Gà kháng sinh: Cơ quan chức năng im lặng

Dư luận đang hết sức lo ngại về thông tin gà Trung Quốc được nuôi bằng nhiều loại kháng sinh và hormone để tăng trọng nhanh.

GS-TS Nguyễn Lân Dũng, Tổng Thư ký Hội Vi sinh vật, cố vấn của Liên đoàn Công nghệ sinh học châu Á, cho rằng: Cơ quan chức năng Việt Nam cần phải kiểm chứng, công bố thông tin về việc gà Trung Quốc ăn kháng sinh và có được nhập lậu vào Việt Nam hay không, đồng thời phải ra khuyến cáo cho nhân dân!

Khi nuôi gà, người ta thường không cần dùng đến kháng sinh vì kháng sinh được dùng để trị bệnh do nhiễm vi khuẩn. Trong khi đó, bệnh của gà thường là bệnh virus như bệnh gà toi, H5N1… nên không ai dùng kháng sinh cho gà cả” - GS-TS Nguyễn Lân Dũng nói.

Gà kháng sinh: Cơ quan chức năng im lặng - 1

Gà kháng sinh: Cơ quan chức năng im lặng - 2

Gà kháng sinh: Cơ quan chức năng im lặng - 3

Gà kháng sinh: Cơ quan chức năng im lặng - 4

Cảnh pha trộn kháng sinh vào thức ăn cho gà được các phóng viên của CCTV ghi lại.

Luật pháp cấm đưa kháng sinh vào thực phẩm

. Phóng viên: Thưa ông, những loại gà nuôi bằng nhiều loại kháng sinh và hormone để tăng trọng nhanh độc hại như thế nào đối với người tiêu dùng?

+ GS-TS Nguyễn Lân Dũng: Chuyện gà nuôi bằng kháng sinh có độc hại hay không thì phải do cơ quan y tế phát biểu bởi đây là trách nhiệm của Bộ Y tế. Hơn nữa, tôi cũng không rõ gà được nuôi bằng những loại hormone gì, kháng sinh cấm lưu hành ra sao, liều lượng thế nào…

. Giả sử trong trường hợp những con gà đó thực sự ăn kháng sinh liên tục như vậy thì khi con người ăn phải những con gà này thì sẽ có hậu quả như thế nào, thưa ông?

+ Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến khả năng kháng thuốc của vi khuẩn. Chỉ khi nào người ta có bệnh thì mới uống kháng sinh. Mà uống kháng sinh thì cũng phải dùng đủ liều vì nếu dùng không đủ liều thì sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn. Nếu xảy ta tình trạng kháng thuốc thì sau này khi mắc bệnh, việc sử dụng loại kháng sinh đó không còn tác dụng nữa.

Bởi thế nên luật pháp không cho phép đưa kháng sinh vào thực phẩm với mục tiêu là tránh trường hợp kháng thuốc đối với vi khuẩn gây bệnh cho người tiêu dùng khi họ sử dụng những loại thực phẩm đó. Vì vậy, những con gà trên nếu chỉ ăn kháng sinh thì sẽ không gây nguy hiểm cho con người mà chỉ gây ra hiện tượng nhờn thuốc.

Còn về tác động của các loại hormone tăng trưởng thì tôi đã nói ở trên là tôi không nắm được thông tin cụ thể nên không trả lời được.

Cơ quan chức năng phải tập trung bảo vệ dân

. Hiện nay, cơ quan chức năng chưa khẳng định, cũng không phủ định việc những con “gà ăn liền” như trên có bị nhập lậu và tiêu thụ tại Việt Nam hay không. Vậy ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng và cơ quan chức năng?

+ Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng kêu gọi bà con nhân dân và các đại biểu Quốc hội gương mẫu không ăn gà nhập lậu để bảo vệ sức khỏe cho mình. Thế nhưng chính Chủ tịch Quốc hội cũng đáp lại ngay tại hội trường rằng: Gà đã nấu cháo hay rán lên thì làm sao ông biết được.

Rõ ràng là người tiêu dùng, dù là thông thái đến đâu, cũng không thể phân biệt được gà trong nước và gà Trung Quốc. Như vậy, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bảo vệ người dân. Trước hết là phải chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu gà ồ ạt từ Trung Quốc bởi mấy lẽ sau:

Thứ nhất, tôi thấy nước ta là nước nông nghiệp, chiếm 75% lực lượng lao động, chiếm 90% dân số nên việc nuôi gà là việc truyền thống của nền nông nghiệp nước ta. Ta đổ sức sản xuất gà để tiêu dùng trong nước, không nên nhập khẩu, để khuyến khích nông dân phát triển ngành chăn nuôi. Mặc dù là giá bán của gà ta đắt hơn một chút so với gà Trung Quốc nhưng rõ ràng là gà ta ngon hơn, chất lượng đảm bảo hơn.

Thứ hai nữa là mình phải quản lý biên giới chặt chẽ. Tại sao mình lại để lọt đến mấy triệu con gà? Có phải là một cân đường hay một cân ma túy xách tay vào thì còn nói là khó quản lý. Chứ hàng triệu con gà như thế thì không thể là hàng xách tay được. Mình quản lý bờ biển, biên giới thế nào mà để tình trạng như thế xảy ra là không thể chấp nhận được. Điều này chứng tỏ là các cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm! Mới đây, truyền hình lại đưa tin về lô gà nhập qua đường biển đấy. Tôi thấy thế thật là vô lý, có phải là cây kim, sợi chỉ đâu mà lại để lọt?

