Đường sắt Sài Gòn còn bao nhiêu vé tàu Tết 2017?
Đường sắt Sài Gòn vẫn còn một lượng lớn vé tàu Tết cho đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2017.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (bên phải) đang khảo sát tình hình thực tế tại Ga Sài Gòn.
Liên quan tới công tác chạy tàu và bán vé tàu Tết 2017, chiều 28.12, Thử trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn. Tại buổi họp, đại diện Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn cho biết, công tác bán vé tàu Tết 2017 đã triển khai từ tháng 10 và chuẩn bị bước vào giai đoạn chạy tàu.
Theo báo cáo của các bên liên quan, so với cùng kỳ năm trước, lượng hành khách tới ga Sài Gòn không đông bằng. Tuy nhiên, thực trạng này được đánh giá là một tín hiệu đáng mừng, do xu hướng hành khách mua vé trực tuyến đang tăng nhanh.
Ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn cho biết, chi nhánh đang quản lý 31 ga trải dài qua 6 tỉnh, thành từ ga Sài Gòn đến ga Tháp Chàm với chiều dài 319km đường sắt Thống Nhất, chưa tính đường nhánh Đà Lạt - Trại Mát (7km), Bình Thuận - Phan Thiết (10km).
Theo số liệu do ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cung cấp, Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn đang còn gần 12.000 vé vào thời gian cao điểm trước Tết Đinh Dậu 2017, chủ yếu từ ngày 22 tháng Chạp trở về trước; và khoảng 50.000 vé cho đợt cao điểm sau Tết, chủ yếu từ ngày 29 tháng Chạp trở ra.
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo Đường sắt Sài Gòn cần tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Bên cạnh đó, ông Đông đề nghị Đường sắt Sài Gòn phải xây dựng bộ phận quản lý xuyên suốt hạ tầng, không chỉ tại các ga mà còn cả các tuyến, các công trình.
Ngoài ra, ông Đông cũng đề nghị Đường sắt Sài Gòn tính toán lại việc cho các đơn vị khác thuê mặt bằng, bến bãi sao cho rạch ròi giữa các dịch vụ thương mại và dịch vụ thuộc dạng công ích.
“Phân khu kinh doanh dịch vụ sinh lợi cao, dịch vụ thương mại phải thu phí cao hơn, còn khu vực phục vụ giao thông vận tải, phục vụ việc đi lại của người dân là dịch vụ công ích thì phải khác. Ví dụ cửa hàng đặt ở trong nhà ga phải có giá khác phân khu phục vụ bán vé,... Đơn vị nào gửi hàng, lưu kho lâu cũng phải tính lệ phí cao hơn”, ông Đông nói.
Nhiều lãnh đạo của các đơn vị thành viên thuộc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ GTVT về tình hình quản lý, hoạt động tại các ga.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn đã nêu ra những bất cập, vướng mắc còn mắc phải. Một trong số đó là 65.000 mét vuông đất tại Ga Sài Gòn chưa có giấy tờ, quyết định pháp lý nào. Hiện, chỉ 11 ga ở khu vực Ninh Thuận là có sổ sách đầy đủ.
“Không có cơ sở pháp lý, chúng tôi muốn xây dựng gì trong ga cũng rất khó. Phức tạp nhất là khu vực Sóng Thần, chúng tôi phải liên tục đi xử lý các vụ khiếu kiện do đất ở đây không có ranh giới. Trước mắt ở Sóng Thần, cứ khu vực nào “sạch” thì sẽ cắm mốc trước, còn phần đất nào chưa “sạch” sẽ tiếp tục xử lý sau”, đại diện Công ty CP Đường sắt Sài Gòn nói.
Về doanh thu, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn dự kiến doanh thu năm 2016 giảm so với năm 2015. Đại diện Đường sắt Sài Gòn cho biết có 2 nguyên nhân chính khiến doanh thu tụt giảm, đó là sự cố sập cầu Ghềnh xảy ra hồi đầu tháng 3.2016 và tác động tiêu cực của tình hình thời tiết kéo dài 3 tháng cuối năm.