác động rất lớn đến những nét cổ kính, không gian tâm linh đang tồn tại ở nơi đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hưng (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN