Formosa xin xả thải ra biển để tránh ô nhiễm... sông
Phó Bí thư Hà Tĩnh cho biết: Formosa xin xả ra biển vì xả ra sông Quyền không đảm bảo môi trường.
Một góc dự án Formosa Hà Tĩnh
Chiều 8/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về công tác đảm bảo môi trường các dự án trên địa bàn.
Sau khi thảo luận về vấn đề xả thải của Formosa gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua, các đại biểu đã quan tâm đến việc Formosa xả thải ra biển bằng ống ngầm sẽ khó kiểm soát hơn. Do đó, cần nghiên cứu và xem xét kỹ vấn đề này do dự án Formosa có thời gian hoạt động dài tới 70 năm.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trần Nam Hồng cho biết: “Trước năm 2008, khi tôi làm Trưởng BQL Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), thì quy hoạch tất cả các dự án ở Vũng Áng đều xả vào sông Quyền, sau đó mới đổ ra biển. Nói là sông Quyền nhưng thực ra đó là một cái hồ rất lớn, rộng hàng trăm héc-ta. Chứ giờ mà cứ mỗi nhà máy nào cũng xả ra biển thế này thì sẽ như thế nào? Xả ra sông Quyền thì chúng ta sẽ dễ giám sát hơn. Thời điểm chuyển xả thải từ sông ra biển thì chính Formosa đã có văn bản ghi nguyên văn “Xin xả ra biển vì xả ra sông Quyền không đảm bảo môi trường”.
Phó Bí thư thường trực Hà Tĩnh Trần Nam Hồng phát biểu tại hội nghị
Cũng theo ông Hồng, các sở, ngành thời đó và UBND tỉnh cũng ký văn bản cho Formosa làm. Thậm chí, Bộ TN&MT lúc đó phê duyệt dự án này (chuyển từ sông ra biển_PV) là “sau khi việc đã rồi”. Dù trên thực tế, việc xả ra biển hay ra sông Quyền cũng đều xả ra môi trường tự nhiên, thì phải đảm bảo môi trường là được. Nhưng ở đây, họ (Formosa_PV) khẳng định xả ra sông Quyền không đảm bảo môi trường nên xin xả ra biển, rõ ràng là có ý.
Trước sự cố đã diễn ra, lãnh đạo Tỉnh uỷ Hà Tĩnh cho rằng: Bộ TN&MT cần tiếp tục nghiên cứu thêm theo hướng nên chọn phương án tối ưu nhất vì dự án triển khai trong 70 năm, nếu tiếp tục xả thải trực tiếp ra biển như vậy thì liệu sẽ có bao nhiêu lần tiếp tục gây hậu quả khôn lường.
Phó Bí thư tỉnh Hà Tĩnh Trần Nam Hồng cũng cho rằng nên để nhà máy này (Formosa _PV) công suất ở mức 7,5 triệu tấn/năm thay vì 15 triệu tấn hay 22 triệu tấn/năm và cần chú trọng việc đảm bảo môi trường.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nữ Y chia sẻ: Bài học Formosa là bài học đắt giá. Đối với quy hoạch điện thì công suất lên tới 6.300 MW đều tập trung tại Vũng Áng, lại toàn là nhiệt điện vậy có đảm bảo không và đừng vì quy hoạch rồi mà chúng ta không thay đổi được.
Trước đó, sáng 8/9, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã vào dự án Formosa Hà Tĩnh để kiểm tra các cam kết của Formosa về thực hiện bảo vệ môi trường... Tại dự án Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tới thị sát kho chứa rác thải của Formosa. Tại đây, Bộ trưởng đã trao đổi những vấn đề liên quan đến việc thu gom, tập kết, xử lý rác thải của nhà máy. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự cố môi trường xảy ra vừa qua là hết sức nghiêm trọng, do đó, việc xử lý rác thải cần phải thận trọng, an toàn, dù là bất cứ công ty nào đảm nhận việc xử lý rác thải cũng cần phải kiểm tra kỹ năng lực của họ, đảm bảo đúng quy trình, trách nhiệm.