Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu muốn 31/12/2019 bàn giao, Bộ GTVT đánh giá chưa biết bao giờ xong

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng Tổng thầu trung Quốc đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào ngày 31-12-2019 là không khả thi.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết đến bao giờ mới có thể vận hành chính thức - Ảnh: Ngô Nhung

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết đến bao giờ mới có thể vận hành chính thức - Ảnh: Ngô Nhung

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo của Chính phủ, Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15-10-2008 là 8.769,965 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Trong đó, vốn vay của Trung Quốc gồm vốn vay tín dụng ưu đãi: 1,2 tỉ Nhân dân tệ (NDT, tương đương 169 triệu USD), lãi suất 3%/năm, các khoản phí và bảo hiểm, thời hạn vay 15 năm (5 năm ân hạn); vốn vay ưu đãi bên mua: 250 triệu USD, lãi suất 4%/năm, các khoản phí và bảo hiểm, thời hạn vay 15 năm (5 năm ân hạn). Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 133,86 triệu USD.

Đến ngày 23-2-2016, tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT là 18.001,597 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỉ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó phần vốn vay của Trung Quốc: 13.867,198 tỉ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), tăng 7.220,601 tỉ đồng (tương đương 250,62 triệu USD) .

Chính phủ cho biết tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng do thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; Bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; Điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; Kinh phí giải phóng mặt bằng (bao gồm cả công trình di dời hạ tầng kỹ thuật) thay đổi; Biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở và một số thay đổi khác....

Hiện nay công tác nhập khẩu vật tư, thiết bị được tổng thầu tiếp tục thực hiện (tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 99%). Công tác thi công lắp đặt thiết bị đang được tổng thầu triển khai đạt khoảng 97%.

Các công việc còn lại bao gồm thi công biển báo chỉ dẫn, thiết bị công nghệ khu Depot; khắc phục tồn tại và sửa chữa khiếm khuyết các chuyên ngành thông tin, AFC, cấp điện.

Tính đến nay, dự án đã giải ngân được phần lớn lượng vốn. Cụ thể, vốn ODA Trung Quốc giải ngân được 518 triệu USD trên tổng số vốn vay là 669,62 triệu USD (khoảng 77,49%); vốn đối ứng phía Việt Nam giải ngân được 3.196 tỉ đồng/4.134 tỉ đồng (khoảng 77,30%).

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay Tổng thầu đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao Dự án dự kiến vào ngày 31-12-2019. Tuy nhiên, do tiến độ Tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết và có các điều kiện ràng buộc (Công tác nghiệm thu thanh toán phải được thực hiện bao gồm thanh toán trọn gói và các hạng mục phát sinh, Tổng thầu nhận được chứng chỉ hoàn thành công trình), nên theo đánh giá của Bộ GTVT, mốc thời gian nêu trên là khó khả thi.

"Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành Dự án".

Về các tồn tại, vướng mắc hiện nay, Chính phủ cho biết vướng mắc chủ yếu của Dự án là việc Tổng thầu chưa tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trước khi đưa Dự án vào vận hành khai thác.

Về đánh giá an toàn đoàn tàu. Qua đánh giá ban đầu của Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (đơn vị tư vấn của Pháp: Liên danh Apave - Certifer - Tricc), Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường nơi sản xuất dẫn đến chưa đủ cơ sở để Tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu về hồ sơ, điện, phanh hãm. Nếu không giải quyết triệt để, có khả năng phải kéo dài thời gian khắc phục và hoàn chỉnh đánh giá để nghiệm thu đưa vào khai thác.

Về đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống. Theo báo cáo của Tư vấn độc lập, do tồn tại chưa đánh giá an toàn của đoàn tàu và một số khiếm khuyết của hệ thống tín hiệu điều khiển, quản lý an toàn vận hành; đồng thời, do Tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, thử nghiệm thí nghiệm an toàn nên Tư vấn độc lập chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống.

"Ngoài ra, quá trình vận hành thử toàn hệ thống sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Do đó, nếu không hoàn thành đánh giá Hệ thống đảm bảo an toàn sẽ khó có thể nghiệm thu đưa vào khai thác"- báo cáo của Chính phủ cho hay.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thiếu hồ sơ kỹ thuật: Mất thêm nửa năm khắc phục

Chỉ ra những vấn đề chưa đồng bộ của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tư vấn Pháp cho rằng, hồ sơ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN