Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội kết nối mạng xe buýt thế nào?
Với hiện trạng hạ tầng xe buýt hiện nay chưa thật sự thuận tiện kết nối với các ga đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, nên cần bố trí lại.
Hà Nội đang xây dựng phương án kết nối mạng lưới xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khi đưa vào vận hành, khai thác trước đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dự kiến vào năm 2022.
Lùi thời gian khai thác đoạn trên cao
Theo kế hoạch dự kiến trước đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) sẽ đưa vào khai thác đoạn 8,5km đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án không kịp tiến độ như dự kiến và phải lùi mốc khai thác, vận hành sang năm 2022.
Mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy có 30 tuyến buýt đang hoạt động. Ảnh: Tạ Hải
Tháng 9/2021 vừa qua, dự án đã đưa toàn bộ 10 đoàn tàu sản xuất từ Pháp về dự án, trong đó 8 đoàn đang được thử nghiệm, hoàn thiện, lắp ráp 2 đoàn cuối để cuối tháng 12/2021 sẽ chạy thử liên tiếp.
Khi dự án đi vào vận hành chính thức, sẽ vận hành liên tục 8 đoàn tàu, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp.
“MRB đang làm việc với Cục Đăng kiểm VN để kiểm định các đoàn tàu theo quy định và cung cấp các hồ sơ cho Tư vấn ABC đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Nhổn - ga Hà Nội”, đơn vị quản lý dự án thông tin.
Lãnh đạo MRB cho biết, đang yêu cầu tư vấn rà soát kỹ các mốc tiến độ, đốc thúc thi công tối đa để lấy lại khối lượng công việc bị chậm trong thời gian giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19.
Trong 4 đợt dịch Covid-19 vừa qua, trung bình mỗi đợt có 2 tháng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tuyển dụng nhân sự, tiếp nhận, khai thác dự án) cho biết, tiến độ đào tạo nhân sự đang theo kế hoạch, phương án giá vé được xây dựng như với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đề cập những khó khăn, vướng mắc khiến dự án chậm tiến độ, MRB cho biết, tác động của dịch Covid-19 khiến việc huy động chuyên gia nước ngoài sang làm việc và việc sản xuất, nhập khẩu các thiết bị của dự án từ châu Âu bị ảnh hưởng.
Công tác giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài do vướng mắc về thủ tục, chưa có hướng dẫn về bồi thường đối với nhà dân bị ảnh hưởng do thi công tuyến hầm.
“Cùng đó, thủ tục giao vốn ODA, điều chỉnh dự án và các hiệp định vay, nghị định thư tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ cũng phức tạp, kéo dài do có nhiều khác biệt giữa quy định của Việt Nam và nhà tài trợ vốn.
Bình quân thời gian thực hiện cho thủ tục điều chỉnh một hiệp định vay từ 1 - 1,5 năm”, lãnh đạo MRB thông tin.
Điểm dừng xe buýt kết nối với nhà ga dưới 50m
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc), hiện mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy có 30 tuyến buýt đang hoạt động.
Trong đó, có 27 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá với nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình trong 1 ngày với khoảng 118 nghìn lượt hành khách.
Tuy nhiên, theo ông Phương, thiết kế kỹ thuật tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách. Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.360 hành khách/giờ/hướng.
Theo ông Phương, số lượng tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị số 3 hiện nay là khá lớn (30 tuyến chiếm 21,4% số lượng tuyến của toàn mạng lưới).
Tuy nhiên, phân bổ hoạt động của các tuyến buýt dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị số 3 không đều, tập trung chủ yếu tại các nhà ga trên trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy, trong khi các ga nằm trên trục QL32 (Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ) số lượng tuyến ít hơn, năng lực vận chuyển thấp hơn, không đa dạng về hướng kết nối.
“Với hiện trạng hạ tầng xe buýt hiện nay (điểm dừng xe buýt dọc tuyến) chưa thật sự thuận tiện kết nối với các ga đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, nên cần bố trí lại. Trong đó, phải bổ sung các điểm dừng, nhà chờ để đảm bảo thuận tiện để trung chuyển hành khách”, vị lãnh đạo này cho biết.
Ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để phục vụ liên thông giữa xe buýt với đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, Sở GTVT đang giao Tramoc hoàn thành phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 3.
“Nguyên tắc tổ chức xe buýt kết nối là bố trí các điểm dừng xe buýt hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến. Đảm bảo khoảng cách giữa điểm dừng xe buýt tới nhà ga không quá 200m, các vị trí điểm dừng cần bố trí đồng bộ với vạch sơn, nhà chờ và các thông tin kết nối tuyến để hỗ trợ hành khách chuyển tuyến”, lãnh đạo Sở GTVT yêu cầu.
Theo phương án dự thảo của Tramoc, sau khi thực hiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 3, số lượng tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 tăng lên 41 tuyến (tăng 11 tuyến).
Trong đó, điều chỉnh 3 tuyến (tuyến số 39, 96, CNG07); mở mới 8 tuyến.
Đánh giá của Tramoc, việc tổ chức phương án kết nối buýt với tuyến đường sắt số 3 giúp mức độ tiếp cận của người dân đối với VTHKCC được thuận tiện hơn.
“Tổ chức xe buýt kết nối tại các nhà ga thuận lợi đảm bảo cự ly trung chuyển giữa xe buýt và đoạn Nhổn - Cầu Giấy là ngắn nhất, với 7/8 nhà ga kết nối với điểm dừng xe buýt dưới 50m, 1/8 nhà ga kết nối cách 200m (ga Lê Đức Thọ)”, lãnh đạo Tramoc khẳng định.
Các tuyến buýt kết nối tại các ga đường sắt Nhổn - Cầu Giấy sau điều chỉnh: Ga Nhổn: 16 tuyến (Tuyến số: 20A, 32, 29, 20B, 49, 57, 92, 117, CNG06, CNG07, 70A, 70B, 70C, 121, 129, 147); Ga Minh Khai: 07 tuyến (Tuyến số: 32, 29, 57, 70A, 70B, 70C, 147); - Ga Phú Diễn: 08 tuyến (Tuyến số: 32, 29, 70A, 70B, 70C, 147, 149, 152); - Ga Cầu Diễn: 10 tuyến (Tuyến số: 32, 29, 05, 13,70A, 70B, 70C, 134, 147, 149, 152); - Ga Lê Đức Thọ: 09 tuyến (Tuyến số: 32, 13, 26, 49, 51,70A, 70B, 70C, 147); - Ga Đại học Quốc gia: 08 tuyến (Tuyến số: 32, 16, 26, 27, 34, 49, 51, 39); - Ga Chùa Hà: 11 tuyến (Tuyến số: 32, 07, 09B, 16, 26, 27, 28, 34, 49, 96, 155); Ga Cầu Giấy: 18 tuyến (Tuyến số: 32, 07, 09A, 09B, 24, 26, 27, 28, 34, 38, 49, 55A, 55B, 90, 105, CNG05, 155, 156). |
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi hoàn thành việc nhập các đoàn tàu về Việt Nam, chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa...