Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ vận hành ra sao?
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam chạy nhiều loại tàu, trong đó chỉ có một loại tàu có thể đạt tốc độ 320km/h.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết dự án sẽ được đầu tư đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h. Tuy nhiên, khi vận hành thực tế tàu chỉ đạt tốc độ tối đa 320km/h và không phải lúc nào tàu cũng chạy được vận tốc như thế này.
Tàu tốc hành chỉ dừng ở một số ga
Dự án đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh, thành và mỗi tỉnh có ít nhất một nhà ga hành khách. Cự ly trung bình giữa các ga khoảng 67km, trong đó cự ly ga ngắn nhất nằm ở đoạn Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình, chưa đầy 45km; đoạn Thanh Hoá - Nghệ An và Phú Yên - Khánh Hoà cự ly ga cao nhất, trên 100km.
Với cự ly ga như vậy, tàu đường sắt cao tốc cần phải được điều chỉnh biểu đồ chạy tàu hợp lý, để đảm bảo đủ cự ly cho các quãng đường tăng tốc, giảm tốc. Vì thời gian tàu nếu tính từ khi xuất phát đến lúc đạt tốc độ tối đa 320km/h cần thời gian 4 phút với quãng đường 14km, và cần tới 2,5 phút với quãng đường 7,5 – 8km để tàu có thể từ 320km/h dừng hẳn.
Khoảng cách các ga và thời gian chạy tàu đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Theo đó, tư vấn cho rằng khi vận hành tuyến cần phải tổ chức phương án chạy tàu hợp lý, không phải tàu nào cũng chạy vận tốc 320km/h. Cụ thể tư vấn phân ra các loại tàu như sau:
Tàu loại 1, hay còn gọi là tàu tốc hành, chạy suốt Bắc - Nam với vận tốc cao nhất là 320km/h, nhưng chỉ dừng ở 5 ga chính là Ngọc Hồi (Hà Nội), Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hoà), Thủ Thiêm (TP.HCM).
Tàu tốc hành cần thời gian 5 giờ 20 phút để di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM (đã tính cả thời gian dừng 2 phút tại các ga). Trong đó, khu đoạn Hà Nội - Nghệ An mất 56 phút, Nha Trang - TP.HCM mất 71 phút.
Tàu loại 2 gồm có 2A và 2B. Trong đó, 2A dừng tại ga chẵn, 2B dừng tại ga lẻ, với vận tốc trung bình từ 200 - 250km/h, thời gian di chuyển của hai loại tàu này từ Hà Nội vào TP.HCM tương tự như nhau, mất đến 6 giờ 6 phút.
Ngoài các loại tàu Bắc - Nam kể trên, tuyến sẽ có tàu 2C khai thác trên các khu đoạn như: Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Đà Nẵng. Thời gian chạy tàu 2C tùy thuộc vào cự ly khai thác của từng khu đoạn.
Như vậy, chỉ có tàu loại 1 dự kiến đạt được tốc độ vận hành 320km/h, còn các tàu khác sẽ phải điều chỉnh tốc độ ở mức thấp hơn để dừng được tất cả các ga.
Biểu đồ chạy tàu đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tư vấn cũng dự tính, đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, khởi công năm 2027 và hoàn thành trong năm 2023. Hai đoạn còn lại phải đến 2035 mới hoàn thành. Vì vậy, tuyến Ngọc Hồi - Vinh và Nha Trang - Thủ Thiêm được đưa vào khai thác trước.
Giai đoạn này, chạy tàu 2C (loại 3), với tần suất hai chuyến một chiều/giờ vào khung giờ thấp điểm và 3 chuyến/giờ vào giờ cao điểm.
Thời gian đầu, mỗi đoàn tàu cao tốc chỉ có 8 toa, với năng lực vận chuyển 610 khách. Sau đó, căn cứ vào nhu cầu, đơn vị khai thác sẽ xem xét đầu tư nâng số lượng toa xe trên một đoàn tàu lên thành 16 toa/đoàn tàu với năng lực chuyên chở là 1.220 hành khách/đoàn tàu.
Tàu cao tốc chủ yếu chở khách, khi có nhu cầu mới chở hàng. Tuy nhiên, tàu hàng không khai thác vào ban ngày mà dự kiến khai thác ban đêm, khung giờ từ 0 giờ đến 6 giờ, vận tốc chạy khoảng 160km/h.
Ngoài ra, để đảm bảo độ tin cậy của hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết bị sẽ tổ chức khai thác tàu hàng với tần suất 4 ngày/tuần, 3 ngày còn lại được bố trí cho công tác bảo trì hạ tầng, thiết bị.
