Đường sắt Cát Linh- Hà Đông cho hành khách mang xe đạp gấp lên tàu
Ông Vũ Hồng Trường-Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, để tạo điều kiện cho hành khách, công ty sẽ cho mang xe đạp gấp gọn lên tàu.
Sáng 25/6, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), đã thông tin về các kết quả vận hành và doanh thu trong thời gian qua.
Thông tin với báo chí, ông Vũ Hồng Trường-Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị duy nhất tại Hà Nội đang vận hành. Do chưa có kết nối với các tuyến khác nhưng đây là một hình thức vận tải mới, văn minh của vận tải hành khách công cộng.
“Với những gì có thể làm được, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho hành khách. Dưới sự chỉ đạo của thành phố, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành chúng tôi đã phục vụ hành khách một cách tốt nhất thời gian qua”, ông Trường nói.
Để phục vụ và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho hành khách, ông Trường cho biết, theo thông lệ quốc tế, đường sắt metro không vận chuyển hàng hóa, mà chỉ vận chuyển hàng lý xách tay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khách hàng đi tuyến Metro đã tự trang bị những xe đạp mini nhỏ, gấp lại để đi từ nhà đến ga tầu và đi từ ga cuối đến điểm cần đến.
Khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Trọng Đảng
“Trước mắt, để tạo điều kiện tối đa cho người dân và trong điều kiện dư địa về năng lực vận chuyển của tàu còn rất lớn, đơn vị sẽ cho người dân đưa xe đạp lên tàu”, ông Trường nói. Tuy nhiên, lãnh đạo Hanoi Metro cũng đưa ra yêu cầu, hành khách phải gấp lại và không ảnh hưởng đến hành khách khác. “Đến khi lượng khách tăng nhiều và kết nối ngày một cải thiện hơn, chúng tôi xem xét có giải pháp phù hợp, để vừa tạo điều kiện tối đa cho hành khách cũng như phát huy được năng lực vận chuyển của vận chuyển”.
Cũng theo ông Trường, văn hóa đi tàu giờ tốt hơn. Nhưng đơn vị sẽ bổ sung thêm một số yêu cầu, như trong toa tàu khách giữ trật tự công cộng. Nhất là thời gian qua có nhiều phản ánh về việc hành khách nói rất to, do đó đơn vị sẽ vừa nhắc nhở, vừa có biển cắm tại chỗ.
Năm 2022: Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 476 tỷ đồng
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km. Ngày 6/11/2021, dự án chính thức vận hành thương mại, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuyến đường sắt này có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Giá vé mở cửa là 7.000 đồng /lượt, theo chặng là 8.000 đồng -15.000 đồng/lượt. Giá vé ngày là 30.000 đồng/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000 đồng /người, có định danh là 100.000 đồng/người).
Mới đây, Hanoi Metro vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021. Theo đó, trong năm 2021, Hanoi Metro cho biết đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Nhưng giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 54 tỷ đồng. Cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ ròng 64 tỷ đồng trong năm 2021.
Về mục tiêu hoạt động trong năm 2022, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Hồng Trường cho biết, năm 2022, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 476 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị là 76,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hanoi Metro cũng dự kiến vận hành thêm đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, chạy tổng cộng hơn 89.000 lượt tàu, phục vụ hơn 7,9 triệu hành khách. Bình quân mỗi ngày, Hanoi Metro phải phục vụ gần 21.800 lượt khách với gần 250 lượt chạy tàu để hoàn thành chỉ tiêu nói trên.
Nguồn: [Link nguồn]
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lỗ luỹ kế tổng cộng tới 160 tỷ đồng.