Gà 9 cựa "huyền thoại" cháy hàng dịp Tết
Thời điểm áp Tết, gà 9 cựa được nhiều khách đặt mua, hàng về đến đâu, xuất bán hết đến đó.
Từ xưa tới nay, gà 9 cựa đã trở thành một linh vật huyền thoại gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Trong thuyền thuyết của người Việt, gà 9 cựa gắn liền với tích Sơn Tinh - Thủy tinh. Loài vật này trở thành một lễ vật mà vua Hùng thách đố để hai người có thể rước Mỵ Nương về làm vợ.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhà anh Đỗ Văn Thực (42 tuổi, bán gà 9 cựa 20 năm nay) tại xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã gom được gà chín cựa chờ xuất về Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… bán cho các đại gia ăn Tết.
Theo anh Thực, gà 9 cựa rất hiếm: “Tôi buôn bán gà này đã 20 năm nay nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy gà 9 cựa. Gà 9 cựa với bộ 6 hay 7 cựa/chân thì nhiều, mấy năm gần đây loại gà này mới “sốt” nên được giá, chứ khoảng gần 10 năm về trước nhiều người cho rằng, loại gà này là gà dị tật, họ không thích ăn, nhiều khi bán còn khó hơn cả gà ta”.
"Mấy năm gần đây, khu Xuân Sơn trở thành khu du lịch thì gà này mới có giá trị so với gà nội truyền thống. Thời điểm cao nhất như năm ngoái, giá lên tới 500.000 – 600.00/kg, bán tại khu du lịch. Bình thường, dân bán tại khu du lịch khoảng 300.000/kg. Năm nay tôi mua gà 9 cựa ở khu trong Xuân Sơn với giá khoảng 200.000/kg, mang về nhà bán khoảng 300.000/kg", anh Thực cho biết thêm.
Giống gà này mắt sáng quắc, không hoảng ngay cả khi bị giữ chặt. Mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh.
Riêng cặp chân thì to, chắc và mọc đều 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn độc.
Gà nguyên bản, chúng ăn khỏe nhưng lớn rất chậm, con nào con nấy chỉ đến khoảng 1,5kg là dừng lại. Gà 9 cựa có nguồn gốc là gà rừng nên chúng bay và chạy rất khoẻ, đặc biệt, giống gà này chỉ có thể sống trong môi trường bán hoang dã.
Anh Thực cho hay, gần Tết, anh phải đi gom ở các huyện Thanh Sơn, Cẩm Khê, Đoan Hùng… mà vẫn không đủ gà cung cấp cho thị trường. Tiêu thụ gà này mạnh nhất ở các vùng như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, các nhà hàng bán gà này chỉ xào, xáo lên chút là bán được gấp 3 – 4 lần giá gốc.
Theo lời người buôn gà, những con gà không nguyên bản chúng thường to hơn, khoảng 2 – 2,5 cân, được nuôi dưới xuôi nên thịt gà không được ngon như nuôi ở trong bản thuộc vùng núi cao. Trong đó họ nuôi thả tự nhiên, cho ăn thóc, sắn, ngô nên gà rắn thịt
"Là người buôn gà nhưng tôi cũng phải nói thật, thịt của con gà 9 cựa nếu nuôi ở đồng bằng thì ăn nó cũng như gà ta mình nuôi thôi. Nó chỉ khác nhau ở đôi chân, khi đặt đôi chân lên đĩa nhìn nó sang, ăn cảm thấy ngon miệng", anh Thực nói
Chị Tâm- buôn gà tại xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ cho biết, thời điểm này gom gà 9 cựa với số lượng lớn rất khó, nhiều khách đặt mua, hàng về đến đâu, xuất bán hết đến đó.
"Những con gà non, nuôi tầm 6 – 7 tháng khách cũng đặt mua. Nhiều khách "đại gia" còn yêu cầu tìm loại gà đủ 9 cựa nhưng loại này rất khó kiếm, tôi chỉ dám nhận lời còn chắc chắn tìm được gà hay không thì tôi không thể khẳng định được", chị Tâm cho hay.