Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù

Tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm chiều nay, 7/1, bị cáo Dương Tự Trọng bị đề nghị từ 18 đến 20 năm tù giam, mức án cao nhất của khung hình phạt.

17h15, HĐXX tạm nghỉ. Đúng 7h30 phút ngày mai, 8/1, Tòa tiếp tục làm việc với phần tranh tụng.

Luật sư bào chữa

Sau phần kết luận của kiểm sát viên, các luật sư bắt đầu bào chữa cho các bị cáo.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng) đề nghị Hội đồng xét xử xem xét yếu tố định khung (khoản 3) của tội danh, thể hiện trong cáo trạng.

Hơn nữa, nếu kết luận việc các bị cáo liên quan đến một vụ án đặc biệt nghiêm trọng (vụ tiêu cực tại Vinalines) đều là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì chưa thỏa đáng.

Cũng theo luật sư Hưng, việc chỉ dẫn một người qua khỏi biên giới rồi vòng đi vòng về… là đặc biệt nghiêm trọng, thì thiếu căn cứ. “Nếu không làm rõ được tính chất, mức độ của vụ án cũng như vai trò của từng bị cáo thì nên trả hồ sơ” – luật sư Hưng đề xuất.

Trước đó, luật sư Nguyễn Việt Hùng (bào chữa cho bị cáo Vũ Tiến Sơn) mở màn cho phiên tranh luận.

Theo đó, luật sư phân tích, việc dùng sim rác hay thay đổi nhiều điện thoại, phương tiện… là thủ đoạn tinh vi là chưa thỏa đáng. Việc các bị cáo phạm tội, khi “có việc” đều có thể sử dụng các phương án như các bị cáo trong vụ án. Hơn nữa, một người dùng hơn một chiếc điện thoại cũng là điều bình thường, do đó, khi cáo trạng cáo buộc như vậy không thuyết phục.

Cũng theo luật sư, các bị cáo đều biết Dương Chí Dũng là anh trai Dương Tự Trọng, và ông Trọng là cấp trên của mình, tuy nhiên, không thể biết rõ việc ông Dũng đang phạm tội, phạm tội như nào. Do đó, không thể coi một người tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài là đặc biệt nghiêm trọng khi chưa biết họ phạm tội ở mức độ nào.

Theo luật sư Hùng, đây chỉ là vụ án đồng phạm, trong đó, bị cáo Sơn là người thực hành. Bị cáo là người tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài, nhưng chỉ là một người, không vụ lợi và không ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như công tác quản lý của Nhà nước, do vậy, không thể quy kết đây là vụ án có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đề nghị mức án

Đại diện Viện Kiểm sát kết luận:

1. Dương Tự Trọng: Trong quá trình xét xử, bị cáo Trọng tỏ thái độ ngoan cố, thể hiện ý thức coi thường bất chấp pháp luật của bị cáo. Đề nghị 18 đến 20 năm tù.

2. Vũ Tiến Sơn: Khai báo thành khẩn, dù được xem xét trách nhiệm nhẹ hơn bị cáo Trọng, nhưng nặng hơn các bị cáo khác. Đề nghị 17 đến 18 năm tù.

3. Hoàng Văn Thắng: 6-7 năm tù

4. Đồng Xuân Phong: 6-7 năm tù

5. Trần Văn Dũng: 6-7 năm tù

6. Nguyễn Trọng Ánh: 6 - 7 năm tù.

7. Phạm Minh Tuấn: Bị đề nghị 5 - 6 năm tù.

15h40 phút, Hội đồng xét xử yêu cầu tất cả bị cáo đứng dậy, và kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Vị đại diện cơ quan công tố đang kết luận vụ án đối với 7 bị cáo.

Về căn bản, cơ quan truy tố cho rằng, các bị cáo đã thành khẩn khai báo. Lời khai các bị cáo phù hợp với nhau. Riêng Dương Tự Trọng không thành khẩn khai báo.

Thẩm vấn

15h17 phút, các luật sư bắt đầu phần thẩm vấn. Trả lời luật sư về "ý thức trốn đi nước ngoài có từ bao giờ?", bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, "từ khi được mật báo sẽ khởi tố vụ án, bắt tạm giam và được dặn "lánh đi", cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam mới nghĩ đến xuất ngoại.

Tại tòa, bị cáo Dương Chí Dũng khai: Một cán bộ công an đã báo cho Dũng biết có lệnh khởi tố và Dũng sẽ bị bắt tạm giam, Dũng đã đưa hối lộ cho một công an. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, các cơ quan tố tụng sẽ mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trả lời câu hỏi của Viện Kiểm sát về vai trò của mình trong vụ án, bị cáo Sơn phủ nhận vị trí cầm đầu, chủ mưu. "Bị cáo chỉ là người thực hành trong vụ án" - Vũ Tiến Sơn nói. 

Trước đó, HĐXX chuyển hướng thẩm vấn sang bị cáo Vũ Tiến Sơn và Dương Tự Trọng nhằm làm rõ hành vi "gọi điện báo cho Dương Chí Dũng bỏ trốn". Như lời khai buổi sáng, bị cáo Sơn vẫn cho rằng, chính ông Trọng đã nói với mình một quan chức thông báo sẽ khởi tố và bắt giam Dương Chí Dũng. Về phần mình, ông Trọng tiếp tục "không nhớ" và không nói gì thêm về nội dung này. 