Giá vé như thế nào?
Bộ GTVT cho biết vé tàu sẽ được xác định theo hai nguyên tắc: người dân có thể chi trả để tiếp cận dịch vụ đi lại bằng đường sắt cao tốc, đảm bảo tính hấp dẫn và cơ cấu thị phần vận tải. Giá vé dự kiến bằng khoảng 60-70% giá vé máy bay bình quân của hai hãng có thị phần lớn nhất (VietNam Airline, VietJet Air).
Để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt cao tốc chia làm ba mức giá vé, dự kiến: vé hạng nhất 0,187 USD/km (khoang VIP, tàu dừng ít ga); hạng 2 là 0,078 USD/km; hạng 3 là 0,047 USD/km.
Như vậy, với chặng Hà Nội - TP.HCM dự kiến vé hạng nhất 7,34 triệu đồng; vé hạng 2 là 3,05 triệu đồng; vé hạng 3 là 1,83 triệu đồng.
Với cách tính như vậy, năm 2037, khi dự án đi vào vận hành, hành khách phải trả mức phí 1.421 đồng/km.
Mức giá vé trên sẽ được điều chỉnh 5 năm một lần, với mức tăng dự kiến 15%. “Mục đích bù đắp lạm phát” - Bộ GTVT cho hay.
Mức vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
So sánh giá vé với một số nước trong khu vực và trên thế giới, cho thấy giá vé đường sắt cao tốc không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam hoặc với tuyến đường sắt có chiều dài lớn.
Từ đó, Bộ GTVT kết luận, giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam “cơ bản hợp lý”, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ, nhưng hành khách sẽ được trải nghiệm chất lượng dịch vụ cao, tiết kiệm thời gian, an toàn, tiện nghi hơn nên tạo tính hấp dẫn và khuyến khích người dân tiếp cận dịch vụ.
Với mức thu như vậy tư vấn dự báo, số lượng lấp đầy hành khách thời gian đầu chưa cao nên khó cân đối được thu chi. Theo tính toán của Bộ GTVT, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, không đủ để chi trả bảo trì cơ sở hạ tầng.
Vì vậy, Nhà nước sẽ hỗ trợ bổ sung kinh phí cho doanh nghiệp để thực hiện công tác bảo trì hạ tầng tương tự như đang làm với dự án đường sắt hiện hữu. Tuy nhiên, khoản tiền này lớn hơn nhiều, cụ thể trong năm 2037 khoảng 238 triệu USD, năm 2038 khoảng 213 triệu USD, năm 2039 khoảng 187 triệu USD, năm 2040 khoảng 140 triệu USD.
Các năm sau đó nếu cân đối được thu chi lại có một khó khăn tiếp đó là đến kỳ thay thế thiết bị, phương tiện. “Đây là chi phí rất lớn, doanh thu không đủ bù, đòi hỏi tiếp tục có sự hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp khai thác vận tải…”- Bộ GTVT đánh giá.
Tuy nhiên, tín hiệu vui là khoản tiền 19,88 tỉ USD do Nhà nước và doanh nghiệp bỏ ra đầu tư mua sắm thiết bị vận hành cho giai đoạn đến năm 2060, Bộ GTVT dự báo có khả năng thu hồi. Thời gian thu hồi vốn mất 33,61 năm trong điều kiện thông thường, trường hợp doanh thu giảm 5%, thời gian hoàn vốn ước tính kéo dài đến 41,8 năm. Xét trong trường hợp bất lợi, doanh thu giảm 10% không thể hoàn vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, đường sắt cao tốc Bắc - Nam còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các địa phương dọc tuyến; thúc đẩy du lịch và phát triển đô thị hóa, toàn cầu hóa nhanh hơn; phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng…
Giá vé đường sắt cao tốc với đường sắt hiện hữu như thế nào? So sánh giá vé của đường sắt cao tốc với giá vé của các loại hình giao thông khác hiện nay như sau: Tuyến đường sắt Thống Nhất, vé hạng nhất 1,5 triệu đồng; hạng 2 là 1,4 triệu đồng; hạng 3 là 0,96 triệu đồng. Đường bộ tuyến Hà Nội - TP.HCM, có giá vé 1,1 triệu đồng.
Giá vé tàu của một số nước trên thế giới. |
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, hoàn thành vào năm 2036, với chi phí vận hành và bảo trì hằng năm đều ở mức...
Nguồn: [Link nguồn]