F0 vật vã làm thủ tục hưởng BHXH
Khi thanh toán chế độ cho các F0, BHXH thành phố từ chối chi trả chế độ vì giấy nghỉ việc hưởng BHXH do y tế phường ký, đóng dấu không đúng...
Tại nhiều nơi, F0 vừa ho vừa sốt vẫn phải xếp hàng xin xác nhận nhiễm Covid-19. Sau đó nhiều ngày là hành trình đi đi về về xin giấy hoàn thành cách ly.
Nhưng tất cả những việc đó vẫn chưa đủ để được nhận quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Người dân chen chân xếp hàng chờ xét nghiệm để được công nhận là FO tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày 21/2. Ảnh: Phùng Đô
Chấp nhận bỏ quyền lợi vì quá mệt mỏi
Đã khỏi Covid-19 và đi làm trở lại được 1 tuần, chị Nhung ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, chị chấp nhận không làm thủ tục hưởng BHXH vì không thể lấy được các giấy tờ chứng nhận F0 ở xã.
“Đang mệt và ho nhưng tôi đã xếp hàng hơn 2 tiếng ở trạm y tế xã để khai báo mà chưa đến lượt, đành bỏ cuộc”, chị Nhung kể.
Tương tự, anh Nguyễn Hoàng (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, phường cho phép làm thủ tục chứng nhận F0 online, nhưng mọi thứ không hề dễ dàng.
Theo đó, phường công bố nộp thủ tục và các link khai báo online. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên F0 vấp phải là phải nộp video quay toàn bộ quá trình test nhanh cận mặt F0 hoặc giấy xét nghiệm PCR của F0 về zalo của cán bộ y tế.
“Video quay toàn bộ quá trình test mất tầm chục phút, dung lượng rất nặng không thể gửi zalo. Còn giấy xác nhận PCR vừa mất thời gian gọi dịch vụ vừa tốn kém. Muốn đỡ tốn kém vẫn phải mang video quay quá trình test ra phường để trình cán bộ y tế, mong có một quyết định cách ly”, anh Hoàng cho biết.
Hết 7 -10 ngày, khi khỏi bệnh, F0 lại phải quay video quá trình test nhanh có kết quả âm tính hoặc PCR, mang đến phường để được trả kết quả hoàn thành cách ly.
Sau đó, F0 phải photo 2 quyết định cách ly và hoàn thành cách ly, kèm theo thẻ bảo hiểm y tế photo nộp về trạm y tế phường.
“Quy trình đi lại nếu suôn sẻ là 3 lần, lương tôi 500 nghìn đồng/ngày, làm thủ tục hưởng bảo hiểm trong 7 ngày được hưởng 70% là được 2,45 triệu đồng, trong khi test PCR 2 lượt mất tới hơn 1 triệu đồng, còn test nhanh thì lại phải xếp hàng ở trạm y tế. Chưa kể vòng đi vòng lại lấy giấy tờ, thế nên tôi bỏ luôn”, anh Hoàng cho biết.
Xác nhận thực trạng F0 xếp hàng, khai báo khó khăn, ông Lê Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, thời gian qua lực lượng y tế thị trấn bị quá tải vì số người đổ về xin chứng nhận là F0, khỏi bệnh Covid-19 rất lớn. Trạm Y tế thị trấn chỉ có 8 người nhưng có thời điểm 5 người nhiễm Covid-19.
Cho rằng áp dụng công nghệ là cần thiết song ông Hưng cũng cho biết nhiều người không biết quay video, chụp hình. Chưa kể, quay chụp gửi online, mỗi trường hợp nhân viên trạm y tế phải xem lại, lưu thông tin mất 15-20 phút, nếu làm sai thì hướng dẫn lại còn mất thời gian hơn.
“Trong khi, mỗi ngày có vài trăm người tới xin xác nhận F0, nói chung là làm không xuể”, ông Hưng chia sẻ.
Ghi nhận thực tế tại một số nơi khác, khi chuyển sang áp dụng công nghệ, việc xác nhận F0 được giảm tải rất nhiều. Đơn cử như ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), khi người dân test ở nhà có kết quả nhiễm Covid-19 thì thông báo, gửi hình ảnh tới email của phường.
Phường gửi cho người dân đường link, người dân cập nhật hình trạng sức khỏe. Sau khi có kết quả âm tính, người dân lại gửi kết quả đến email của phường, sau 4 ngày thì đến phường lấy xác nhận khỏi bệnh và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết, dù làm online nhưng do lượng người mắc Covid-19 quá nhiều nên phường phải huy động cả lực lượng khác hỗ trợ.
Tương tự, lãnh đạo các phường Khương Đình, Hạ Đình (quận Thanh Xuân) chia sẻ để giảm tải cho cán bộ y tế, phường đã huy động cán bộ UBND phường, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng cùng vào cuộc.
Còn tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, ông Bùi Quang Khải, Chủ tịch UBND phường khẳng định, người dân chỉ cần xét nghiệm ở nhà sau đó gửi hình ảnh và kết quả đến phường thông qua các tổ dân phố, phường sẽ tập hợp rồi cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 cho người dân, tổ dân phố sẽ chuyển tới tận nhà.
Tại quận Tây Hồ, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận cho biết, tại tất cả các phường người dân chỉ cần thực hiện qua hình thức online.
Xác nhận xong vẫn chưa… xong
Người dân mắc Covid-19 xếp hàng tại Trung tâm Y tế phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM xin xác nhận F0 để làm thủ tục hưởng BHXH nhưng lúng túng không biết phải làm thế nào
Việc xin xác nhận F0, chứng nhận khỏi bệnh dù gian nan như vậy nhưng chưa phải đã xong.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), để được hưởng quyền lợi BHXH, người lao động khi nghỉ chế độ ốm đau cần có giấy ra viện, còn điều trị nội trú thì phải có giấy nghỉ việc hưởng BHXH.
Rắc rối hiện nay là đa số ca mắc đều điều trị ở nhà, do y tế phường, xã quản lý và cấp giấy khỏi bệnh. Giấy này không đúng với mẫu trong Thông tư 56 của Bộ Y tế, dẫn đến BHXH không thể thanh toán cho người lao động (theo quy định phải là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH do bệnh viện cấp).
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM), Thông tư 56/2017 ra đời khi chưa có dịch Covid-19. Trong khi đó, hơn 2 năm qua, dịch đã tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó tác động không nhỏ đến bộ phận người lao động tham gia BHXH. Chính vì vậy, quy định về “giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH” cần phải sửa đổi nhanh chóng để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Do thủ tục đang bị vướng, việc giải quyết rắc rối nên nhiều người lao động bị nhiễm Covid-19 đang phải nghỉ việc và bị trừ vào số ngày nghỉ phép năm; một số doanh nghiệp không trừ vào phép năm mà trừ trực tiếp vào lương của người lao động đối với những ngày nghỉ việc điều trị Covid-19. Điều này đang khiến người lao động hoang mang, lo lắng... Trước thực tiễn phát sinh với hàng trăm nghìn F0 điều trị tại nhà mỗi ngày như hiện hay, nếu các F0 không thể làm thủ tục để hưởng quyền lợi của mình, nguy cơ người lao động có thể thiệt hàng trăm tỷ đồng. Mặt khác, nếu không giải quyết kịp thời, không những cơ sở y tế thêm quá tải mà với việc F0 phải đi lại nhiều lần sẽ gây mất an toàn trong phòng chống dịch. Phùng Đô |
Chị Minh Tuyết, công nhân một công ty may mặc trên địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM là F0, kết thúc 7 ngày cách ly tại nhà cho biết, chị được công ty hướng dẫn về địa phương xin cấp giấy nghỉ việc để hưởng BHXH.
Chị đi tới đi lui trạm y tế phường nhưng chỉ được trạm cấp giấy quyết định cách ly và quyết định hoàn thành cách ly, không được cấp giấy nghỉ việc.
Tương tự, chị Hồng Thu, công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam chia sẻ khi mang giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế đến trạm y tế phường để xin giấy chứng nhận nghỉ việc thì không được chấp nhận vì… đã khỏi bệnh.
Bà Đặng Hồng Liên, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho hay công ty có nhiều công nhân mắc Covid-19 nhẹ điều trị tại nhà.
Khi thanh toán chế độ cho các F0, BHXH thành phố từ chối chi trả chế độ vì giấy nghỉ việc hưởng BHXH do y tế phường ký, đóng dấu không đúng quy định.
Một cán bộ trạm y tế phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, F0 điều trị tại nhà cần thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn cách ly, điều trị cũng như đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Chỉ khi khai báo nhiễm Covid-19 với y tế xã, phường, người bệnh mới có cơ sở để được cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH. Tuy nhiên, hiện một số trạm y tế phường xã vẫn chưa nhận được chỉ đạo cấp loại giấy này cho người lao động nhiễm Covid-19.
Gỡ cách nào?
Theo bà Nguyễn Thùy Phương, Trưởng phòng BHXH ngắn hạn, Ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam), hiện người lao động là F0 chỉ được cấp giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu Thông tư 56 của Bộ Y tế quy định, dẫn đến BHXH không thể thanh toán chế độ cho người lao động.
Trước thực trạng này, BHXH Việt Nam đã xin ý kiến Bộ Y tế về việc có thể chấp nhận các loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly… để thanh toán hay không. Bởi nội dung giấy tờ, hồ sơ liên quan đều thể hiện rằng người lao động phải nghỉ việc để điều trị Covid-19.
Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh cho lao động mắc Covid-19 và cơ quan BHXH thống nhất sử dụng các loại giấy tờ phù hợp để hưởng BHXH.
“Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía Bộ Y tế hiện vẫn yêu cầu “thực hiện theo quy định hiện hành”. Quy định này không đáp ứng được thực tiễn phát sinh với hàng trăm nghìn F0 điều trị tại nhà mỗi ngày”, bà Phương nói và cho biết thêm, hiện Sở Y tế Hà Nội và một số địa phương như TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An đã có chỉ đạo các trạm y tế cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động. Với các tỉnh, thành mà ngành Y tế chưa có hướng dẫn, đều phải chờ.
Trong khi đó, theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện những người bệnh mắc Covid-19 điều trị tại nhà chỉ có một trong 7 loại giấy tờ như quyết định cách ly tại nhà; giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly; giấy xét nghiệm có kết quả dương tính; giấy xác nhận bị mắc Covid-19…
Đối chiếu với quy định của các văn bản luật thì các loại giấy tờ nêu trên chưa được quy định trong Luật BHXH, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản luật có liên quan khác. Vì vậy, Bộ Y tế chưa có cơ sở pháp lý để đưa vào hướng dẫn trong Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017.
Hiện, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp và có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế áp dụng quy định theo trình tự thủ tục rút gọn để ban hành Thông tư sửa đổi trong thời gian sớm nhất có thể, đảm bảo kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Bộ Y tế đề xuất hai phương án giải quyết Phương án 1: Đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để BHXH căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc Covid-19. Phương án 2: Đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ nêu trên vào Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017. Quảng Ninh 10.000 ca mỗi ngày, F0 không phải xếp hàng Là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 tăng mạnh sau dịp nghỉ Tết, thậm chí có ngày Quảng Ninh ghi nhận đến gần 10.000 ca F0. Dù ca F0 tăng cao, song qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, PV ghi nhận, các thủ tục cấp giấy hoàn thành cách ly, điều trị đối với F0 rất thuận tiện, không xảy ra tình trạng tập trung đông người tại trụ sở xã, trạm y tế… Điển hình, tại phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, từ khi dịch bùng phát đến nay, địa phương này đã ghi nhận 1.788 ca, trong đó có điều trị tại nhà là 1.728. Cùng với trạm y tế phường, trạm y tế lưu động, 100% khu phố trên địa bàn được thành lập tổ phòng chống Covid-19, đồng thời thiết lập đường dây nóng để người dân khai báo về các trường hợp F1, F0. Người dân tự test ở nhà, thông báo kết quả nhiễm Covid-19 qua điện thoại, ngay lập tức được đưa vào danh sách theo dõi, thường xuyên được liên lạc tư vấn, cấp giấy chứng nhận hoàn thành điều trị, cách ly nhanh chóng khi âm tính. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, các giấy tờ, thủ tục để người lao động được hưởng chế độ BHXH còn đang chờ Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền ban hành. Nhưng tinh thần chung của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động là F0. Quang Minh |
Bộ Y tế vừa thông tin về tình hình dịch COVID-19 tính từ 16h ngày 6/3 đến 16h ngày 7/3.
Nguồn: [Link nguồn]