Đường Vườn Lài, TP.HCM là tuyến đường nguy hiểm nhất với 6 ca tử vong/km
Khi phân tích thông tin của TP.HCM giai đoạn 2020-2022, một đơn vị nghiên cứu ở TP.HCM đã phát hiện đường Vườn Lài, quận 12 trở thành tuyến đường nguy hiểm nhất với 6 vụ tử vong trên mỗi km.
Sáng 9-5, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM phối hợp với Tổ chức Vital Strategies, đối tác của Quỹ Bloomberg Philanthropies tổ chức Hội nghị công bố báo cáo phân tích dữ liệu về ATGT ở TP.HCM và kỹ thuật phân tích số liệu thành các giải pháp ATGT.
Đáng chú ý, tại hội nghị các chuyên gia rất quan tâm đến khu vực đường Vườn Lài, quận 12 với 6 ca tử vong/km.
Đường Vườn Lài đứng top đầu trong 20 tuyến đường có tỉ lệ tử vong cao nhất
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Nhật Minh, Đại học GTVT phân hiệu TP.HCM, đánh giá hiện các vụ tai nạn giao thông (TNGT) thường xảy ra nhiều nhất vào khung giờ tối, cuối tuần. Trong đó, nạn nhân là nam giới chiếm tới 80%, nữ giới 20%.
Đường Vườn Lài đứng top đầu trong 20 tuyến đường có tỉ lệ tử vong cao nhất.
Các điểm đen giao thông như Giao lộ An Sương, cầu vượt Tân Thới Hiệp, Ngã ba Mỹ Thành, nút giao Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống, gần chùa An Hòa...
Bên cạnh các điểm đen TNGT, đại diện Đại học GTVT phân hiệu TP.HCM còn đưa ra top 20 tuyến đường có tỉ lệ tử vong cao nhất. Các tuyến đường này được xác định thông qua độ rủi ro cao dựa trên số ca tử vong /mỗi km. Trong đó, tuyến đường nguy hiểm nhất với 6 ca tử vong/km là đường Vườn Lài, quận 12.
"Tại sao đường Vườn Lài chỉ dài 1,6 km nhưng có tới 10 người chết, như vậy số tử vong/km là 6 ca. Chúng tôi cũng so sánh các tuyến đường khác như quốc lộ 1A dài 48 km, với 134 số người chết, trung bình số ca tử vong/km là 3 ca. Đây là một thực trạng diễn ra khá phổ biến cần đánh giá và đưa ra phương án giải quyết" - ông Minh thông tin.
Giải pháp nào để xóa điểm đen TNGT, đường nguy hiểm
Trước thực trạng trên, ông Minh đề xuất một số giải pháp giảm thiểu TNGT. Cụ thể, ưu tiên giải quyết các điểm đen và tuyến đường nguy hiểm; xây dựng cơ sở hạ tầng cho người đi bộ đầy đủ, dễ tiếp cận an toàn; phát triển các lựa chọn giao thông công cộng an toàn, tin cậy; ưu tiên an toàn cho người điều khiển xe máy thông qua các biện pháp giảm tốc độ.
Đối với đường Vườn Lài, TP.HCM có thể tập trung đưa ra các giải pháp về các điểm, các tuyến đường có nguy cơ cao nhất. Đồng thời tiến hành điều tra bổ sung các tình huống dẫn đến va chạm, hạ tầng giao thông hiện hữu ra sao... Từ đó bắt đầu xử lý các địa điểm này bằng cải thiện cơ sở hạ tầng an toàn giao thông.
TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, cho hay qua đánh giá tác động giao thông, TP.HCM có thể nghiên cứu, đề xuất sáng kiến nâng cao ATGT. Từ đó, làm cơ sở tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, sự phối hợp cơ quan chức năng.
"Chấp hành và đảm bảo ATGT xuất phát từ ý thức của mỗi người, sẽ có những nhóm lỗi để chứng minh xử lý nguyên nhân này... Đây là điều rất cần thiết để giảm TNGT" - ông Lợi thông tin.
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM phát biểu.
Ông Mirick Paala, Cố vấn kỹ thuật cấp cao - Vital nhấn mạnh cần truyền thông các vị trí tai nạn, các điểm đen TNGT ở khu vực trường học nhằm đảm bảo ATGT cho trẻ em, học sinh và cha mẹ là điều vô cùng quan trọng.
Chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh giao thông Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT TP.HCM (PC08), cho biết chính quyền, đơn vị quản lý thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa điểm đen TNGT, bao gồm các giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng để giảm thiểu TNGT người tham gia giao thông cần chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh giao thông. |
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tính đến đầu năm 2023, toàn TP HCM còn 9 điểm đen tai nạn giao thông.
Nguồn: [Link nguồn]