14h33 phút, Hội đồng xét xử nhường phần xét hỏi cho Viện Kiểm sát Nhân dân. Vị đại diện cơ quan công tố tiếp tục thẩm vấn Dương Chí Dũng. Cơ quan công tố tiếp tục hỏi rõ các khoản tiền biếu khi ông Dũng lo "chạy án".

Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù - 1

Đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi Dương Chí Dũng. Ảnh: Bảo Thắng.

Vẻ mặt Dương Tự Trọng dần biến sắc khi nghe anh trai khai nhận trước tòa. Bị cáo Dương Tự Trọng tỏ ra rất căng thẳng khi Dương Chí Dũng nói về quá trình gặp gỡ và nhờ vả các mối quan hệ nhờ "lo việc" cho mình.

Dương Chí Dũng có lời xin giảm án cho các bị cáo trong vụ án. "Họ đều là anh em tốt. Vì nể nang mà giúp đỡ tôi. Kính mong Hội đồng xét xử xem xét" - ông Dũng nói trước tòa.

Ông Dũng khai, thoạt đầu, kế hoạch bỏ trốn sẽ bắt đầu từ hành trình Quảng Ninh - Trung Quốc, nhưng do tự cho là "biết chút tử vi" nên khi xem xét, thấy việc xuất hành sang Trung Quốc sẽ bất lợi, do vậy, kế hoạch chạy trốn được đổi sang Campuchia.

Cũng theo ông Dũng, trong quá trình bị tạm giam, ông này đã viết nhiều đơn gửi các vị lãnh đạo cấp cao để kêu oan. "Tôi thừa nhận hành vi cố ý làm trái, nhưng tội Tham ô thì tôi không đồng ý. Nếu cứ ép tôi thì tôi phải chịu", bị cáo Dương Chí Dũng nói.

Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù - 2

 Dương Tự Trọng căng thẳng khi nghe anh trai khai nhận trước tòa.

Đầu phiên làm việc buổi chiều, bị cáo Dương Chí Dũng khai nhận, mang 500.000 USD biếu một quan chức cấp cao, nhờ người này "lo việc" cho mình. Theo ông Dũng, người đã nhận 500.000 USD cũng là người đã báo tin ông sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam.

13h30 hôm nay, phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tiếp tục làm việc.

Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù - 3

Dương Chí Dũng tại tòa. Ảnh: Bắc Hà.

HĐXX chuyển sang thẩm vấn "nhân vật chính" Dương Tự Trọng. Bị cáo này bỗng dưng công bố thông tin "gần đây trí nhớ không được tốt". "Ai là người đã thông báo việc Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố?" - chủ tọa truy vấn. "Dạ, bị cáo xin giữ quan điểm như lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra. Gần đây, trí nhớ bi cáo không được tốt nên bị cáo không nhớ gì nữa".

"Vậy còn lời khai của Vũ Tiến Sơn. Bị cáo có thừa nhận không?" - chủ tọa tiếp. "Bị cáo không thừa nhận cũng không phủ nhận lời khai này" - ông Trọng đáp.

Trong lần thẩm vấn tiếp theo, ông Trọng tiếp tục giữ quan điểm: "Không nhớ gì" hay "không có ý kiến gì" khi HĐXX hỏi về những nội dung liên quan đến vụ án.

Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù - 4

Dương Tự Trọng và 6 bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN.

HĐXX chuyển sang thẩm vấn Vũ Tiến Sơn (cựu Phó Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội - Công an Hải Phòng). Bị cáo Sơn thừa nhận được Dương Tự Trọng nhờ đưa Dương Chí Dũng vào TP. Hồ Chí Minh và qua biên giới Campuchia.

Giải thích vì sao phải dùng nhiều điện thoại, bị cáo Sơn cho rằng, đi đường xa xôi, không có điện xạc pin, và một người dùng 2 đến 3 chiếc điện thoại là "hoàn toàn bình thường".

Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù - 5

Bị cáo Vũ Tiến Sơn.

Với câu hỏi tương tự như Đồng Xuân Phong :"Ai là người chỉ đạo đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn?", nhưng bị cáo Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn), quanh co, không đưa ra đáp án.

Trong phần xét hỏi của mình, bị cáo Đồng Xuân Phong (SN 1974, ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng), thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Trả lời câu hỏi: "Theo bị cáo, ai là người chỉ đạo mình phạm tội?". "Dạ, là do anh Sơn (Vũ Tiến Sơn - PV) ạ" - bị cáo Phong đáp.

Tiếp tục làm rõ hành vi "đưa Dương Chí Dũng qua đường tiểu ngạch", vị chủ tọa yêu cầu bị cáo Phong làm rõ lý do của hành vi này. Tuy nhiên, Phong cãi cự: "Bị cáo không rõ, chỉ thấy bảo cứ đi qua đường tiểu ngạch rồi về nói chuyện sau". "Vậy đi qua đường tiểu ngạch là hợp pháp hay bất hợp pháp?" - chủ tọa tiếp tục truy vấn. "Dạ, chắc là bất hợp pháp" - bị cáo Phong thản nhiên đáp.

Công tố viên đã đọc xong cáo trạng truy tố. HĐXX bắt đầu thẩm vấn các bị cáo. Bị cáo Hoàng Văn Thắng (cựu cán bộ Công an Hải Phòng) được gọi lên xét hỏi đầu tiên. Tiếp đó, đến lượt bị cáo Phạm Minh Tuấn (SN 1961, Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, TP Hải Phòng). Về cơ bản, các bị cáo Thắng và Tuấn thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù - 6

 Dương Tự Trọng tại tòa.

HĐXX lần lượt gọi tiếp các bị cáo Đồng Xuân Phong, Nguyễn Trọng Ánh lên xét hỏi. Ánh thừa nhận đưa ông Dũng đi trốn nhưng vì nể nang Dương Tự Trọng, khi đó là Phó giám đốc, cấp trên của mình, sếp giao việc thì phải làm...

Ông Dương Chí Dũng bị triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đầu giờ sáng, ông Dũng đã được cảnh sát áp giải đến tòa, trong chiếc áo khoác màu xanh nhạt giống chiếc áo ông này mặc tại phiên sơ thẩm vụ tham ô, cố ý làm trái tại Vinalines vừa qua.

Sau khi kiểm tra căn cước, Dương Chí Dũng được HĐXX bố trí cho ngồi ở hàng ghế phía sau, cách các bị cáo hai hàng ghế, chờ HĐXX gọi thẩm vấn.

Sau thủ tục kiểm tra căn cước của thư ký phiên tòa, HĐXX bắt đầu làm việc. Mở đầu, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa công bố bản cáo trạng truy tố 7 bị cáo cùng tội danh: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù - 7

Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng.

Theo cáo buộc của Viện KSND Tối cao (ủy quyền truy tố cho Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên sơ thẩm), chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng (khi đó đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) hay tin mình bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm liên quan đến Vinalines, lập tức thông báo cho em trai Dương Tự Trọng (thời kỳ đó đang là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng).

Ngay sau đó, bị cáo Trọng triệu tập nhóm anh em, thuộc cấp thân tín gồm Vũ Tiến Sơn (khi đó là Phó phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (Công an Hải Phòng) đến phòng làm việc thông báo tình hình, nghiên cứu phương án đưa Dương Chí Dũng xuất ngoại. Để tránh bị phát hiện, ông Trọng ủy quyền cho Vũ Tiến Sơn đứng ra xử lý mọi việc, từ liên lạc, tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các đồng phạm.

Theo kế hoạch, trưa 19/5/2012, nhóm Sơn gặp nhau và thống nhất tìm mọi cách để Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch khu vực cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, sau đó sẽ sang Mỹ. Quá trình di chuyển, các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm, phương tiện, sim điện thoại... để tránh sự truy lùng của CQĐT.

Dương Tự Trọng bị đề nghị đến 20 năm tù - 8

Dương Chí Dũng bị triệu tập đến tòa với vai trò người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Ảnh: Bảo Thắng

Sau khi nhập cảnh trót lọt vào Campuchia, trưa 23/5/2012, các đệ tử của Dương Tự Trọng đặt phòng cho Dương Chí Dũng tại một khách sạn sang trọng để hôm sau bay qua Singapore, rồi nhập cảnh vào Mỹ.

Tuy nhiên, do không được nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5/2012, ông Dũng buộc quay lại Campuchia. Trước tình thế đó, bị cáo Trọng tiếp tục triệu tập Vũ Tiến Sơn yêu cầu bố trí chỗ để Dương Chí Dũng ăn ở an toàn. Trước khi chia tay Sơn, ông Trọng gửi 30.000 USD cho anh trai.

Nhiều lần chuyển địa điểm, dùng nhiều biện pháp tinh vi lẩn trốn cơ quan chức năng, đến ngày 4/9/2012 ông Dũng đã bị bắt tại Campuchia, kết thúc hành trình trốn chạy.

Đúng 8h hôm nay, TAND TP Hà Nội mở tòa xét xử theo trình tự sơ thẩm đối với cựu đại tá Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, cùng 6 đồng phạm về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Theo cáo buộc, Dương Tự Trọng là người chủ mưu, chỉ đạo và giao cho các đối tượng khác tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn.

Như phiên xử Dương Chí Dũng hồi giữa tháng 12/2013, lần này an ninh khu vực xét xử tiếp tục được thắt chặt.

Có khá đông phóng viên của các cơ quan thông tấn đã đến tòa từ sớm để theo dõi phiên xử.

Lãnh đạo TAND TP Hà Nội đã bố trí một khu riêng biệt cho báo giới tác nghiệp, có sức chứa trên 50 người. Tất cả phóng viên đều phải theo dõi qua màn hình lớn. Trước đó, các phóng viên này phải làm thủ tục theo quy định và được cấp thẻ theo dõi diễn biến phiên xử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thắng (Tiền Phong)
Vụ án Dương Chí Dũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN