F0 kể hành trình được y bác sĩ hỗ trợ vượt cửa tử
F0 nhập viện liên tục, đội ngũ y tế phải căng sức làm việc. Thế nhưng những lúc F0 nguy cấp, họ đều xuất hiện kịp thời.
Sau thời gian điều trị COVID-19 tại nhà, bệnh tình của anh Lê Văn Thanh Tùng ở quận 4, TP.HCM trở nặng. Anh được đưa đến BV đa khoa quận 7 để chữa trị.
Khi vào BV điều trị, có thời điểm anh Tùng nghĩ rằng bản thân không thể qua khỏi nhưng vào những lúc nguy cấp, đội ngũ y tế ở BV đã kịp thời hỗ trợ, giúp anh vượt qua cửa tử.
Anh Tùng cho biết phần lớn chi phí khám chữa bệnh COVID-19 được Nhà nước hỗ trợ. (Ảnh do nhân vật cung cấp) Bác sĩ nhường phần ăn sáng cho F0
Ngày 10-7, anh Tùng và người thân trong gia đình phát hiện mắc COVID-19 với vài triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, đến khoảng 9-10 ngày sau, tất cả đều trở nặng.
Thế là mỗi người được đưa đến các BV khác nhau để chữa trị. Anh Tùng được chuyển đến BV đa khoa quận 7 để theo dõi.
Anh Tùng kể: “Hằng đêm tôi đều cảm thấy khó thở, không thể xoay trở cơ thể. Tôi bắt đầu được cho thở ôxy nhưng những bình này dung tích khá nhỏ, đa phần thở được tầm 2-3 tiếng là hết. Có đêm tôi phải gọi bác sĩ (BS) thay bình 3-4 lần”.
Trong chuỗi ngày đó, anh Tùng cảm giác phổi của mình đã hư hết, không thể tự thở nếu thiếu máy. Tuy nhiên, các BS chữa trị cho anh đã động viên, hướng dẫn anh cách cai máy thở. BS dặn anh yên tâm, phổi sẽ tự phục hồi. Đến ngày thứ chín ở BV, anh bắt đầu cảm thấy có sự thay đổi, thi thoảng tự anh ngắt máy và tập thở.
Anh Tùng cho biết dù số lượng bệnh nhân (BN) ở BV rất đông nhưng các y BS chưa bao giờ lớn tiếng với BN. Kể cả khi BN gây phiền, hỏi đi hỏi lại một vấn đề nhưng các y BS vẫn nhẹ nhàng giải đáp. Trong 16 ngày nằm viện, anh Tùng chưa một lần nhận ra sự khó chịu trên gương mặt của các y BS.
Mỗi phòng bệnh đều có dán một số điện thoại “nóng” của đội ngũ y tế. Bất kỳ lúc nào cần hỗ trợ, BN chỉ cần gọi thì 3-5 phút sau BS đã có mặt để hỗ trợ.
Cũng theo anh Tùng, đội ngũ y tế ở BV không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn lo cả chuyện ăn uống, khuân vác đồ đạc cho BN. Người nhà của F0 chỉ cần mang đồ tiếp tế đến cổng BV, nhân viên y tế sẽ đưa đến tận nơi. Cơm ngày ba bữa cũng do đội ngũ y tế đưa đến. Thậm chí BS còn nhường phần ăn sáng của mình cho các ca F0.
Anh Tùng kể: “Hôm đó, cũng gần 9 giờ rồi mà phần ăn sáng của tôi và các BN khác vẫn chưa có. Người nào cũng than đói, than mệt. BS đang thăm khám bên ngoài hành lang nghe vậy liền nói với điều dưỡng: “Cứ đem phần ăn của mình cho BN ăn trước. Sau đó chúng ta ăn mì gói cũng được”. Lát sau, chúng tôi được phát bánh mì để ăn sáng”.
“Biết các y BS đã nhường phần ăn cho mình, các BN rất cảm động, riêng tôi ăn bánh mì mà rơi nước mắt vì đó là ổ bánh mì ngon nhất mà tôi từng được ăn” - anh Tùng nói.
“Anh chị cố gắng ra viện sớm như em nhé!”
Anh Tùng chia sẻ: “Khu của tôi dành cho các F0 bị suy hô hấp nặng. Người nào cũng đã vượt cửa tử trở về nên rất thương nhau. Chúng tôi chăm sóc, hỏi han, động viên tinh thần lẫn nhau. Chỉ cần một người sốt, cả phòng sẽ thay nhau trông chừng. F0 nào than thở chuyện người nhà chưa kịp gửi thuốc bổ, vitamin là ngay lập tức có 3-4 ống vitamin đặt trước mặt. Ai than ăn cơm không nổi là thể nào cũng có nhiều người đưa sữa kêu uống”.
Ở BV, các F0 kết nối với bên ngoài chỉ bằng điện thoại. Những cuộc điện thoại tăng dần khi sức khỏe của F0 tiến triển tốt. Đó là những cuộc gọi của người nhà hỏi thăm hoặc người bệnh gọi về thông báo tình trạng sức khỏe. Những lúc F0 còn mệt, cuộc gọi nói chuyện rất nặng nề và thường kết thúc rất nhanh. Khi đã khỏe hơn, cuộc gọi nhiều hơn, rôm rả hơn. Phòng điều trị bệnh vốn trầm buồn trở nên nhộn nhịp.
Tuy vậy, phòng bệnh cũng có những F0 cô đơn, không người thăm hỏi. Có thể họ không liên hệ được với gia đình hoặc đã không còn ai để liên hệ. Họ nằm đó, rất buồn từ sáng đến chiều trên giường bệnh. Thương F0 cô đơn, những F0 khác cũng tiết chế niềm vui, chủ động hỏi han, chia sẻ nỗi buồn.
Ngày làm thủ tục xuất viện, anh Tùng vừa tranh thủ đem quà gửi lại các F0 khác ở cùng khu bệnh. Quà là sữa, bánh, trái cây, nhu yếu phẩm… mà anh Tùng vẫn chưa dùng đến. Điều anh muốn san sẻ không chỉ có quà mà còn là tinh thần lạc quan. Cho nên gặp F0 nào, anh Tùng cũng nhắn nhủ: “Em chuẩn bị ra viện rồi, anh chị cũng cố gắng ra viện như em nhé!”.
Anh Tùng cho biết trước khi nhập viện điều trị, anh đã rất lo lắng về chi phí điều trị vì anh không có bảo hiểm y tế. Nhưng đến khi xuất viện, nhìn tổng chi phí điều trị là 7 triệu đồng nhưng anh được ngân sách nhà nước chi trả phần lớn nên số tiền anh phải trả chỉ khoảng 900.000 đồng. Được Nhà nước hỗ trợ chi phí như vậy thì người bệnh sẽ an tâm điều trị.•
Người mắc COVID-19 được khám và điều trị miễn phí Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A (COVID-19 thuộc nhóm A) được khám và điều trị miễn phí, chi phí do Nhà nước chi trả 100%. Chỉ có một số trường hợp BN mắc COVID-19, đồng thời mang thêm bệnh nền nằm ngoài phác đồ điều trị COVID-19 được Bộ Y tế quy định thì BHXH sẽ chi trả phần lớn chi phí điều trị, người bệnh chỉ phải đóng tối đa khoảng 20% trên tổng số tiền viện phí. |
Sở Y tế Hà Nội vừa ghi nhận 29 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới, trong đó 18 ca tại cộng đồng và 11 ca trong khu cách ly....
Nguồn: [Link nguồn]