Ga đường sắt đô thị quá gần hồ Gươm, Bộ GTVT nói gì?

Sự kiện: Thời sự

Việc nghiên cứu đặt ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ga đường sắt đô thị quá gần hồ Gươm, Bộ GTVT nói gì? - 1

Các chuyên gia cho rằng nhà ga C9 sẽ gây ảnh hưởng tới các di tích ở hồ Gươm

Chiều 30/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đã đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ GTVT trước các ý kiến lo ngại ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 xâm phạm di tích hồ Gươm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia do Hà Nội làm cơ quan chủ quản đầu tư.

Với vị trí ga số 9 trên tuyến, theo dự án của Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT cũng như các Bộ, ngành khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành. Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội.

Với phương án tuyến ga số 9 và các ga khác, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết đều được lựa chọn, đánh giá về chuyên môn, việc chọn ga cũng có những tiêu chí về thu hút hành khách, về thuận lợi cho vận tải và hiệu quả của dự án... Và cũng tính toán, tham vấn ý kiến các Bộ ngành liên quan, ý kiến chính quyền, chuyên gia hay các nhà khoa học, và đã lấy ý kiến của cả người dân.

Cho rằng như vậy là đã rất thận trọng nhưng Thứ trưởng Đông cũng nhắc đến việc có ý kiến về việc một phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm. Theo chức năng, Thứ trưởng Đông cho rằng Bộ VH-TT&DL phải có ý kiến về quản lý các di tích. Việc giải quyết phần này phải trên cơ sở đánh giá tác động, kể cả tác động về môi trường hay quản lý di tích. Hà Nội phải tiếp tục làm và báo cáo cấp thẩm quyền quyết định theo đúng quy định, đảm bảo ga được đặt đúng công năng vận tải, đảm bảo việc bảo tồn di tích theo đúng quy định pháp luật.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc ở Phố Huế (đoạn giao phố Nguyễn Du).

Theo phương án phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Khu depot rộng 17,5 ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm. Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.

Nhà ga C9 dự kiến bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Gươm. Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách từ thân ga C9 tới hồ Gươm là khoảng 10 m, tượng đài Cảm tử 81 m, đền Bà Kiệu 83 m, Tháp Bút 36 m, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa qua đã có công văn đề nghị UBND Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2.

Ủy ban này cho rằng ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô.

Uỷ ban này đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ... trước khi trình Thủ tướng cho ý kiến thực hiện.

Các dự án đường sắt đô thị đội vốn 132 nghìn tỷ, Chính phủ có tiếp tục đứng ra vay tiền?

Đó là câu hỏi được báo chí đặt ra cho Bộ KH-ĐT tại cuộc họp báo.  "Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn 132 nghìn tỷ, việc xử lý vấn đề đội vốn này như thế nào? Chính phủ có tiếp tục đứng ra vay tiền phân bổ cho địa phương thực hiện dự án, hay các địa phương tự vay vốn thực hiện tiếp dự án? "- báo chí nêu câu hỏi.

Giải đáp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, đội vốn là tăng vốn so với phê duyệt ban đầu. Trong quá trình thực hiện có điều chỉnh tăng, do nhiều nguyên nhân, có thể do điều chỉnh quy mô hoặc do trượt giá… Nhưng trong mỗi dự án như thế, về nguồn vốn, theo quy định của Luật Đầu tư công bao giờ cũng phải xác định rõ nguồn vốn, nguồn nào của ngân sách T.Ư, phần nào nguồn của ngân sách địa phương, không phải mọi dự án tăng vốn thì đều là Chính phủ vay tiền về cho địa phương triển khai.

"Khi đi vay tiền ODA thì bao giờ cũng liên quan đến trần nợ công, cân đối, xem xét đối với từng dự án, tuỳ dự án quan trọng quốc gia hay dự án của địa phương, đều phải nằm trong trần nợ công mà Quốc hội cho phép" - ông Trung nói thêm.

Bộ VH-TT-DL lên tiếng việc xây ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm

Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu thêm phương án bố trí nhà ga, nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Vũ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN