Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội: Đội giá, mịt mù ngày về đích

Sự kiện: Thời sự

Được thi công và vận hành theo công nghệ châu Âu, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khi hoàn thành được đánh giá sẽ nâng tầm vận tải công cộng Thủ đô. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, cũng giống như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, cũng đang mịt mù ngày về đích.

Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội: Đội giá, mịt mù ngày về đích - 1

Dự kiến hoàn thành từ quý III/2014 nhưng đến nay hạng mục trụ cầu và sàn đường ray vẫn đang ngổn ngang.

8 năm chưa xây xong đường ray

Dự kiến hoàn thành vào quý III/2014 nhưng đến nay, gói thầu hạng mục trụ cầu và đường ray trên cao (gói thầu CP1) do nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) đảm nhiệm vẫn thi công chưa xong. Ghi nhận trên công trường đường sắt Nhổn - ga Hà Nội trong ngày 4/4, chúng tôi thấy, suốt chiều dài 12,5km từ ga Hà Nội đến Nhổn mới chỉ có đoạn trụ cầu từ Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội đến Nhổn là được gác dầm chữ U (mặt bằng trên cao để lắp đường ray). Riêng đoạn từ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đến khách sạn Daewoo (khu vực tàu bắt đầu đi ngầm) các trụ xà mũ bê tông đã đổ xong nhưng đứng phơi nắng mưa. Theo tiến độ dự án, đây là một trong những hạng mục (gói thầu) phải hoàn thành đầu tiên để triển khai các gói tiếp theo, trong đó có lắp đường ray, thiết bị vận hành. Tuy nhiên sau lễ khởi công năm 2010 đến nay, đã qua 8 năm triển khai nhưng gói thầu này vẫn dở dang.

Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội: Đội giá, mịt mù ngày về đích - 2

Tương tự, gói thầu xây 8 ga trên cao do nhà thầu Posco (Hàn Quốc) đảm nhiệm mục tiêu hoàn thành quý IV/2016. Tuy nhiên thực tế công nhân vẫn đang thi công ngổn ngang. Tại nhiều công trường xây ga trên cao vẫn được quây rào kín mít. Hơn một năm nay, hàng rào công trường đường sắt Nhổn - ga Hà Nội nằm trên tuyến trục đường 32 đoạn Cầu Giấy - Nhổn đã được cơ bản dỡ bỏ. Những đoạn đi qua công trường nhà ga thì lô cốt vẫn chiếm hơn nửa lòng đường. Tại các nhà ga đoạn qua các khu vực: Trước ĐH Quốc gia, chùa Hà, Cầu Giấy… hàng rào tôn chiếm 1/2 lòng đường nhiều năm nay, gây ùn tắc giao thông. Anh Thành, giảng viên ĐH Thương mại cho biết, đã có một số vụ thanh sắt, vật liệu xây dựng từ công trường nhà ga rơi trúng phương tiện đi dưới đường, nhưng do công việc hàng ngày nên anh và nhiều người mặc dù lo sợ nhưng vẫn phải liều mình đi qua.

Với các gói thầu khác như: Xây lắp, kiến trúc đề pô (2 ga đầu cuối); Hầm và các ga ngầm; hạ tầng kỹ thuật; đường ray; hệ thống thiết bị, vé… khảo sát, chúng tôi thấy rằng, theo phê duyệt, các gói thầu này có tiến độ hoàn thành trong năm 2015, vậy nhưng đến nay vẫn chưa có gói thầu nào hoàn thành. Với gói thầu hầm và ga ngầm, theo tiến độ cũng phải hoàn thành từ cuối năm 2015 nhưng đến nay, hạng mục này mới dừng ở việc rào đường Kim Mã để tiến hành khoan.

Mới xong hơn 50% và đội giá 393 triệu Euro

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là dự án thí điểm. Tuyến đường sắt đi qua các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, dự án có chiều dài tuyến chính 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4,0km. Tuyến có 8 ga trên cao, 4 ga ngầm. Phương tiện vận tải: Đầu máy toa xe lựa chọn loại kích thước “trung bình”- Loại xe B (theo tiêu chuẩn Châu Âu) có chiều rộng từ 2,75- 3,00m; chiều dài đoàn tàu khoảng 80m (với đoàn tàu 4 toa), khoảng 100m (với đoàn tàu 5 toa). Đề pô: Tại các phường Minh Khai, Tây Tựu - quận Bắc Từ Liêm, diện tích 15,05 ha.

Đề cập tiến độ dự án, thông tin với PV Tiền Phong ngày hôm qua, ông Đỗ Việt Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện công trình đã thi công được hơn 50% khối lượng công việc. Cụ thể, gói thầu thi công được nhiều nhất là gói CP1 (xây đoạn tuyến trên cao): hoàn thành 80% khối lượng công việc; Gói CP5 (các công trình kiến trúc đề-pô): 48,6%; Gói CP4 (công trình hạ tầng kỹ thuật): đang chuẩn bị nghiệm thu; Với gói CP3 (làm hầm và ga ngầm): 0,7%...

Theo Quyết định phê duyệt ban đầu của thành phố Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Pháp). Đến nay dự án đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm với ba lần điều chỉnh tiến độ, gồm các mốc 2016, 2017 và 2018. Cùng với đó, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội với Thủ tướng Chính phủ, đến nay dự án cũng bị đội giá từ 783 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro (tương đương 32.900 tỷ đồng), tăng 393 triệu Euro (tương đương 14.502 tỷ đồng, tương đương 33,3% ).

Lý giải dự án bị đội giá thêm 393 triệu Euro, tương đương 14.502 tỷ đồng, lãnh đạo Ban MRB cho rằng, cùng với nhiều lần điều chỉnh kỹ thuật, việc lập dự toán chi tiết các gói thầu thời điểm này cũng bị ảnh hưởng do những biến động lớn về giá xây dựng trên địa bàn, làm tăng mức chi phí cần thiết để thực hiện và hoàn thành dự án.

Đánh giá về thực trạng dự án đến thời điểm này, đại diện MRB cho biết, cơ bản dự án không còn vướng mắc gì về mặt bằng. Hiện dự án đang được chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu triển khai, hoàn thành theo tiến độ đã điều chỉnh. Với phần kiến nghị, MRB cho rằng, hiện dự án đang tập trung làm hầm và các ga ngầm, vì vậy Sở Xây dựng Hà Nội cần đẩy nhanh việc bàn giao quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân bị di dời, với 8 hộ dân tại ga S9 còn lại ở quận Ba Đình cần thực hiện cưỡng chế sớm để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Chậm do GPMB, chưa quyết liệt đốc thúc

Các chuyên gia đô thị - đường sắt cho rằng, tuy được lập năm 2008 và năm 2009 dự án được triển khai với định mức giá thành được tính 783 triệu Euro là sát thực tế. Dự án được Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải - TEDI lập, sau đó Công ty tư vấn Systra (Pháp) thẩm định lại thì không thể nói là không sát và xảy ra biến động lớn được. Theo các chuyên gia, nếu chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ và đến năm 2015 hoàn thành như kế hoạch thì dự án sẽ không bị trượt giá, đội giá như trên. “Tuy nhiên, đến nay dự án đã bị chậm hơn 2 năm kéo theo đó là bao biến động, do vậy công trình không bị đội giá mới là lạ. Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về đơn vị quản lý dự án và chủ đầu tư”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định.

Là người từng nhiều năm công tác trên lĩnh vực đường sắt, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được xây dựng bằng công nghệ của Pháp - Quốc gia hàng đầu về phát triển đường sắt đô thị tại châu Âu, không có chuyện thi công chậm hoặc công nghệ lạc hậu. Thậm chí, dự án có tổng mức đầu tư và cả phần đội vốn lớn hơn cả dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhưng bên cấp vốn vẫn giải ngân theo các thỏa thuận đã cam kết và không cù nhầy. Cùng với đó, bên cấp vốn cũng lựa chọn được hai nhà thầu Quốc tế là Daelim và Posco thi công dự án thì không có chuyện yếu kém về năng lực. Theo ông Liên, nguyên nhân chính dự án bị chậm, đội vốn là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của chủ đầu tư phía thành phố Hà Nội chậm, sự giám sát, đốc thúc của những người có trách nhiệm chưa quyết liệt, nghiêm túc.

Đến nay dự án đã bị chậm hơn 2 năm kéo theo đó là bao biến động, do vậy công trình không bị đội giá mới là lạ. Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về đơn vị quản lý dự án và chủ đầu tư”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định.

Bộ GTVT nói gì về thông tin lùi tiến độ đường sắt Cát Linh-Hà Đông đến 2021?

Bộ Trưởng Bộ GTVT vừa có chia sẻ liên quan đến thông tin lùi tiến độ khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến 2021.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Trọng (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN