Để hoàn thành đúng tiến độ, hàng trăm công nhân thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) luôn phải căng mình làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt để hàn 1,5 triệu chiếc đinh lên mặt cầu Thăng Long.
Video: Sửa chữa cầu Thăng Long.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 269 tỷ đồng. Trong lần đại tu thứ ba này, cầu Thăng Long được bóc sạch lớp bê tông, lớp keo dính hiện hữu để phủ lại bề mặt bằng công nghệ mới.
Toàn cảnh dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Sau hơn một tháng cào bóc và vệ sinh bề mặt cầu Thăng Long, nhà thầu bắt đầu thực hiện kế hoạch hàn 1,5 triệu chiếc đinh neo lên bề mặt cầu Thăng Long.
Mỗi chiếc đinh neo có chiều cao 5 cm, là sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là bước can thiệp đầu tiên lên kết cấu thép đã gần 40 năm tuổi.
Ông Trương Tiến, Chỉ huy phó công trường sửa cầu Thăng Long cho biết: "Hiện tại công tác bóc mặt cầu đã xong và đang tiến hành thực hiện công đoạn bắn đinh và rải thép tất cả các vị trí đã được đánh dấu. Dự kiến công tác hàn đinh neo sẽ diễn ra trong khoảng 2 tháng".
Những hôm trời nắng gắt, nhiệt độ trên bề mặt cầu lên tới 40 độ C, khiến công nhân phải căng mình làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt và đầy bụi bặm…
Nhiều công nhân làm việc tại đây chia sẻ: "Do thường xuyên làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt nên chúng tôi phải chế thêm những "lá chắn" làm từ bìa các tông để chống chọi lại với ánh nắng mặt trời".
Tại những vị trí thi công có chất lượng không khí độc hại, công nhân phải đeo thêm mặt nạ và khẩu trang chuyên dụng.
Giải pháp sử dụng đinh neo để liên kết bản thép với lớp bê tông phía trên được hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để tình trạng hư hỏng mặt cầu Thăng Long.
Hiện nhóm chuyên gia của Đại học Giao thông Vận tải đã chuyển giao toàn bộ công nghệ cho đơn vị thi công.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư sẽ thực hiện gia cường mặt cầu thép hiện tại, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép. Sau đó đổ lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén, chịu kéo cao, chiều dày tối thiểu 6cm. Tiếp theo sẽ thảm lớp bê tông nhựa polymer phía trên theo công nghệ mới.
Các kỹ sư, tư vấn giám sát… của dự án đang kiểm tra độ bền của đinh neo sau khi hàn.
Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long hơn 269 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.
Do phải thi công trong thời tiết khắc nghiệt và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện tại kế hoạch hàn đinh neo đã chậm hơn 5 ngày so với dự kiến. Tuy nhiên, nhà thầu khẳng định tiến độ chung của dự án vẫn được đảm bảo.
Việc người công nhân phải căng mình thi công liên tục trong thời tiết khắc nghiệt đã khiến những phút giây nghỉ ngơi trở nên "quý như vàng".
Sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt những người công nhân.
Theo tìm hiểu, hầu hết công nhân làm việc tại đây đều chung nhận định, dự án sửa chữa cầu Thăng Long là một trong những công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng của TP. Hà Nội và được người dân quan tâm. Do đó, dù phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nhưng những người công nhân vẫn luôn cố gắng, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ công việc được giao.
Hình ảnh giây phút nghỉ ngơi "quý như vàng" của các công nhân sau khi hàn đinh neo dưới thời tiết khắc nghiệt trên bề mặt cầu Thăng Long.
Ông Lê Văn Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ: "Tôi cùng mấy anh em ở quê ra Hà Nội làm việc được khoảng gần 3 năm và cũng từng làm nhiều dự án. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên được thi công một dự án trọng điểm của TP. Hà Nội, ứng dụng nhiều công nghệ mới, đòi hỏi tiến độ thi công khắt khe… nên chúng tôi cũng rất áp lực trong lúc làm việc. Anh em đành phải động viên nhau, quyết tâm về đích đúng thời hạn để người dân thuận tiện trong đi lại".
"Màu áo xanh” công nhân luôn thấm đẫm mồ hôi.
Công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long được đánh giá là cấp bách bởi tuyến cầu cạn vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long đang hoàn thiện và dự kiến khánh thành trong năm nay.