. Bên cạnh việc tăng cường quản lý biên giới thì những việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng là gì, thưa ông?

+ Thông tin về loại gà trên, nếu không được kiểm chứng, không được cơ quan chức năng lên tiếng khẳng định thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng và bà con chăn nuôi bởi gà là loại thực phẩm quan trọng đối với người Việt. Hơn nữa, đây còn là loại thực phẩm được dùng cho các lễ cúng theo truyền thống nên có vị trí nhất định so với các loại thực phẩm khác.

Vì thế, mặc dù vấn đề nuôi gà bằng kháng sinh không đáng lo ngại nhưng cơ quan y tế vẫn cần vào cuộc sớm để tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân. Bộ Y tế chỉ cần làm kháng sinh đồ là biết ngay có kháng sinh hay không, trữ lượng bao nhiêu. Và việc này thì cơ quan y tế phải làm và làm sớm.

. Xin chân thành cảm ơn ông.

Lòng vòng trách nhiệm

Để tìm được câu trả lời về việc liệu rằng loại “gà kháng sinh” nguy hiểm kể trên có được nhập lậu về Việt Nam hay không, có được bày bán tại thị trường trong nước hay không, nếu người tiêu dùng sử dụng loại gà này làm thực phẩm thì có những tác hại gì… trong ngày 21/12, phóng viên đã liên hệ với nhiều quan chức ở các cơ quan có trách nhiệm quản lý chất lượng gia súc, gia cầm lưu hành trên thị trường là Thanh tra Bộ NN&PTNT nói chung, Thanh tra Cục Thú y nói riêng (cũng thuộc bộ này) hay Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế).

Cụ thể, phóng viên đã cố gắng liên hệ với các ông, bà:

- Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế);

- Bốn phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm;

- Cục Thú y - Bộ NN&PTNT;

- Hai phó chánh Thanh tra của Bộ NN&PTNT;

- Chánh văn phòng Cục Thú y;

- ...

Tuy nhiên, khi được hỏi, các quan chức ở hai bộ này đều chỉ dẫn lòng vòng hoặc từ chối trả lời vì “không đủ thông tin”, “không thuộc thẩm quyền”, “chưa xác minh”… trong khi họ là những người có trách nhiệm nắm bắt thông tin để quản lý chất lượng gia súc, gia cầm cũng như thực phẩm trên thị trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

***

Dư lượng kháng sinh trong thực phẩm có hại cho người dùng

Dư lượng kháng sinh là tình trạng kháng sinh chứa trong thực phẩm (thịt, cá, trứng, sữa...) còn ở dạng nguyên chất hay đã bị chuyển hóa mà việc sử dụng những loại thực phẩm này có thể gây ra những tác hại không ngờ đối với người tiêu dùng.

Ảnh hưởng của dư lượng kháng sinh đối với sức khỏe con người:

- Gây dị ứng, phản ứng quá mẫn: Theo các báo cáo về y tế, penicillin là kháng sinh thường gây dị ứng nhất. Đã có trường hợp người bị nổi mẩn da trầm trọng vì uống sữa có dư lượng penicillin. Một số trường hợp khác gây ngứa da tay, da mặt sau khi ăn thịt bò có tồn dư penicillin hoặc thịt heo từ thú mới điều trị bằng penicillin cách đó ba ngày.

Nguy hại nhất là trường hợp những người sẵn có cơ địa dị ứng với một loại thuốc nào đó (penicillin chiếm đầu bảng với tỉ lệ sốc phản vệ 1/70.000) vì việc dùng lại lần thứ hai với liều lượng dù nhỏ cũng có thể gây sốc quá mẫn dẫn đến chết người. Phản ứng nổi mề đay, ban đỏ cũng thường gặp với tồn dư kháng sinh sulfonamid.

- Gây ngộ độc: Cloramphenicol là loại kháng sinh cấm sử dụng trên thế giới do gây thiếu máu suy tủy (phụ thuộc liều), đôi khi gây thiếu máu bất sản (không phụ thuộc liều) ở những cá thể đặc ứng do di truyền có thể dẫn đến tử vong. Một số thuốc như nitrofurans, quinoxalinedinoxides và nitroimidazoles cần có sự kiểm soát nghiêm ngặt vì sự tích lũy thuốc do dùng lâu ngày có thể gây suy gan, suy thận thậm chí gây ung thư, đột biến gien.
- Tạo dòng vi khuẩn đề kháng kháng sinh: Hiện đây đang là vấn đề toàn cầu bởi trong vòng 15-20 năm trở lại đây chưa có một kháng sinh kiểu mới nào được phát hiện trong khi không có kháng sinh nào là không bị kháng, do sử dụng các sản phẩm động vật có tồn dư kháng sinh.

(Nguồn: Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, http://www.khuyennongtphcm.com

***

TS LÊ VĂN GIANG, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế:

Trách nhiệm quản lý mặt hàng tươi sống là của Bộ NN&PTNT. Ngành y tế không đứng ngoài cuộc nhưng chỉ có trách nhiệm phối hợp với Bộ NN&PTNT khi bộ này yêu cầu thanh tra liên ngành. Đến bây giờ thì Bộ NN&PTNT chưa thông báo gì cho Bộ Y tế.

Ông NGUYỄN VĂN TRỌNG, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT:

Về mặt khoa học thì việc dùng thuốc liên tục thì kiểu gì thịt gà cũng tồn dư các chất kháng sinh. Thế nhưng việc trong thịt gà đó tồn dư chất gì, có hại gì thì phải phân tích cụ thể mới biết được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hà (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN