EVN lời lớn nhưng không giảm giá
Sau một tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều nhà máy đã giảm giá chào để tăng công suất phát điện. Việc các thủy điện giảm giá bán đồng nghĩa EVN thu được lợi nhuận thêm nhiều tỷ đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, người dân vẫn phải mua giá điện cao.
Mỗi ngày lời thêm vài tỷ đồng
Thống kê của ngành điện cho thấy, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành từ ngày 1/7/2012, có sự tham gia chào giá trực tiếp của 29 nhà máy với tổng công suất 9.035 MW và 34 nhà máy chào gián tiếp qua các tổng công ty thuộc EVN với tổng công suất 7.745 MW.
Trong tuần đầu (từ ngày 1 đến ngày 6/7), tổng số tiền EVN thanh toán theo thị trường thấp hơn so với thanh toán theo giá hợp đồng mua bán điện trung bình mỗi ngày khoảng 8,209 tỷ đồng.
Số liệu cũng cho thấy, theo doanh thu thực tế áp giá theo thị trường điện cạnh tranh và theo hợp đồng mua bán điện trước đây, trong tổng số 24 nhà máy thanh toán theo thị trường điện có 9 nhà máy bị giảm doanh thu, 15 nhà máy tăng doanh thu.
Tổng doanh thu của các nhà máy thủy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh tăng khoảng 5,4 tỷ đồng và tổng doanh thu của các nhà máy nhiệt điện giảm khoảng 16,6 tỷ đồng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau gần một tháng chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, tổng chi phí mua điện của EVN giảm hơn so với việc thanh toán theo giá hợp đồng.
Những nhà máy thuỷ điện của EVN đang mang lại lợi nhuận kép cho tập đoàn này (ảnh chụp nhà máy Thủy điện Trị An)
Một số nhà máy thủy điện có mức doanh thu tăng do áp dụng chiến lược chào giá hợp lý để được huy động cao khi nước về hồ chứa đủ lớn, vừa phù hợp với điều tiết hồ chứa của nhà máy, nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận, đồng thời góp phần giảm giá thị trường.
Chỉ nhìn các con số trên cũng đủ thấy việc các nhà máy thủy điện nâng công suất, sản lượng, giảm giá bán đồng nghĩa giúp EVN giảm bớt việc mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy có mức chào giá bán cao.
Mua được lượng điện giá rẻ trong khi mức giá bán cho người dân và xã hội giữ cố định giúp EVN có mức lợi nhuận lớn hơn trước đây mỗi ngày vài tỷ đồng (chưa kể việc tăng giá bán điện cho các hộ tiêu dùng).
Còn những nhà máy thủy điện thuộc EVN và do EVN giữ cổ phần chi phối cũng thu được lợi nhuận lớn hơn nhờ sản lượng bán lớn, đủ bù đắp cho phần chi phí giá bán điện giảm đi.
Lời không giảm giá là vô lý
Trao đổi với PV, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, qua 20 ngày thị trường phát điện cạnh tranh cho thấy, các nhà máy thủy điện đang được hưởng lợi nhờ lượng nước về nhiều kéo theo sản lượng tăng, nên các đơn vị hạ giá để chào cạnh tranh và được huy động nhiều hơn.
Theo ông Tri, từ tháng 10 tới các nhà máy thủy điện sẽ phải tích nước kéo theo sản lượng giảm đi. Sang tháng 11 ngành điện sẽ phải huy động chạy than, dầu tương đối cao, lúc đó giá thị trường sẽ khác.
Ông cũng cho rằng, thực chất thị trường điện ảnh hưởng đến mua điện của EVN rất nhỏ vì mới chỉ có 29 nhà máy tham gia thị trường phát điện với sản lượng chiếm 38%. Trong đó 95% sản lượng là thanh toán theo hợp đồng, chỉ 5% lấy theo giá thị trường.
Do đó tỷ lệ ảnh hưởng đến mua điện của EVN là không đáng kể. Các nhà máy cũng tương tự. Giá lên, các nhà máy không được hưởng, giá xuống cũng không bị thiệt nhiều.
Một chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, gọi là thị trường phát điện cạnh tranh nhưng thực tế chưa có gì gọi là chuyển đổi cơ bản do từ khâu mua điện bán buôn, truyền tải điện, phân phối điện, hạch toán điện, điều độ điện quốc gia đến khâu bán lẻ vẫn do EVN chi phối.
“Các doanh nghiệp hạ giá bán cũng đồng nghĩa giá đầu vào rẻ hơn và phần lợi nhuận này chảy hết vào túi của EVN. Đáng ra, phải giảm giá, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Không thể có chuyện, lãi lớn nhưng lại tuyên bố từ nay đến 2015 chỉ tăng giá, do phải phân bổ lỗ của EVN các năm trước vào giá điện. Điều này đồng nghĩa EVN sẽ luôn có lợi do giá điện mua vào của các doanh nghiệp sẽ hạ xuống trong khi giá bán ra sẽ được tiếp tục điều chỉnh tăng trong các năm tới”- chuyên gia trên phân tích.
EVN lợi nhuận kép
Theo Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành, trong số 29 nhà máy điện thuộc 22 Cty phát điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường với tổng công suất đặt là 9.035MW, chiếm 38,2% tổng công suất đặt toàn hệ thống, EVN sở hữu vốn tại 18 đơn vị với tổng công suất 8.073 MW, chiếm 34,2% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Trong số nhà máy điện trên, phần lớn là thủy điện thuộc EVN, nên tuy giảm giá bán điện nhưng các nhà máy lại tăng được công suất phát điện, vì thế mang lại nguồn thu lớn hơn trước. Như vậy, EVN không chỉ có lời từ giá mua điện rẻ hơn, mà còn có lời lớn nhờ nguồn thu của các thuỷ điện tăng.