Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vì sao Tổng thầu Trung Quốc không "đòi" 50 triệu USD nữa?

Lý giải về nội dung Tổng thầu Trung Quốc đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân 50 triệu USD để tiếp tục triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc giải ngân phải thực hiện theo hợp đồng và quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc đề nghị giải ngân 50 triệu USD được phía Tổng thầu Trung Quốc đưa ra tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/05/2020 giữa Ban QLDA Đường sắt với ông Tiêu Vu Thái - Tổng Giám đốc Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC), ông Tiêu Vu Thái đã trao đổi, hiện tại Tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ.

Qua đó, Tổng thầu Trung Quốc đã kiến nghị "Chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án".

Tổng thầu Trung Quốc không nhắc tới 50 triệu USD

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Thông tin về việc giải ngân 50 triệu USD cho phía Tổng thầu Trung Quốc, chiều ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc đề nghị giải ngân 50 triệu USD của Tổng thầu Trung Quốc đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là do phía Trung Quốc gặp khó khăn về vốn. Hiện, hai bên đã "hiểu nhau" và đang tích cực hợp tác hoàn thành hồ sơ pháp lý để giải ngân.

"Số tiền 50 triệu USD nằm trong khối lượng dự án đã thực hiện, nhưng hợp đồng EPC đã ký kết quy định rõ việc thanh toán và khối lượng thanh toán. Do đó, việc giải ngân phải đáp ứng được đầy đủ các quy định theo hợp đồng và theo pháp luật Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải thích.

Chia sẻ về lời đề nghị giải ngân của phía Tổng thầu Trung Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Bộ GTVT rất chia sẻ với khó khăn của Tổng thầu Trung Quốc nhưng việc thanh toán số tiền này là không có cơ sở. Hiện tại phía Tổng thầu không còn nhắc tới việc thanh toán này nữa".

Đối với việc phải đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành vào năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bên liên quan để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật.

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là phải đưa được đội ngũ các chuyên gia của Trung Quốc và Tư vấn giám sát trở lại dự án. Hiện nay có 28 nhân sự phía Trung Quốc đã sang Việt Nam, trong đó có 23 chuyên gia của Tổng thầu và 5 nhân sự của đơn vị Tư vấn giám sát dự án. Số nhân sự này có mặt tại Hà Nội từ ngày 14/6, hơn 100 nhân sự còn lại đang tiếp tục làm thủ tục để trở lại Việt Nam.

"Các nhân sự Trung Quốc di chuyển bằng tàu hỏa và nhập cảnh qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai. Tại đây, tất cả phải kê khai và kiểm tra y tế, phun khử trùng trước khi lên xe ô tô di chuyển về Hà Nội. Chuyên gia Trung Quốc thực hiện cách ly tập trung ở khu depot của dự án tại Hà Đông, không được tiếp xúc với bên ngoài. Thời gian cách ly là 14 ngày. Sở dĩ cách ly tập trung tại khu depot để tạo thuận lợi cho Tổng thầu tiếp cận công việc, xử lý hồ sơ dự án và các công việc tồn đọng trong thời gian qua" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.

Chưa có cơ sở giải ngân

Chưa có cơ sở để giải ngân 50 triệu USD cho Tổng thầu Trung Quốc.

Chưa có cơ sở để giải ngân 50 triệu USD cho Tổng thầu Trung Quốc.

Đối với các chuyên gia của Tư vấn Pháp hiện vẫn chưa thể sang Việt Nam. Bộ GTVT đang làm việc với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để xúc tiến các thủ tục đưa chuyên gia trở lại dự án. "Đây là các nhân sự có vai trò rất quan trọng, họ thực hiện đánh giá dự án. Dự án có thể đưa vào vận hành thử nghiệm hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá của Tư vấn Pháp" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt – Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc giải ngân sẽ được thực hiện theo khối lượng công việc (dạng cuốn chiếu) làm tới đâu thanh toán tới đó. Tức là làm xong hạng mục nào, phía Tổng thầu Trung Quốc sẽ trình lên chủ đầu tư các giấy tờ liên quan, khi xét thấy giấy tờ đầy đủ, đáp ứng đúng với quy định trong hợp đồng thì sẽ tiến hành giải ngân hạng mục đó".

Ông Phương cho biết: "Tất cả các buổi làm việc, các bên đều phải thực hiện theo đúng các quy định. Theo quy định của hợp đồng khi hoàn thành đúng thiết kế được tư vấn nghiệm thu được các bước theo đúng nội dung của hợp đồng thì chủ đầu tư sẽ giải ngân được tối đa 95%, 5% còn lại sẽ được giữ lại trong thời gian bảo hành 24 tháng, hết thời bảo hành mới xem xét giải ngân hết".

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, mọi việc đều phải theo đúng quy định, việc thanh toán phải có cơ sở, không phải tự nhiên nói thanh toán là thanh toán. Hiện, vẫn chưa có cơ sở để thanh toán 50 triệu USD theo yêu cầu của phía Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán 50 triệu USD vẫn chưa có văn bản chính thức nào, việc thanh toán phải có đủ cơ sở thì mới thanh toán được và thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đến nay, vẫn chưa có thông tin gì mới từ phía Tổng thầu.

Đối với việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi nào vận hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ, Thủ tướng giao Bộ GTVT hoàn thành dự án trong năm 2020, còn Hà Nội kỳ vọng dự án sẽ khai thác trước tháng 10, Bộ GTVT sẽ cố gắng tối đa theo quy định của pháp luật, để hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng chỉ đạo đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Anh ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN