Đường sắt đô thị sẽ thay thế tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa

Sự kiện: Thời sự

Hà Nội - Do hạn chế về hạ tầng, buýt nhanh thành "buýt chậm" nên BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11, theo Phó chủ tịch thành phố Dương Đức Tuấn.

Ngày 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, đặt vấn đề liệu Hà Nội có nên tiếp tục xây dựng các tuyến BRT còn lại theo quy hoạch hay không, trong bối cảnh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều? Ông cũng đề nghị rút kinh nghiệm từ những hạn chế của tuyến BRT hiện tại nếu tiếp tục thi công các tuyến đường khác.

Từ khi đi vào hoạt động năm 2016 tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa luôn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Ngọc Thành

Từ khi đi vào hoạt động năm 2016 tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa luôn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Ngọc Thành

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung Thủ đô. 4 tuyến được bổ sung nâng tổng số tuyến đường sắt đô thị của thành phố lên 14, tổng chiều dài 550 km. "Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là xương sống của giao thông đô thị, kết nối đường bộ, đường không và tương lai cả đường thủy", ông nói.

Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 04 năm 2017 với mục tiêu hạn chế xe máy ở các quận vào năm 2030. Tuy nhiên, sau 7 năm, việc thực thi nghị quyết đang gặp khó do tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn thấp. Các nghiên cứu cho thấy chỉ khi tỷ lệ vận tải phương tiện công cộng đạt 30-50% mới có thể tính đến việc hạn chế xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hà Nội hiện mới đạt 19,5%.

"Hà Nội hoàn thành đúng kế hoạch xây dựng 400 km đường sắt đến 2035 thì việc hạn chế xe máy mới khả thi", ông Tuấn nói.

Cung đường tuyến đường xe BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động. Đồ họa: Tiến Thành

Cung đường tuyến đường xe BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động. Đồ họa: Tiến Thành

Theo ông Tuấn, BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016 thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Nhưng tuyến BRT này tỏ ra rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương làm đường ưu tiên.

"Buýt nhanh trở thành buýt thường, buýt chậm. Điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11", ông Tuấn nói.

Tuyến BRT số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Tuyến dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe. Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Võ Hải

Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Võ Hải

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết trong giai đoạn 2009 đến 2023, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, cả 7/7 tuyến cao tốc hướng tâm (hơn 110 km, 8/8 tuyến quốc lộ hướng tâm với gần 245 km) đã được đầu tư, đưa vào khai thác.

Bảy tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư, trong đó vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ vùng Thủ đô đã khởi công vào tháng 6/2023. 4 trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư.

Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc. Đó là Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên...

Nguồn: [Link nguồn]

"Nhiều thành phố trên thế giới đã loại bỏ xe máy, giảm ôtô cá nhân trong nội đô, nhờ đó đã giảm được ùn tắc giao thông. Để đạt được mục tiêu giảm phương tiện cá nhân, giao thông công cộng của Hà Nội phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Hải ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN