Đường sắt đô thị tiến độ rùa, khi nào Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân?
"Nhiều thành phố trên thế giới đã loại bỏ xe máy, giảm ôtô cá nhân trong nội đô, nhờ đó đã giảm được ùn tắc giao thông. Để đạt được mục tiêu giảm phương tiện cá nhân, giao thông công cộng của Hà Nội phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân".
Đó là chia sẻ của ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội tại Hội thảo: “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới hạn chế các loại phương tiện giao thông cá nhân”, được tổ chức ngày 11/4.
Theo ông Rao, mục tiêu của hội thảo nhằm tìm giải pháp giảm xe máy và các phương tiện giao thông cá nhân khác trong giao thông nội đô.
Ông Rao cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, điều kiện tiên quyết là các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Nhiều thành phố trên thế giới đã làm và có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý, đã loại bỏ xe máy và giảm ôtô cá nhân ở trong nội đô, giảm được ùn tắc giao thông…
Tại hội thảo, ông Lê Anh Nam, Trưởng Trung tâm Điều hành xe buýt (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, tại các đô thị lớn trên thế giới đường sắt đô thị được coi là xương sống. Tuy nhiên, Hà Nội là Thủ đô nhưng hiện mới chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Dự kiến, trong thời gian tới là khai thác đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy của tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Hành khách chờ đi tàu tuyến Cát Linh- Hà Đông
Ông Nam cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị ở Thủ đô trong thời gian qua là khá hạn chế. Do đó, thành phố cần có các cơ chế, giải pháp và cách thức triển khai mạnh mẽ hơn để thay đổi bộ mặt Thủ đô cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
TS. Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, hiện nay lượng khách đi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt số lượng theo yêu cầu.
Ông Trường cũng đề xuất nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, cũng như ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác nhằm tạo thành hoạt động vận tải toàn diện.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, cụ thể hóa vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đích đến là phát triển đô thị theo định hướng TOD, nhằm từng bước giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Các chuyên gia giao thông đã đưa ra ý kiến trước đề án “cấm xe máy” vào nội thành trên các địa bàn quận Hà Nội năm 2030.
Nguồn: [Link nguồn]