Đường trên cao thông nhưng tắc ở 2 đầu: Hà Nội họp khẩn tìm cách tháo gỡ

Sự kiện: Tin nóng

Sau 1 ngày đường Vành đai 2 trên cao thông xe và xảy ra ùn tắc kéo dài ở hai đầu, sáng qua, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam (VIBRA) ghi nhận thực tế và có ý kiến về việc này. Cùng ngày, liên ngành Hà Nội họp bàn biện pháp tháo gỡ.

Nút giao Ngã Tư Sở ùn tắc ngày 10/11 sau thông xe

Nút giao Ngã Tư Sở ùn tắc ngày 10/11 sau thông xe

Cần thiết kế lại nút giao

Sáng 10/11, PGS. TS Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch VIBRA, tới khảo sát và tham gia giao thông tại đường Vành đai 2 và nút giao ở hai đầu đường. Ông Tâm đánh giá, việc thông xe đường trên cao Vành đai 2 đã giúp đường Trường Chinh thông thoáng.

“Có đến hơn 70% phương tiện ô tô lưu thông theo hướng Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở và ngược lại sáng 10/11 đã đi lên đường trên cao để di chuyển. Thậm chí, nhiều xe chỉ có lịch trình đi từ Ngã Tư Vọng đến nút giao Tôn Thất Tùng nhưng cũng đi lên đường trên cao về Ngã Tư Sở, sau đó mới quay đầu lại nút giao này”, ông nói.

Từ thực tế trên, ông Tâm đánh giá, lượng xe đi lên đường trên cao đông, cộng với việc lưu thông không bị điều tiết bởi đèn tín hiệu như đường Trường Chinh trước đó đã khiến lượng xe đổ về 2 nút tăng đột biến, khiến các nút giao này trong 2 ngày qua trở nên quá tải, ùn tắc.

Một nguyên nhân nữa được ông Tâm chỉ ra là lượng xe từ đường Vành đai 2 đổ xuống nhiều sau đó xung đột trực tiếp với lượng xe tại nút giao dẫn đến ùn tắc. Theo ông, thực trạng này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu thiết kế đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở và có “ram” (điểm lên xuống) về phía đường Láng, thay vì đường Trường Chinh như hiện nay.

Theo ông Tâm, để tình trạng ùn tắc không thêm trầm trọng và phát huy được hiệu quả đầu tư của dự án, cơ quan có trách nhiệm cần phải thiết kế lại điểm “tiếp đất” của đường trên cao Vành đai 2. Hướng mà lãnh đạo VIBRA đưa ra là, kéo dài thêm một đoạn đường trên cao theo phương án cầu vượt liên thông vượt nút Ngã Tư Sở. Sau đó xây dựng 3 đường nhánh “ram” theo hình hoa thị tiếp cận đường Láng, Tây Sơn, Nguyễn Trãi.

Nắn dòng phương tiện, chỉnh pha đèn đỏ

Thông tin với PV Tiền Phong về thiết kế dự án đường Vành đai 2 chỉ tiếp cận nút giao Ngã Tư Sở, không vượt sang đường Láng để giảm xung đột giao thông, đại diện đơn vị thực hiện dự án của Tập đoàn Vingroup cho biết, do nhà đầu tư chỉ nhận được hồ sơ, chỉ giới dự án đến đó nên thực hiện như ở thực tế hiện trường. Đề cập việc giải quyết ùn tắc cũng như có điều chỉnh thiết kế để dự án phát huy tốt hơn hiệu quả đầu tư, đại diện đơn vị thực hiện dự án cho biết, việc này phải do các cơ quan có trách nhiệm như Sở GTVT và đại diện chủ đầu tư (BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - Ban Giao thông) có ý kiến và quyết định.

Chiều 10/11, Sở GTVT Hà Nội tổ chức cuộc họp với các đơn vị có liên quan gồm Công an thành phố Hà Nội, Ban Giao thông và nhà đầu tư. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát phương án thi công, tổ chức giao thông và có giải pháp hiệu quả cho thực trạng trên. Đại diện Phòng CSGT Hà Nội thống nhất sẽ cử lực lượng túc trực thường xuyên để điều tiết, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm.

“Cùng với đó, Đội Trung tâm đèn sẽ cử lực lượng giám sát, tính toán lưu lượng phương tiện từ các ngã đường dẫn đến nút giao Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng để có sự điều chỉnh thời gian phương tiện chờ đèn đỏ cho hợp lý”, đại diện Phòng CSGT Hà Nội thông tin.

Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, thời gian phương tiện từ đường Trường Chinh - Vành đai 2 chờ đèn đỏ để đi sang đường Láng, Nguyễn Trãi là 70 giây. Ông Cường cho rằng, CSGT cần phải tính toán lại theo hướng ưu tiên hơn cho dòng phương tiện từ đường Vành đai 2 qua nút. Với nhà đầu tư, ông Cường đề nghị, phạm vi dự án tại nút Ngã Tư Vọng cần phải thu hẹp lại ở phía Đại La - Minh Khai để ưu tiên cho các dòng phương tiện từ đường trên cao xuống nút giao.

Thông tin với PV Tiền Phong về các giải pháp thiết kế và thi công tiếp tại 2 nút giao, cả đại diện Sở GTVT và Ban Giao thông Hà Nội cho biết, với nút Ngã Tư Vọng, sau khi giải phóng, mở rộng mặt bằng đường Đại La - Minh Khai bên dưới, nhà đầu tư tiếp tục làm đường trên cao theo đoạn Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy, sau khi hoàn thành, lượng phương tiện từ đường trên cao đổ xuống nút sẽ giảm.

Nguồn: [Link nguồn]

Dòng phương tiện ”bất lực” trong ngày đầu thông xe đường vành đai 2 trên cao

Sau hơn 2 năm thi công (từ tháng 4/2018), phần đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở đã hoàn thành và chính thức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Trọng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN