Đường xuyên rừng ngập mặn nối cảng lớn nhất Đồng Nai
Con đường 1.000 tỷ đồng xuyên qua rừng ngập mặn nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với cảng Phước An đã dần thành hình.
Đường 319 - cảng Phước An dài 5,8 km sau 2 năm xây dựng đã cơ bản hoàn tất, chủ đầu tư đã cho thảm nhựa chuẩn bị đưa vào khai thác. Đường băng qua rừng ngập mặn xanh ngát thuộc địa phận xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.
Để thực hiện tuyến đường, UBND tỉnh Đồng Nai phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất 35 ha rừng ngập mặn để giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Điểm đầu của tuyến là điểm giao nhau với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch và đến cổng cảng Phước An. So với hơn một năm trước, khu vực này đã thành hình, cầu vượt và nút giao đang hoàn thành.
Trước đó, từ nút giao này đến đường Hùng Vương đã được nhà nước đầu tư 4 năm trước, nay tiếp tục đầu tư mở rộng.
Dự án do liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Hải An làm chủ đầu tư với 1.000 tỷ đồng, theo hình thức BOT.
Vị trí đặt trạm thu phí cách nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành chừng một km.
Công nhân tập trung hoàn tất con lươn khu vực Trạm thu phí BOT. Dự kiến tuyến đường sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2024 và thu phí đầu năm 2025.
Cầu Tắc Nhã Phương là hạng mục thi công quan trọng nhất của dự án với kinh phí gần 400 tỷ đồng. Cầu dài 682 m rộng 12,85 m là cầu duy nhất trên toàn tuyến.
Vỉa hè và lan can cầu đã được lắp đặt hoàn thành chờ ngày thông xe.
Trong khi đó một số khu vực thiết kế cống trên tuyến cũng được công nhân lắp đặt hàng rào bảo vệ. "Do mấy nay trời mưa nhiều nên công nhân tranh thủ lúc nắng ra công trình hoàn tất các gói thầu theo đúng kế hoạch", anh Nam, một công nhân nói.
Dự án có thiết kế hai làn xe, rộng 19 m theo quy mô đường phố chính đô thị, vận tốc thiết kế 80 km/h, giai đoạn hoàn thiện nâng lên 4 làn xe.
Các công nhân đang lắp đặt các trạm đèn đường.
Dự kiến cảng Phước An sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 9 tới. Đây là cảng biển lớn nhất Đồng Nai với quy mô gần 800 ha, tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, cảng có khả năng khai thác đồng thời hàng container và hàng tổng hợp, đáp ứng cho tàu có tải trọng từ 30-60.000 DWT. Với quy mô, năng lực khai thác 2,2 triệu TEUs (1 TEUs tương đương container 20 feet) và 4 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Khu vực đường qua cảng Phước An đang được thảm nhựa.
Do nền đất ở rừng ngập mặn yếu, đơn vị thi công phải gia cố bằng taluy bêtông chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn khi xe đi qua.
Khi cầu Phước An (bìa trái) nối Bà Rịa - Vũng Tàu được thi công, việc kết nối giao thông giữa cầu Phước An và cảng Phước An sẽ theo phương án bố trí quay đầu dưới gầm cầu Tắc Nhã Phương với bán kính quay 30 m, vận tốc thiết kế 30 km/h.
Hướng tuyến đường 319 nối cảng Phước An. Đồ họa: Khánh Hoàng
TPHCM và các địa phương triển khai dự án thống nhất kiến nghị Thủ tướng giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TPHCM.
Nguồn: [Link nguồn]