Gà lậu TQ: "Đừng để nói đi, nói lại!"

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã phát biểu như vậy tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng chiều nay (2/10).

Thứ trưởng Tần bày tỏ bức xúc trước tình trạng gà nhập lậu từ Trung Quốc. Ông cho rằng câu chuyện gà nhập lậu từ Trung Quốc đã nói đi nói lại rất nhiều lần. Ông yêu cầu các ngành liên quan cần chấm dứt ngay tình trạng này, nếu không, ngành chăn nuôi trong nước khó mà phát triển được.

Trong khi đó, theo báo cáo của ông Nguyễn Thanh Sơn (Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi), trong tháng 8 và đầu tháng 9, sau khi Thủ tướng có công điện chỉ đạo, các địa phương đã kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập lậu. Các chợ đầu mối hầu như không còn bóng dáng gà lậu. Vậy nhưng đến cuối tháng 9 vừa qua, khi các cơ quan chức năng nới lỏng kiểm soát, gia cầm nhập lậu lại tăng ồ ạt.

Gà lậu TQ: "Đừng để nói đi, nói lại!" - 1

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần

Ông Sơn cho hay, mỗi ngày có khoảng 15-18 tấn gà lậu tràn vào chợ Hà Vỹ (Hà Nội). Trong một cuộc kiểm tra vào ngày 23/9 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 4 xe ô tô chở 16 - 18 tấn gà Trung Quốc nhập lậu vào chợ Hà Vỹ.

Những loại gà nhập lậu thường là gà thịt thải loại, ngoài ra còn có lượng lớn gà con, khoảng 2 tuần tuổi, có giá 10-12 nghìn đồng/con. Cạnh đó là trứng vịt và ngan sắp nở cũng được nhập về.

Gà lậu TQ: "Đừng để nói đi, nói lại!" - 2

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông

Trả lời PV về tình trạng gà lậu lại ồ ạt đổ vào chợ Hà Vỹ, ông Phạm Văn Đông (Cục trưởng Cục Thú y) cho biết: Hiện vẫn chưa nghe Chi cục Thú y Hà Nội báo cáo về việc này. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng gà nhập lậu như vậy, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn Cục Thú y hiện vẫn thực hiện quyết liệt đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, chợ Hà Vỹ chỉ là phần ngọn của con đường gà lậu. Hầu hết gà lậu từ Trung Quốc đều đi qua Móng Cái, một phần qua Cao Bằng rồi tập kết tại Thái Bình và Hưng Yên, sau đó mới phân phối đi các nơi khác.

Liên quan đến thông tin gà thải Hàn Quốc đang được nhập ồ ạt về Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn xác nhận việc này diễn ra khoảng 2 tháng nay. "Đây là loại gà đẻ thải loại, được nước ngoài chế biến làm thức ăn cho gia súc nhưng hiện Việt Nam lại nhập về bán cho người ăn. Điều đáng chú ý, gà đẻ thải loại của Hàn Quốc được nhập chính thức về Việt Nam chứ không phải nhập lậu, và đều được kiểm dịch. Vấn đề là chúng ta lại chưa có quy định tiêu chuẩn để kiểm soát với loại gà này", ông Sơn nói.

Theo Cục Chăn nuôi, loại gà này mới chỉ xuất hiện ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nắm được khối lượng nhập về mỗi ngày là bao nhiêu? Còn ngoài Bắc thì chưa nghe nói đến việc xuất hiện loại gà này.

Gà lậu TQ: "Đừng để nói đi, nói lại!" - 3

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn

Ông Sơn đánh giá, gà lậu Trung Quốc cùng gà thải loại Hàn Quốc đang đánh tụt giá gà trong nước. Và có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi từ nay đến cuối năm. Bởi lẽ giá gà giống hiện chỉ 5-6 nghìn đồng/con, nên các cơ sở sản xuất giống đang giảm số lượng.

"Nếu cứ tiếp tục như thế sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung." - Ông Sơn bày tỏ lo ngại.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần chia sẻ: "Chuyện về gà lậu Trung Quốc, chúng ta đã nói đi, nói lại quá nhiều lần. Nếu chúng ta không kiểm soát được, từ nay đến cuối năm sẽ rất dễ bùng phát dịch cúm gia cầm".

Thứ trưởng khẳng định, rõ ràng chúng ta biết về những đầu nậu buôn lậu gà, con giống. Buôn lậu gà là có điểm tập kết, có ô tô, người bốc xếp... đâu phải như buôn ma túy cất giấu trong người. Cho nên không thể nói rằng, các cơ quan chức năng không biết việc này. Vậy nhưng các cơ quan thú y, chính quyền địa phương chưa quyết liệt đấu tranh.

Thứ trưởng Tần yêu cầu, sắp tới sẽ mời đại diện các ban ngành liên quan từ những nơi xuất và nhập gà như: Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình... để đánh giá lại tình hình buôn lậu gà. Phải truy tới cùng và phải chấm dứt tình trạng này.

Nói về gà thải Hàn Quốc, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, thật vô lý khi loại gà nước ngoài dùng chế biến thức ăn cho gia súc thì chúng ta lại nhập về cho người ăn.

Nếu cứ để những chuyện như vậy diễn ra, ngành chăn nuôi trong nước khó mà phát triển được. Các trang trại chăn nuôi sẽ phá sản" - Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cảnh báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN