Đường sắt đô thị vật vã... về đích

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, trong đó, đã có 2 tuyến khởi công. Tuy nhiên, nhiều người e ngại về tiến độ của các dự án này.

Khó về đích đúng kế hoạch

Tám tuyến đường sắt đô thị đã được phê duyệt gồm: tuyến 1 chạy hướng Yên Viên - Ngọc Hồi, tuyến 2A hướng Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 2 hướng Nam Thăng Long - Thượng Đình, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội - Yên Sở, tuyến 4 hướng Liên Hà - Bắc Thăng Long, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi, tuyến số 7 Mê Linh - Ngọc Hồi, tuyến số 8 Sơn Đồng - Dương Xá. Trong đó, 2 tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đã được khởi công từ vài năm trước đó. Dự kiến, cuối năm 2014, đầu năm 2015, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh - Hà Đông sẽ đi vào hoạt động, mở ra phương án mới cho lời giải bài toán giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2008, chính thức khởi công ngày 10/10/2011, chủ đầu tư dự án là Cục Đường sắt. Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) nếu các điều kiện về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, cấp phép thi công đảm bảo theo yêu cầu thì công tác xây lắp và cung cấp thiết bị dự kiến có thể hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và trong quý II năm 2015 dự án được đưa vào khai thác sử dụng.

Đây là dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với tổng mức đầu tư 533 triệu USD (8.770 tỷ đồng). Dự án do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện… Tuy nhiên, tiến độ tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này cũng đang chật vật để về đích đúng hẹn. Đến nay, đường dẫn vào depot (bến trung chuyển) vẫn chưa hoàn thành. Ước tính khối lượng thực hiện đến nay mới đạt 682 tỷ đồng, bằng 8% khối lượng dự án. Theo kế hoạch đến hết 2012, hoàn thành GPMB đường dẫn vào depot và 30% công tác GPMB  qua các khu dân cư (quận Đống Đa và Thanh Xuân). Ông Trần Văn Lục, Giám đốc BQL Đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhìn nhận, GPMB phục vụ dự án còn chậm.

Đường sắt đô thị vật vã... về đích - 1

Từ ngày khởi công đến nay, tuyến Cát Linh - Hà Đông mới xây được mấy chục trụ đỡ

Không thể chỉ vẽ cho đẹp bức tranh

Còn với dự án Nhổn - ga Hà Nội, ngày 25/9/2010 cũng đã khởi công Depot tại Nhổn. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng, gồm vốn vay ODA và vốn đối ứng trong nước. Theo kế hoạch ban đầu, tuyến này cũng sẽ hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2015. Nhưng đến nay, 2 năm trôi qua, ngay việc GPMB cho đường dẫn vào depot (tại Nhổn) vẫn chưa hoàn thành. Ông Nguyễn Quang Mạnh, Trưởng BQL đường sắt này cho biết, do đây là dự án thí điểm đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm, không có chuyên gia trong nước mà phụ thuộc hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài. Hơn nữa, trong quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn vướng mắc trong thẩm định, phê duyệt định mức đơn giá.

Đường sắt đô thị vật vã... về đích - 2

Tuyến Cát Linh - Hà Đông mới xây được khoảng chục trụ đỡ đoạn phố Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội

Đánh giá về tiến độ các dự án đường sắt đô thị, ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hạ tầng giao thông đóng một vai trò rất quan trọng, là xương sống của hạ tầng đô thị. Trong khi, quỹ thời gian không còn nhiều, mà một công trình giao thông đòi hỏi rất nhiều thời gian, ít là vài năm, lâu có thể kéo dài cả chục năm. “Chúng ta đang có 8 tuyến đường sắt đô thị đã được phê duyệt, quy hoạch. Nhưng liệu từ nay đến năm 2015, có tuyến nào hoàn thành đi vào hoạt động không?”, ông Dục đặt câu hỏi. Đối với tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Dục cho biết, đến nay mới xây được mấy chục trụ, cần phải có sự ưu tiên về GPMB, cơ chế, thì mới có thể hoàn thành vào năm 2015.

Ông Dục cho rằng, hiện công tác GPMB cho các công trình đô thị nói chung, công trình giao thông nói riêng rất chậm, các quận, huyện không vào cuộc. Vì vậy, nên rút kinh nghiệm, các phương án GPMB không nên có phương án 2, phương án 3, mà chỉ nên có 1 phương án để thực hiện. “Các dự án phải nêu đúng quy hoạch cụ thể về vốn, chi tiết thì mới thể hiện được tính khả thi cao. Không thể chỉ vẽ dự án thành bức tranh đẹp, khi không thực hiện được thì bức tranh ấy lại dang dở”, ông Dục đề xuất.

Muốn giải bài toán giảm ùn tắc giao thông thì không chỉ trông chờ vào các giải pháp mang tính đơn lẻ như cầu vượt, phân làn, phí hạn chế phương tiện… mà phải là tổng hợp của cả hệ thống giao thông như đường trên cao, đường sắt đô thị, mở đường… Một dự án chậm tiến độ, sẽ kéo theo cả hệ thống vạ lây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Tuyền (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN