Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng gồm 2 dự án thành phần: dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn, nút giao cuối tuyến và dự án đường nối TP Hạ Long với Cầu Bạch Đằng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 24,6km với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng.
Trong đó, dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 7.270 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh gần 490 tỷ đồng, gồm: chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ.
Cầu Bạch Đằng dài 5,4 km bao gồm cả đường dẫn, rộng 25 m, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Trong đó riêng chiều dài cầu là 3,5 km. Cầu Bạch Đằng được thiết kế 3 trụ tháp là Cầu Bạch 3 chữ H, biểu tượng kết nối 3 thành phố kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long (Quảng Ninh).
Với chiều dài 3,5 km, cầu có kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8.Trụ cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép.
Trụ ở giữa cầu cao 99,74 m, hai trụ bên cao 94,5 m với 4 nhịp dây văng. Dây văng cầu làm bằng thép đặc biệt được nhập khẩu từ Italy. Công trình được thiết kế đảm bảo thông thủy cho tàu trọng tải lớn và không ảnh hưởng đến Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cách đó khoảng 6 km.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, đến thời điểm này, cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam với chiều dài 3,5km, đặc biệt là phần chính cầu Bạch Đằng đã cơ bản hoàn thành để chờ ngày thông xe.
Chủ đầu tư dự án cho hay, cây cầu Bạch Đằng là một trong những cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới. Cầu Bạch Đằng cũng là một trong những cây cầu dây văng có tính chất phức tạp nhất với 4 nhịp dây văng liên tục.
Ông Thái Văn Dũng - Công ty VSL Việt Nam - Giám đốc Dự án Cầu Bạch Đằng cho biết, hiện nay đơn vị đã hoàn thành lắp đặt hệ thống cáp dây văng hệ SSI2000 (hệ song song SI2000) tiên tiến nhất hiện nay. Với khối lượng lắp đặt dây cáp trên cầu Bạch Đằng là hơn 800 tấn, với trên 144 bó cáp kích thước từ 31 đến 85 sợi cáp (tao cáp), đây là một khối lượng công việc đồ sộ.
Dự án đường nối TP. Hạ Long – cầu Bạch Đằng có chiều dài toàn tuyến đường cao tốc dài 19,8km, với số tiền 6.400 tỷ đồng. Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc này gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 100km/h.
Chủ đầu tư của cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là UBND tỉnh Quảng Ninh. Nguồn kinh phí chính lấy từ các khoản ngoài ngân sách bao gồm các khoản tích luỹ 2.880 tỷ đồng (gồm phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 800 tỷ đồng, vượt thu năm 2013 là 600 tỷ đồng và kinh phí do Bộ GTVT vay 1.480 tỷ đồng) và một số nguồn khác.
Còn cầu Bạch Đằng - Chủ đầu tư là UBND tỉnh Quảng Ninh và Công ty cổ phần BOT Bạch Đằng. Kinh phí là của công ty và huy động thêm từ các nhà đầu tư khác.
Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng từ phường Đông Hải 2, quận Hải An (TP.Hải Phòng) đến xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Cầu được xây dựng từ năm 2015 và đến tháng 9/2018 hoàn thành, thông xe toàn tuyến.
Dự án đường nối TP. Hạ Long – cầu Bạch Đằng có điểm đầu tại Km 102 + 300 QL18, thuộc phường Đại Yên, TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); điểm cuối tại Km 25 + 214 giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP.Hải Phòng. Dự án khởi công từ ngày 13/9/2014 và đến ngày 1/9/2018, dự án hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Video: Toàn cảnh tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng
Tuyến cao tốc và cầu Bạch Đằng khi đi vào thông xe sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động; rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội là 180km như hiện nay xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống còn 1,5 tiếng.
Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3, từ 75km xuống còn 25km. Đặc biệt, việc thông cầu Bạch Đằng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch giữa hai tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng.
Việc sớm đưa vào khai thác tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long cũng góp phần giảm lưu lượng xe trên quốc lộ 10 và quốc lộ 18A. Để nhập vào cao tốc Hạ Long – Hải Phòng từ Quảng Ninh có 3 nút giao: tại khu vực xã Tiền Phong, xã Tân An, thị xã Quảng Yên; nút giao Minh Khai, phường Đại Yên thành phố Hạ Long, giao cắt quốc lộ 18. Còn tại Hải Phòng, nhập làn vào cao tốc Hạ Long - Hải phòng tại khu vực gần cảng Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Ông Đặng Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho hay, vào 9h sáng 1/9, đơn vị sẽ tổ chức buổi lễ khánh thành thông xe cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Hiện tại, các đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục phụ trợ trên tuyến cao tốc và cầu Bạch Đằng bao gồm: sơn kẻ vạch, lắp đặt lan can cầu, thảm cầu, đường dẫn và trạm thu phí…
Theo ông Hùng, tuyến cao tốc và cầu Bạch Đằng khi đi vào thông xe có ý nghĩa quan trọng và góp phần kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); phát triển du lịch hai tỉnh Hải Phòng Quảng Ninh.
Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Hạ Long- Hải Phòng không mất phí. Tuy nhiên, do được đầu tư theo hình thức BOT, nên phương tiện qua cầu Bạch Đằng sẽ phả trả phí. Trạm thu phí cầu Bạch Đằng sẽ đặt ở ở lý trình Km20+660, gồm 8 làn xe, trong đó có 2 làn sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, 4 làn ở giữa tiếp theo sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng kết hợp với một dừng và 2 làn thu phí ngoài cùng sử dụng công nghệ thu phí một dừng
Ông Văn Thành Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bạch Đằng cho biết, hiện tại, đơn vị vẫn đang chờ cơ quan chức năng chốt mức phí qua cầu Bạch Đằng. Tuy nhiên, mức thu phí mà đơn vị đề xuất thấp nhất là 25.000 đồng (đối với ô tô con và ô tô dưới 7 chỗ); cao nhất 180.000 đồng (đối với xe container).