Đường sắt Cát Linh Hà Đông lại hoãn chạy thử toàn hệ thống

Phía Tổng thầu EPC vẫn chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

Hình ảnh đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông

Hình ảnh đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông

Lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường sắt Cát Linh (Bộ GTVT) cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng; thiết bị lắp đặt đạt khoảng 97%, phần chưa lắp đặt không liên quan đến hoạt động chạy tàu.

Theo kế hoạch, Tổng thầu EPC (Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) sẽ có thời gian chuẩn bị trước khoảng 5 ngày. Bắt đầu từ ngày 29/11, đơn vị này sẽ bắt đầu thực hiện các công tác cho việc vận hành thử toàn hệ thống và kết thúc vào ngày 19/12.

“Tuy nhiên, sau 5 ngày, phía Tổng thầu EPC vẫn chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án. Chính vì vậy, phía chủ đầu tư không đồng ý cho Tổng thầu thực hiện vận hành thử toàn hệ thống. Hiện tại, dự án vẫn chưa thể vận hành thử, và gần như chắc chắn dự án sẽ không thể hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong năm 2019”, vị đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt Cát Linh thông tin và cho biết thêm, hiện chưa rõ thời gian cụ thể đưa dự án đường sắt vào khai thác thương mại.

Theo vị này, đường sắt đô thị là loại hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, công nghệ lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận. Vì vậy, bắt buộc phải có phương án an toàn khai thác do Tổng thầu xây dựng để làm căn cứ giám sát, nghiệm thu, quy trách nhiệm.

Hiện tại, đơn vị đang yêu cầu Tổng thầu hoàn thiện phương án an toàn, sau đó mới cho chạy thử toàn hệ thống trong 20 ngày. Sau thời gian chạy thử này, đơn vị sẽ kiểm định độc lập tiếp tục đánh giá để làm cơ sở tiến tới nghiệm thu dự án và bàn giao cho Hà Nội khai thác thương mại.

Ngoài ra, Bộ GTVT đang tiếp tục làm việc với cơ quan ngoại giao Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ, thúc ép Tổng thầu thực hiện theo đúng các quy định của Việt Nam.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

Sau khi kiểm tra, tham quan đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông, Phó Thủ tướng đã hỏi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về thời gian đưa dự án vào khai thác thương mại. Tại đây, ông Thể nói: "Ngoài công tác nghiệm thu, chúng tôi còn thuê tư vấn kiểm định độc lập, khi nào an toàn mới chứng nhận. Không chứng nhận được an toàn hệ thống thì không thể vận hành. Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần. Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách giúp dự án vận hành sớm".

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2009, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.

Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục điều chỉnh tiến độ vì nhiều lý do trong đó về nguồn vốn giải ngân là điểm nghẽn lớn nhất.

Tuyến đường sắt có chiều dài 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Cử tri lo ”lúc qua đời đã được đi đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa”

Trong gần 1000 người được đào tạo để vận hành đường sắt trên cao có 28% đã nghỉ việc vì chờ đợi quá lâu. Cử...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN